Doanh nghiệp – lượng và chất

08:48, 11/08/2012

HGĐT- Ngân hàng đủ, thậm chí là thừa tiền cho vay, còn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hoặc ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh vì thiếu vốn, đó là một thực tế không ai muốn, nhưng nó đang diễn ra ở tỉnh ta, cho thấy một viễn cảnh không mấy sáng sủa đối với các loại hình doanh nghiệp tỉnh nhà.

 


Trong những năm qua, các loại hình doanh nghiệp tỉnh ta (trong đó có đến 72% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Tuy nhiên những năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài, cùng với việc thực hiện mục tiêu bình ổn giá, chống lạm phát và thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về thắt chặt tín dụng, cắt giảm đầu tư công, do đó rất nhiều công trình xây dựng, giao thông chưa thực sự cần thiết phải giãn, hoãn tiến độ đầu tư, tỉnh chỉ ưu tiên tập trung vào những công trình trọng điểm, cấp bách, công trình đang thi công chuyển tiếp, vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng do thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động hoặc xin giải thể. Doanh nghiệp yếu kéo theo hàng loạt các ngành, nghề sản xuất, các dịch vụ “ăn theo” như sản xuất vật liệu xây dựng, các cửa hàng kinh doanh sắt, thép, xi măng, thậm chí là cả... ăn uống rơi vào cảnh“đìu hiu”. Đây thực sự là một tín hiệu rất không tốt cho cho nền kinh tế của tỉnh ta, đặc biệt là các doanh nghiệp.

 

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, đến hết 30.6, tỉnh ta có 1.542 doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp Nhà nước của Trung ương và địa phương có 128 doanh nghiệp, thì đã có tới 50 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Đặc biệt số doanh nghiệp ngoài quốc doanh, gồm các công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân đăng ký thuế là 1.414 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 914 đơn vị đang hoạt động nộp thuế, số tạm nghỉ kinh doanh là 85 đơn vị và có tới 372 doanh nghiệp ngừng hoạt động... Tuy nhiên, số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, năng lực quản lý, hoạt động sản xuất – kinh doanh chỉ đếm trên đầu ngón tay (chủ yếu có từ trước), còn lại thực tế số lượng các doanh nghiệp tiềm lực tài chính “ọp ẹp” không hoạt động, cũng không xin giải thể là rất lớn, vì vậy khoảng cách giữa số lượng và chất lượng doanh nghiệp ngày càng xa, điều này đặt ra cho tỉnh, các ngành chức năng cần có những giải pháp đồng bộ kịp thời để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực, sức “đề kháng” trước những biến động tiêu cực của thị trường.

 

Trao đổi với ông Lê Đình Nghinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Giang được biết, qua khảo sát 39/174 doanh nghiệp hội viên của Hội Doanh nghiệp tỉnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng phấn đấu duy trì sản xuất, kinh doanh, tổng doanh thu đạt trên 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 2 tỷ, nộp ngân sách Nhà nước trên 67 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 3.600 lao động, với mức lương trung bình 4,2 triệu đồng/tháng. Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn lớn trong thời gian qua và hiện tại đối với các doanh nghiệp đó là vốn. Đại đa số các doanh nghiệp có vốn điều lệ thấp, phần lớn phải đi vay để đầu tư phát triển, do đó hầu hết không đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn bởi không đáp ứng được các tiêu chí của ngân hàng; khó khăn nữa là kế hoạch bố trí thanh toán vốn năm 2012 của tỉnh còn chậm, đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 mới có quyết định phân bổ vốn; giá cả các loại nguyên vật liệu, giá nhân công đầu vào cao, không ổn định, dẫn đến một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, người lao động không có việc làm, doanh thu không đạt kế hoạch; nhiều doanh nghiệp nợ đọng thuế, không được hưởng các hỗ trợ xã hội; mặc dù đã được Chính phủ và tỉnh có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên chính sách tiền tệ vẫn còn thắt chặt, lãi suất vẫn còn ở mức cao; năng lực quản lý của phần lớn chủ doanh nghiệp còn rất hạn chế, chưa phản ứng kịp thời với thị trường; việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chậm...

 

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đế với doanh nghiệp kinh doanh một số ngành nghề, ngành Thuế đã giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 6 tháng đầu năm 2012 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ với số tiền 3,2 tỷ đồng; gia hạn 40,6 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng tháng 4+5 chuyển nộp tháng 11+12.2012, tháng 6.2012 gia hạn nộp tháng 1.2013 ước trên 20 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế cho 19 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, thi công các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đã được bố trí trong dự toán chi, nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn để nộp thuế dẫn đến còn nợ thuế gần 14 tỷ đồng; gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 là 10.500 triệu đồng...

 

Cũng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, hệ thống ngân hàng sẽ sớm gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để cơ cấu lại nợ, điều chỉnh lại kỳ hạn cho vay; các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất theo đúng chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho tất cả các thành phần kinh tế không quá 15%/năm; Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp cận các đối tượng như doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nông dân bị tổn thất sau thu hoạch để miễn, giảm lãi suất...; thực hiện nghiêm túc các kết luận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về hạ lãi suất theo từng thời điểm. Đồng chí khẳng định, hiện lượng tiền của các ngân hàng thương mại là khá dồi dào, nhưng không thể giải ngân được bởi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế không xây dựng được dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh...

 

Mặc dù đã có những giải pháp của Chính phủ, của tỉnh, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, tình hình thời gian gần đây chưa thấy được những tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp, hiện tại còn rất ít doanh nghiệp có hoạt động giao dịch với các ngân hàng, nếu có hoạt động giao dịch thì đa số là hoạt động tiền gửi, rất ít hoạt động giao dịch tiền vay, bởi số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, đủ điều kiện vay thì không có đầu điểm công trình do chính sách thắt chặt đầu tư công của Chính phủ, còn lại là các doanh nghiệp quá yếu không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng... Qua khảo sát, đại đa số doanh nghiệp trong tỉnh đang ở trong tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng, các doanh nghiệp có đầu điểm thì đã dốc toàn bộ vốn tự có và vốn vay để thi công mong muốn có khối lượng để được thanh toán, nhưng lại được ghi kế hoạch, tạm ứng vốn rất ít. Sự khó khăn thể hiện ở ngay chính Hội Doanh nghiệp tỉnh, hiện Hội đã thành lập được một công ty cổ phần về lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhưng cũng không có vốn hoạt động, mặc dù đã có đầu điểm đó là... trụ sở Hội đã được tỉnh cấp đất, nhưng các cổ đông không có khả năng góp vốn, các doanh nghiệp thành viên đóng hội phí không đều...

 

Hiện số lượng các doanh nghiệp trong tỉnh ta là khá lớn, nhưng rất tiếc lại tỷ lệ nghịch với chất lượng, họ đang “gồng mình” chống trọi với cơn suy thoái, rất cần những chủ trương, chính sách kịp thời của Chính phủ và của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cụ thể là đề nghị tỉnh ghi kế hoạch, tạm ứng vốn các công trình để đáo nợ ngân hàng tiếp tục vay vốn, tái đầu tư và phát triển; mong tỉnh rà soát lại số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, doanh nghiệp “ma” để thu hồi giấy phép, thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ đó là tái cấu trúc lại doanh nghiệp; có cơ chế chặt chẽ về việc cấp phép thành lập, rút ngắn khoảng cách giữa số lượng và chất lượng doanh nghiệp hiện nay.

 


VĂN NGHỊ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai thác sử dụng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ
HGĐT- Là một tỉnh miền núi, Hà Giang có điều kiện tự nhiên rất phức tạp, có nhiều đồi núi, sông, suối, vực sâu. Đây là một trong những lợi thế cho việc phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ.
31/07/2012
Hiệu quả đầu tư của huyện Quản Bạ trong việc vận động người dân trồng ngô đảm bảo mật độ
HGĐT- Đến huyện Quản Bạ công tác, được kiến diện đồng chí Bí thư Huyện ủy khi đang có cuộc trao đổi cùng đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh về những định hướng lớn của huyện, trong quá trình tập trung triển khai những nội dung trọng tâm, xoay quanh vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
31/07/2012
Kiểm toán Nhà nước công bố Quyết định kiểm toán tại Hà Giang
HGĐT- Sáng 30.7, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với UBND tỉnh công bố Quyết định kiểm toán tại tỉnh Hà Giang. Dự công bố Quyết định về phía tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bàn Đức Vinh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban,
31/07/2012
Hữu Vinh - mùa quả ngọt
HGĐT- “Lên huyện Yên Minh, nhớ mua cho mình mấy cân xoài Hữu Vinh nhé”, lời nhắn gửi của anh bạn dẫn lối tôi đến xã Hữu Vinh, vùng đất trồng xoài ngon nổi tiếng trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
31/07/2012