Tập đoàn Công nghiệp cao su chỉ đạo sử dụng giống cao su theo đúng quy định để đảm bảo phát triển ổn định

19:18, 05/08/2011

HGĐT- Trong phát triển cây cao su, việc sử dụng cây giống thích hợp đóng vai trò rất quan trọng. Qua đó, để đảm bảo cây phát triển, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và quá trình sản xuất bền vững, tránh những rủi ro, thiệt hại do thiên tai, thời tiết gây ảnh hưởng đến cây cao su từ quá trình kiến thiết cơ bản cho đến quá trình khai thác về sau...


 

 Công nhân Công ty Cao su Hà Giang chăm sóc cây giống tại vườn ươm xã Vô Điếm (Bắc Quang).


Từ thực tế hàng chục năm phát triển cao su trên nhiều vùng, miền cả nước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (CNCSVN) đã từng bước nghiên cứu, đưa ra những điều chỉnh, quy định về việc sử dụng giống cây cao su một cách cụ thể cho từng vùng miền, trong đó có vùng trồng cao su phi truyền thống như Tây Bắc và Hà Giang.


Theo quan điểm chỉ đạo mới của Tập đoàn CNCSVN, các dự án trồng cao su tại vùng phi truyền thống nói chung yêu cầu phải đặc biệt chú trọng về giống, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu... Việc trồng mới cao su năm 2012, các đơn vị trồng cao su thuộc Tập đoàn sẽ sử dụng giống cao su do các đơn vị thuộc Tập đoàn sản xuất, đã được Viện nghiên cứu Cao su và Ban quản lý kỹ thuật của Tập đoàn khuyến nghị và thông qua. Các giống cao su nhập để trồng tại một số vùng đặc thù, phi truyền thống như Đông Bắc, Tây Bắc... thì chỉ được trồng sau khi đã được các cơ quan chức năng của Tập đoàn kiểm tra, phê chuẩn.


Với mục tiêu tăng năng suất mủ cao su, thích hợp với từng vùng trồng, ngày 11.7 vừa qua, Tập đoàn CNCSVN cũng đã ký quyết định ban hành cơ cấu bộ giống cao su giai đoạn 2011 – 2015. Qua đó, cơ cấu giống mới được điều chỉnh, bổ sung, đồng thời Tập đoàn cũng đưa ra khuyến cáo giống cho các vùng trồng cao su phi truyền thống. Trên cơ sở đó, vùng Đông Bắc sẽ trồng đến 70% diện tích các giống IAN 873, VNg 77-4 và VNg 77-2. Quá trình trồng phải quản lí giống, đảm bảo không trồng lẫn giống...


Có thể nói, với quan điểm chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời của Tập đoàn CNCSVN đối với việc sử dụng giống cao su cho từng vùng, miền cũng như việc áp dụng triệt để các quy định kỹ thuật về cách trồng, tỷ lệ phần trăm một giống trên một diện tích... là một điều hết sức cần thiết. Thông qua đó, đối với những vùng như Hà Giang và các tỉnh phát triển cây cao su ở khu vực Tây Bắc sẽ có những căn cứ để phát triển cây cao su, đảm bảo tính bền vững. Trên cơ sở đó, qua thực tế triển khai trồng tái canh của Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang đã đảm bảo các yêu cầu, quy định của Tập đoàn CNCSVN, của tỉnh về cây giống và tỷ lệ trồng theo phần trăm số giống trên mỗi diện tích. Theo đó, các giống đưa vào trồng gồm IAN 873, VN772, VN774. Đây là những giống cao su có khả năng chịu lạnh rất tốt và có khả năng kháng chịu được với điều kiện thời tiết có biên độ giao động như ở tỉnh ta. Về vấn đề khả năng cho mủ khi cây đến tuổi khai thác, phía lãnh đạo Tập đoàn CNCSVN và Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang cho rằng, với công nghệ sinh học và kỹ thuật chăm sóc, điều chỉnh của Tập đoàn CNCSVN sẽ giải quyết được vấn đề năng suất, sản lượng mủ.


Liên quan đến vấn đề góp đất và phân chia lợi nhuận giữa người dân góp đất với Công ty Cao su, theo thông tin từ Tập đoàn CNCSVN thì vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo phương án dân góp đất liên kết, liên doanh trồng cao su. Qua đó, có 3 phương án là: Mô hình công ty cổ phần, chia cổ tức cho các hộ dân; mô hình phân chia theo lợi nhuận; mô hình phân chia theo sản phẩm. Thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn sẽ tiến hành làm việc với các địa phương trồng cao su để lấy ý kiến và thống nhất phương án thực hiện theo đặc thù của từng địa phương. Từ đó, Tập đoàn sẽ hoàn chỉnh nội dung, phương án và phê duyệt hình thức phân chia lợi nhuận để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên kết trồng cao su.


HUY BA

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xuất hiện dịch sâu róm hại thông tại 2 huyện Yên Minh và Xín Mần
HGĐT- Trên địa bàn Hà Giang, cây thông được trồng chủ yếu tại các huyện vùng cao như Yên Minh, Đồng Văn, Hoàng Su Phì và Xín Mần.
29/07/2011
Nhiều hoạt động liên doanh trong lĩnh vực khai khoáng chưa phát huy hiệu quả
HGĐT- “Đa số các dự án liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài triển khai ở lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đều chưa đáp ứng được năng lực, vì vậy, một số dự án phải dừng hoạt động, hoặc lệ thuộc quá nhiều vào đối tác nước ngoài”. Ông Lưu Tùng Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định với chúng tôi như vậy.
29/07/2011
Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch - hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững ở Mèo Vạc
HGĐT- Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Mèo Vạc xác định ngoài viêc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, còn cần phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương bằng viêc đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiêp, thương mại, dịch vụ,
27/07/2011
Hỗ trợ phát triển chăn nuôi giúp người dân xóa đói giảm nghèo
HGĐT- Trong năm 2010, Dự án DPPR huyện Xín Mần đã hỗ trợ người nghèo trong vùng dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc, lấy đó làm hướng đầu tư hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.
25/07/2011