Những “bước đi” vững chắc trong phát triển chăn nuôi gia súc ở Mèo Vạc

16:44, 21/11/2011

HGĐT- Với đặc thù của một huyện vùng cao núi đá, huyện Mèo Vạc xác định phát triển chăn nuôi là mũi nhọn để góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con.


 

 Người dân xã Sủng Trà (Mèo Vạc) tận dụng các loại cây rừng làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc của gia đình.


Từ đó, huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển tổng đàn gắn với đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc với mục tiêu phấn đấu tới năm 2015, tổng đàn trâu, bò trong toàn huyện sẽ đạt gần 39 ngàn con; nâng tổng diện tích cỏ chăn nuôi đạt 5.000 ha và đưa thu nhập từ chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn của các hộ gia đình, chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp...


Từ mục tiêu, kế hoạch và trên cơ sở Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện, các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể để làm cơ sở tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện theo từng mục tiêu, đảm bảo phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển đàn gia súc hàng hóa gắn với trồng cỏ đã đề ra. Đặc biệt, các xã, thị trấn cần xây dựng riêng kế hoạch cụ thể, phát động cuộc vận động sâu, rộng tới mọi tầng lớp nhân dân để làm tăng trưởng tỉ lệ đàn gia súc hàng hóa gắn với trồng cỏ chăn nuôi của từng hộ, từng thôn, bản. Theo ông Nguyễn Chí Thường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Hiện nay, huyện Mèo Vạc còn xác định rõ để đạt được mục tiêu cần phải thực hiện tốt chương trình bằng giải pháp khảo sát hàng năm và bình tuyển bổ sung đàn trâu, bò, ngựa giống cũng như tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao KHKT chăn nuôi đại gia súc sinh sản cho bà con nông dân; khuyến khích các hộ có điều kiện phát triển đàn theo quy mô vừa, nhỏ theo hộ gia đình. Đối với những nơi có điều kiện tốt, thuận lợi, huyện khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, HTX...”. Còn đối với các ban, ngành chức năng cần phải làm tốt và tiếp tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chọn lọc, bảo tồn giống trâu, bò, có chất lượng tốt của địa phương, từng bước mở rộng quy mô tổng đàn theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, với đặc thù của một huyện nghèo, đời sống kinh tế của bà con các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn, nếu tự bỏ vốn ra đầu tư cho chăn nuôi, mua con giống đối với người dân là một vấn đề nan giải. Anh Hứa Đình Tuấn, Phó Phòng NN& PTNT huyện Mèo Vạc cho biết: “Để khắc phục tình trạng đó, huyện và Phòng đã, đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, ưu tiên đầu tư hỗ trợ lãi suất cho người chăn nuôi vay vốn phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi theo các chương trình, như: Dự án cho các hộ nghèo vay vốn phát triển chăn nuôi; vay vốn phát triển đàn trâu, bò, ngựa hàng hóa và sinh sản; vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, chế biến và dự trữ thức ăn gia súc. Nhờ có sự đầu tư chuyên sâu về mọi mặt nên chỉ tới tháng 9.2011, toàn huyện trồng xong 500ha cỏ, đạt 100% kế hoạch, đây chính là một trong những điều kiện để đảm bảo nguồn thức ăn cho gần 89.500 con gia súc. Trong đó, có hơn 27.100 con bò và trên 3.600 con trâu...”. Song song với đó, hàng năm huyện còn dành một phần ngân sách từ nguồn vốn Nông nghiệp trọng tâm, sự nghiệp nông nghiệp để hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ giống; đầu tư mô hình trình diễn chăn nuôi trâu, bò sinh sản, hàng hóa; trồng, chế biến và bảo quản, dự trữ thức ăn làm cơ sở cho nhân dân tham quan học tập, làm theo. Chính nhờ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ và qua học tập từ các mô hình trình diễn, lớp học về kinh nghiệm chăm sóc, ủ chua thức ăn dự trữ cho gia súc mà gia đình anh Phan Văn Phênh, xóm Bản Chiều, xã Tát Ngà đã có 2 con bò, 1 con trâu phát triển rất tốt. Vừa cho trâu, bò ăn bằng thức ăn cây, cỏ tận dụng từ vườn rừng của gia đình, anh Phênh tâm sự: “Vui lắm, lúc đầu thấy nhiều nhà trong xóm có trâu, bò để nuôi, ra chợ bán được giá lắm. Mình cũng “thèm ” mà chẳng có tiền để đầu tư. Nay nhờ Nhà nước nhờ huyện mà gia đình mình có trâu, có bò rồi. Quý lắm, gia đình chăm sóc rất cẩn thận theo đúng kỹ thuật được học. Ăn Tết xong là mình có thể bán 1 con bò rồi, nhà mình sắp có tiền để cho con ăn học, mua sắm một số đồ dùng cần thiết cho gia đình rồi...”.


Và để có một thị trường ổn định, vững chắc, tạo được niềm tin cho bà con cũng như thương nhân trong ngoài địa phương tin tưởng vào chất lượng nguồn cung cấp trâu, bò giống, thịt trên địa bàn. Huyện Mèo Vạc còn rất chú trọng, tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng chợ trung tâm huyện; mở rộng hoạt động buôn bán gia súc ra tất cả các chợ trong huyện cũng như tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực phát triển chăn nuôi, dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho nhân dân theo hướng liên doanh, liên kết. Để đạt được điều đó thì chất lượng, số lượng của tổng đàn luôn phải phát triển đều và muốn thành công trong chăn nuôi việc quan trọng của Mèo Vạc chính là phải đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc. Nắm bắt được điều đó, thời gian qua huyện đã tiếp tục tập trung mở rộng diện tích trồng cỏ, nhất là diện tích cỏ có năng suất, chất lượng cao. Trên cơ sở tận dụng các diện tích đất nông, lâm nghiệp chưa sử dụng; đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi. Cùng với đó, các ngành chức năng còn tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho bà con về các biện pháp thâm canh, tăng năng suất đối với những diện tích cỏ hiện có và tận thu các sản phẩm trong nông nghiệp để chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa Đông. Thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thú y từ huyện tới cơ sở nhằm hạn chế thấp nhất tình hình dịch bệnh xảy ra đối với tổng đàn...


Với những “bước đi” vững chắc kết hợp với sự phân công rõ ràng, cụ thể cho từng ban, ngành chức năng của huyện trong việc thực hiện theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện về phát triển đàn gia súc hàng hóa gắn với trồng cỏ trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng đàn trâu, bò toàn huyện sẽ đạt trên 38 ngàn con và phấn đấu bình quân mỗi hộ gia đình có từ 3 con trâu, bò trở lên. Việc thực hiện thành công mục tiêu này sẽ là một trong những quyết sách đúng đắn của các cấp lãnh đạo huyện Mèo Vạc trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc...


PHI ANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triển khai sản xuất vụ đông ở Bắc Quang
HGĐT- Vụ Đông – xuân 2010 – 2011 rét đậm, rét hại ở mức kỷ lục và kéo dài đã khiến sản xuất vụ mùa năm 2011 của huyện Bắc Quang bị chậm hơn 1 tháng so với lịch gieo trồng.
21/11/2011
Hoàng Su Phì chuẩn bị thức ăn gia súc trong mùa đông
HGĐT- Nhằm chủ động, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc khi mùa đông đang đến gần, huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo các xã vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiến hành ủ thức ăn chua từ cỏ tươi. Hiện nay, cán bộ khuyến nông huyện đang xuống các xã, hướng dẫn người dân đào hố, thái cỏ, ủ thức ăn.
21/11/2011
Khai mạc Hội chợ Thương mại huyện Quang Bình
HGĐT- Tối 17.11, UBND huyện Quang Bình phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại Tùng Châu - Hà Nội tổ chức khai mạc Hội chợ Thương mại năm 2011.
18/11/2011
Vai trò mũi nhọn của cây chè trong phát triển kinh tế ở Vị Xuyên
HGĐT- Khoảng trên 28 tỷ đồng là một con số ấn tượng mà cây chè đã mang lại cho người dân Vị Xuyên trong năm 2011. Nó góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con nơi đây và trở thành cây kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện nhà.
18/11/2011