Giàu tài nguyên - cơ hàn cuộc sống(!)

07:13, 05/12/2013

HGĐT- Dòng suối Sảo - nơi cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân xã Bạch Ngọc, Ngọc Minh (Vị Xuyên) luôn đục ngàu bùn đất; nhiều ruộng canh tác bị đất, đá vùi lấp, không thể khôi phục sản xuất; cuộc sống ngày càng khó khăn... đó là thực trạng nhói lòng đã, đang xảy ra với người dân sống ở vùng giàu tài nguyên khoáng sản.



Chất thải của các nhà máy khai thác khoáng sản ngập lòng suối Sảo và đầy đường giao thông.

Nghèo giữa... “núi vàng”:

Nhiều năm trước, người dân xã Ngọc Minh luôn tự hào bởi trên mảnh đất họ sinh sống có nguồn khoáng sản phong phú. Họ càng náo nức hơn, khi xuất hiện những nhà đầu tư đến triển khai dự án, phát triển công nghiệp khai khoáng. Ngày đó, người dân Ngọc Minh luôn lạc quan, tin tưởng về cuộc sống tốt đẹp hơn, con em họ sẽ trở thành công nhân ngay trên quê hương, dịch vụ sẽ phát triển, bộ mặt nông thôn miền núi sẽ sáng hơn. Thế nhưng, sau mấy năm công nghiệp về làng, cuộc sống chưa thấy khá hơn, người dân lại đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp đầu tư theo kiểu “ăn sổi”.


Xã vùng III Ngọc Minh có 9 điểm mỏ khai thác quặng Mangan đã được cấp cho 7 doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, có 4 doanh nghiệp đã triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở, lắp đặt thiết bị sản xuất. Theo lẽ thông thường, nơi đâu có sản xuất công nghiệp, ở đó đời sống người dân sẽ khấm khá hơn. Nhưng, những gì đang diễn ra ở Ngọc Minh lại không tuân theo quy luật này. Ngoài con đường nhựa được Nhà nước đầu tư có vốn hàng chục tỷ đồng mới hoàn thành, một số công trình phúc lợi xây dựng khang trang, còn cuộc sống người dân không khá hơn mà còn nghèo hơn trước.


Cuộc sống đồng bào nghèo hơn khi chưa có các dự án khoáng sản - đồng chí La Văn Thúy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Minh khẳng định. Kiểm chứng nhận định của người đứng đầu chính quyền địa phương, chúng tôi “mục sở thị” một vòng quanh xã. Những gì thu được quả không vui chút nào. Một vùng rừng núi bạt ngàn đang bị đào bới tan hoang để tìm khoáng sản, nhiều ruộng canh tác, đồi trồng cây của người dân cũng nhường đất để các doanh nghiệp móc tài nguyên dưới lòng đất. Được doanh nghiệp đền bù ít tiền, người dân đã chi mạnh tay vào việc mua xe máy, ti vi... Đến khi tiền hết, tư liệu sản xuất không còn, cuộc sống nhiều hộ dân bần hàn hơn xưa.


9 dự án khai thác khoáng sản đã lấy của người dân Ngọc Minh hơn 225 ha đất. Nhưng đến nay, mới chỉ duy nhất dự án của Công ty TNHH Tường Phong hoạt động ổn định, có nhận một lượng nhỏ lao động địa phương vào làm việc. Các dự án khác vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoạt động cầm chừng nên chưa giải quyết được việc làm cho người dân mất đất. Vì vậy, sau nhiều năm công nghiệp về làng, tỷ lệ hộ nghèo của Ngọc Minh vẫn ở mức khá cao, trên 69%.


Môi trường “kêu cứu”:

Ô nhiễm môi trường do các nhà máy khai thác khoáng sản gây ra luôn là câu chuyện thời sự nóng đối với người dân các xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc. Các dự án khai thác Mangan chủ yếu sử dụng công nghệ tuyển từ, tuyển trọng lực, lượng nước dùng tuyển quặng rất lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư hệ thống ao lắng lọc nên nước thải chưa qua xử lý, bùn đất cứ vô tư xả thẳng ra nguồn nước, khiến dòng suối Sảo bị ô nhiễm nặng.


Tại buổi làm việc với chúng tôi, đồng chí Lữ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Ngọc bức xúc cho biết: Các hộ dân Bạch Ngọc - vùng hạ lưu suối Sảo nhiều năm nay luôn lãnh đủ hậu quả do các dự án khoáng sản gây ra. Khi các nhà máy hoạt động, dòng suối Sảo luôn đục ngàu bùn đất, mùi hôi bốc lên nồng nặc, có thời điểm cá chết trắng mặt nước. Nhiều năm trước, dòng suối Sảo là nguồn cung cấp nước chính, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng hạ lưu. Còn giờ đây, họ gọi suối Sảo là dòng suối chết, người dân không dám lội qua chứ chưa nói đến việc dẫn nước vào ao nuôi cá, tưới cho cây trồng. Nhiều khi, dòng suối còn cuốn theo lượng lớn đất, sỏi, tràn vào ao cá, vùi lấp ruộng canh tác. Người dân Bạch Ngọc chưa được hưởng chút lợi nào từ các nhà máy khai thác khoáng sản, lại đang phải lãnh đủ hậu quả về môi trường.


Hôm chúng tôi đến Ngọc Minh - thời điểm này, các xưởng tuyển quặng của Công ty Cổ phần đầu tư Cao Nguyên Đá, Công ty Cổ phần Việt Bắc, Công ty TNHH Hồng Hà... đang tạm ngừng hoạt động, nhưng lòng suối Sảo vẫn đầy bùn đất. Con đường nhựa dẫn vào trung tâm xã cũng trở thành địa điểm tập kết chất thải của các nhà máy khai khoáng. Qua quan sát cho thấy, hầu hết ao chứa chất thải đều được các doanh nghiệp bố trí cạnh dòng suối, nhưng họ lại chưa đầu tư, xây dựng kiên cố nên chỉ thời gian ngắn là bùn đất lấp đầy, rồi tràn xuống suối. Cá biệt, theo như lời đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Ngọc: Mới đây, vì quá bức xúc, xã đã thành lập đoàn kiểm tra kéo lên Ngọc Minh và phát hiện, có doanh nghiệp thải trực tiếp nước chưa qua xử lý ra lòng suối.


Xin đừng... hứa(!)

Vấn đề ô nhiễm môi trường do các nhà máy khai thác khoáng sản gây ra theo phản ánh của người dân, các ngành chức năng đã vào cuộc. Gần đây nhất, Sở TN-MT đã xuống kiểm tra và khẳng định: Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, chưa thực hiện đúng, đầy đủ cam kết bảo vệ môi trường, chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý môi trường đảm bảo tiêu chuẩn. Trên cơ sở đó, Sở TN-MT yêu cầu các doanh nghiệp: Công ty TNHH Tường Phong, Công ty TNHH khoáng sản Hồng Hà, Công ty Cổ phần đầu tư Cao Nguyên Đá, Công ty Cổ phần Việt Bắc, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Điện lực Hà Giang, phối hợp với UBND xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc, xây dựng phương án, tiến hành nạo vét lòng suối Sảo xong trước 30.10.2013.


Thế nhưng, chỉ đạo của cơ quan chức năng chưa được các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện. Lãnh đạo xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc cho biết, họ đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, mời đến bàn phương án khắc phục nhưng đều không mang lại kết quả. Không thể hoàn thành được việc nạo vét lòng suối theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp viện đủ lý do và lại đưa ra lời hứa. Khi biết các doanh nghiệp hứa đến cuối năm sẽ nạo vét xong lòng suối, người dân rất ngán ngẩm, họ không tin vào lời hứa, họ cần hành động ngay, bởi cuộc sống đã khổ rồi, đừng làm cơ cực thêm nữa!


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trang trại chăn nuôi lợn thịt đầu tiên của tỉnh được cấp Chứng nhận VietGAHP
HGĐT- Trang trại Hà Huy, tổ 11, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) vừa được Trung tâm Chất lượng nông, lâm – thủy sản (NL–TS) vùng 1 (Cục Quản lý Chất lượng NL- TS) cấp Chứng nhận VietGAHP cho quy trình sản xuất lợn thịt. Đây là trang trại chăn nuôi lợn thịt đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận ý nghĩa này.
30/11/2013
Yên Minh đáp ứng nguồn vốn cho nhân dân phát triển kinh tế
HGĐT- Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Yên Minh đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân trên địa bàn tiếp cận nhanh với nguồn vốn vay phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, xóa đói giảm nghèo... Hàng năm đóng góp hàng tỷ đồng tiền thuế cho địa phương.
30/11/2013
Xã Nậm Ty phát huy hiệu quả công trình thủy lợi
HGĐT - Xác định phát triển hệ thống thủy lợi (HTTL) là một trong những khâu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) đã làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân thấy được lợi ích thiết thực của HTTL mang lại, từ đó bà con đã tự nguyện đóng góp tiền và ngày công lao
28/11/2013
Yên Minh – huyện đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn
HGĐT- Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh nói chung, các huyện, thành phố nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, huyện Yên Minh đã sớm hoàn thành chỉ tiêu thu các khoản thuế, phí, lệ phí năm 2013 ngay từ cuối tháng 10. Kết quả đó thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của toàn huyện nói chung và Chi cục Thuế Yên Minh nói riêng.
26/11/2013