Hà Giang

Các địa phương cần chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

19:14, 05/08/2011

HGĐT- “Do điều kiện thời tiết mưa nhiều, nắng lắm nên tình hình sâu bệnh hại lúa mùa xuất hiện trên diện rộng và có diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình trên, các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác phòng, trừ sâu bệnh mới có thể đảm bảo năng suất, sản lượng lúa mùa năm nay đạt kế hoạch đề ra” - Đó là khuyến cáo của đồng chí Nguyễn Đạt Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh.


Vụ mùa năm nay, tỉnh ta gieo cấy được trên 26 nghìn ha lúa, trong đó trà lúa sớm 5.245 ha; trà lúa chính vụ 11.801 ha; trà lúa muộn 9.180 ha. Diện tích lúa đang sinh trưởng và phát triển bình thường: Trà lúa sớm ở các huyện vùng cao đang đứng cái, làm đòng; trà lúa chính vụ ở các huyện vùng thấp đang đẻ nhánh rộ; trà lúa muộn đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, tình hình sâu bệnh hại lúa đã xuất hiện trên diện rộng với sự xuất hiện của nhiều loại sâu bệnh cùng một lúc và đang có chiều hướng diễn biến hết sức phức tạp. Đồng chí Nguyễn Đạt Sơn cho biết: “Hiện nay, dịch sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 (thời kỳ vũ hoá, sâu non) xuất hiện trên tất cả các trà lúa ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với diện tích bị ảnh hưởng trên 5.000 ha, mật độ trung bình khoảng 5 con/m2. Đặc biệt, qua kiểm tra cho thấy trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã xuất hiện bệnh đạo ôn và rầy nâu ở mật độ thấp, trong đó mật độ rầy nâu 100 con/m2; bệnh đạo ôn đang ở cấp 1. Đây là hiện tượng đột biến, hiếm gặp bởi từ trước đến nay, bệnh rầy nâu, đạo ôn hại lúa chỉ xuất hiện trong vụ đông - xuân chứ chưa bao giờ xuất hiện trong vụ mùa. Có thể đánh giá, tình hình sâu bệnh hại lúa năm nay có nhiều yếu tố đột biến, phức tạp”.


Trước thực trạng trên, để người dân nắm bắt tình hình và thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, Chi cụ Bảo vệ Thực vật tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Công điện số 10 về việc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ; Sở NN- PTNT tỉnh ban hành liên tiếp 2 Công văn số 885 và 951 về chỉ đạo tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa. Đồng chí Nguyễn Đạt Sơn cho biết: “Hiện nay, Chi cục đã huy động 100% cán bộ kỹ thuật xuống các huyện, thành phố để nắm bắt diễn biến tình hình sâu bệnh, chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng trừ. Trong đó tập trung hướng dẫn các địa phương nghiêm túc thực hiện Công điện của UBND tỉnh và Công văn của Sở NN- PTNT về việc triển khai các giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Đối với các huyện, thành phố, cần chỉ đạo Phòng NN- PTNT; Trạm Bảo vệ Thực vật, Khuyến nông; UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện việc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5. Thời gian phun từ nay đến hết ngày 10.8. Hiện trà lúa sớm đã tiến hành phun phòng trừ được 1.775 ha; trà lúa chính vụ phun thuốc phòng trừ được trên 2.000 ha. Khi phun thực hiện theo các nguyên tắc: Đúng lúc, đúng thuốc, đúng cách, đúng nồng độ, liều lượng. Đặc biệt ở những nơi có mật độ sâu cao, trước khi phun thuốc cần dùng cành tre gai gạt phá tổ sâu. Khi phun cần thực hiện phun đồng loạt, dứt điểm trên cánh đồng, tránh tình trạng sâu cuốn lá nhỏ lây lan ra diện rộng. Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, theo nhận định của ngành chức năng có thể xuất hiện trên 100% diện tích lúa mùa, do đó các địa phương cần chỉ đạo người dân nghiêm túc thực hiện việc phun thuốc phòng trừ, thời gian phun thuốc từ ngày 25.8 đến ngày 10.9. Nếu không thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng trừ thì dịch bệnh sẽ bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng lúa mùa năm nay. Đối với dịch bệnh rầy nâu, đạo ôn, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đang tiếp tục theo dõi, giám sát diễn biến, tình hình bệnh dịch và sẽ có khuyến cáo kịp thời cho người dân”. Cùng với những giải pháp trên, các địa phương cần vận động bà con thực hiện mạnh các biện pháp thâm canh để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, nâng cao khả năng chống chịu bệnh...


Có thể khẳng định, vụ mùa năm nay đang đối mặt với tình trạng dịch bệnh hại lúa nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây. Hy vọng rằng, các cấp chính quyền địa phương sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện tốt các giải pháp phòng trừ với quyết tâm đảm bảo năng suất, sản lượng theo đúng kế hoạch đề ra.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xuất hiện dịch sâu róm hại thông tại 2 huyện Yên Minh và Xín Mần
HGĐT- Trên địa bàn Hà Giang, cây thông được trồng chủ yếu tại các huyện vùng cao như Yên Minh, Đồng Văn, Hoàng Su Phì và Xín Mần.
29/07/2011
Nhiều hoạt động liên doanh trong lĩnh vực khai khoáng chưa phát huy hiệu quả
HGĐT- “Đa số các dự án liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài triển khai ở lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đều chưa đáp ứng được năng lực, vì vậy, một số dự án phải dừng hoạt động, hoặc lệ thuộc quá nhiều vào đối tác nước ngoài”. Ông Lưu Tùng Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định với chúng tôi như vậy.
29/07/2011
Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch - hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững ở Mèo Vạc
HGĐT- Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Mèo Vạc xác định ngoài viêc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, còn cần phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương bằng viêc đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiêp, thương mại, dịch vụ,
27/07/2011
Hỗ trợ phát triển chăn nuôi giúp người dân xóa đói giảm nghèo
HGĐT- Trong năm 2010, Dự án DPPR huyện Xín Mần đã hỗ trợ người nghèo trong vùng dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc, lấy đó làm hướng đầu tư hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.
25/07/2011