Thực hiện cuộc “Cách mạng” trong sản xuất công nghiệp

17:15, 07/10/2011

HGĐT- Giai đoạn 2006-2010, hoạt động sản xuất công nghiệp luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần tích cực vào chuyển dịch nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng nhanh về số lượng các yếu tố đầu vào tạo giá trị cho ngành công nghiêp, thì chất lượng hoạt động ở lĩnh vực này cũng là vấn đề đáng quan tâm.


 

 Nhà máy đá xẻ Vị Xuyên đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh lớn trên thị trường.


Thực trạng

Hà Giang được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, điều này được chứng minh bằng tốc độ và giá trị tăng trưởng duy trì liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như, năm 2006, giá trị thực tế ngành công nghiệp chỉ đạt trên 470 tỷ đồng, thì đến năm 2010, nó đã bứt phá nhanh chóng lên trên 1 nghìn tỷ đồng, tăng gần 271% so với năm 2005; ở thời điểm năm 2005, cả tỉnh có 3.227 cơ sở sản xuất công nghiệp, đến năm 2009 đã tăng lên 3.852... con số so sánh này cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nhưng, ngược lại, chất lượng của ngành công nghiệp còn nhiều điều cần quan tâm.


Phải thừa nhận, những năm qua, tỉnh ta đã nỗ lực không mệt mỏi, ban hành nhiều chủ trương, quyết sách, thực hiện quy hoạch ngành công nghiệp, làm tiền đề, căn cứ triển khai, xây dựng các dự án kêu gọi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp. Điều này đã tạo ra hiệu ứng tích cực, đưa quy mô sản xuất, hiệu quả kinh tế và năng suất của các cơ sở công nghiệp tăng lên. Đặc biệt, đã làm chuyển biến mạnh mẽ ở một số lĩnh vực được xác định là đầu tàu trong sản xuất công nghiệp như khoáng sản, thuỷ điện, chế biến nông - lâm sản.


Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng những chính sách thông thoáng, khuyến khích, thu hút đầu tư được triển khai, đã tạo thành nguồn lực tổng hợp, thúc đẩy sự ra đời nhanh chóng của hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhiều dự án công nghiệp được hình thành. Có một thời gian, tỉnh ta được chứng kiến sự nở rộ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Còn ở lĩnh vực thuỷ điện, khi quy hoạch vừa được ban hành, đã có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký, hứa hẹn triển khai dự án trong thời gian sớm nhất...Sau một thời gian chạy đua về số lượng, đến khi nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình khi thấy việc phát triển sản xuất công nghiệp thời gian qua có quá nhiều bất cập.


Đơn cử như trong lĩnh vực khai khoáng, việc cấp phép khai thác, chế biến cho nhiều doanh nghiệp trên cùng một đơn vị hành chính xã, thôn, bản đã dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, hoạt động đầu tư manh mún, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc trong các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thiếu trầm trọng, điều này dẫn đến việc điều hành sản xuất không theo đúng quy trình, hiệu quả hoạt động không cao. Việc cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản chưa gắn với yêu cầu sản xuất, sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, giá trị thấp, không ổn định, chưa phát huy sức mạnh liên doanh, liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh.


Tuy được đánh giá là “ít sạn” trong hoạt động đầu tư, nhưng lĩnh vực công nghiệp năng lượng cũng đang gặp nhiều vấn đề, khó khăn lớn nhất của nhà đầu tư thuỷ điện chính là các dự án nằm ở khu vực có địa hình phức tạp, núi cao, vực sâu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Mặt khác, đây là lĩnh vực đầu tư cần huy động nguồn vốn lớn, trong quá trình triển khai, một số dự án thiếu vốn nên phải kêu gọi liên doanh, liên kết, thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi cổ đông sáng lập, không đủ năng lực tài chính... dẫn đến dự án chậm tiến độ.


Ở lĩnh vực công nghiệp chế biến lâm sản, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sản xuất không tập trung, trình độ quản lý, tay nghề lực lượng lao động thấp, chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa không đa dạng, sản phẩm kém sức cạnh tranh.


Hướng phát triển

Nhìn tổng thể, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh, những thuận lợi, khó khăn đan xen nhau, nếu chúng ta thẳng thắn nhìn nhận, có quyết sách hợp lý thì sẽ tạo đòn bẩy để ngành công nghiệp phát triển theo hướng chuyên sâu, tạo ra sản phẩm giàu hàm lượng chất xám, tính cạnh tranh cao. Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh xác định, từ nay đến 2015, giá trị tăng thêm của nền kinh tế đạt tốc độ bình quân 14,6%, trong các yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng, ngành công nghiệp - xây dựng phải tăng cao hơn với mức 19,5%, trong khi đó, các ngành dịch vụ tăng 17,5%, nông - lâm nghiệp 5,5%. Và để đạt được mục tiêu, giá trị gia tăng ngành công nghiệp bình quân năm đạt trên 18%, đòi hỏi phải có sự đổi mới mạnh mẽ về chất lượng ngay từ bây giờ.


Tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 9 (mở rộng) vừa được tổ chức, dự thảo Đề án phát triển sản xuất công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả đến năm 2015 đã được trình lấy ý kiến của các Uỷ viên BCH và các ngành liên quan. Nếu đề án được triển khai, đây sẽ là cuộc “cách mạng”, làm chuyển biến một cách sâu sắc hoạt động sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Theo dự thảo này, phát triển công nghiệp có thế mạnh của tỉnh tập trung ở 4 lĩnh vực chủ yếu: Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; thuỷ điện; chế biến nông - lâm sản, thực phẩm; khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng. Quan điểm của tỉnh là đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả gồm các ngành nghề, quy mô phù hợp với tính chất, khả năng cung ứng vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ tiên tiến, theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.


Mục tiêu đặt ra đến năm 2015, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh, bền vững, sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; đầu tư cải tạo, mở rộng các cơ sở sản xuất đang hoạt động theo quy hoạch được duyệt, cải tạo công nghệ, thiết bị hoặc thay thế các cơ sở khai thác, chế biến lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, nhanh chóng đưa ngành công nghiệp khai khoáng - luyện kim, thuỷ điện, chế biến nông - lâm sản thực phẩm, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng gắn với phát triển hệ thống khu, cụm công nghiệp, trở thành ngành kinh tế quan trọng có vai trò quyết định đến sự phát triển của tỉnh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái.


Giải pháp

Thực hiện mục tiêu này, một loạt các giải pháp về quy hoạch, vốn, xây dựng hạ tầng và tạo mặt bằng thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, thị trường, KHCN, nâng cao năng lực quản lý ngành công nghiệp... cũng được trình xin ý kiến. Trong các nhóm giải pháp đó, tỉnh chú trọng công tác quy hoạch đối với từng lĩnh vực cụ thể, làm tiền đề cho việc định hướng sản xuất công nghiệp những năm tới; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, trước hết là thủ tục hành chính, thống nhất một đầu mối quản lý Nhà nước. Đồng thời, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, quyết tâm cao bỏ vốn đầu tư san, lấp, xây dựng kết cấu hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp; kêu gọi vốn ODA đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; xây dựng danh mục các dự án gọi vốn đầu tư, cung cấp thông tin chi tiết về từng dự án, các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh cho nhà đầu tư kịp thời, công khai. Ưu tiên lựa chọn thiết bị, công nghệ mới theo hướng sản xuất sạch với các tiêu chí năng suất cao, ít tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng, đảm bảo an toàn, thân thiện môi trường sinh thái...

Với định hướng triển khai và các nhóm giải pháp cụ thể, ngành công nghiệp của tỉnh đang kỳ vọng đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XV, sản lượng điện sản xuất đạt 2 tỷ KWh, chế biến chè 20 nghìn tấn, bột giấy 15 nghìn tấn, gỗ ép nhân tạo các loại 150 nghìn m3, Feromangan-mangan kim loại đạt 40 nghìn tấn, Đioxitmangan tự nhiên 15 nghìn tấn, phôi thép 500 nghìn tấn, Angtimon kim loại 3,2 nghìn tấn, sản xuất các loại gạch, ngói xây dựng 100 triệu viên... đưa tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 19,5%, giá trị sản phẩm công nghiệp (giá thực tế) đạt 2 nghìn tỷ đồng.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thủ tướng kết luận về kinh doanh xăng dầu
Việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian tới phải tiếp tục thực hiện nghiêm, theo đúng các quy định tại Nghị định 84.
30/09/2011
Cục thuế Hà Giang tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp
HGĐT- Vừa qua, Cục Thuế Hà Giang tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp (DN) quý III.2011. Tham dự có 50 DN bao gồm các Công ty Cổ phần, Công ty TNHH hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
30/09/2011
UBND tỉnh giao ban sản xuất nông, lâm nghiệp 9 tháng và triển khai nhiệm vụ quý IV
HGĐT- Ngày 28.9, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Uy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; UBND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông, lâm nghiệp 9 tháng và triển khai nhiệm vụ quý IV.
28/09/2011
Xín Mần phát triển cây trồng vụ đông
HGĐT- Để tăng cường hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho bà con nông dân, vụ đông năm nay huyện Xín Mần thực hiện hỗ trợ 50% giá giống, phân bón các loại để cho bà con tăng gia sản xuất.
28/09/2011