Hà Giang

Phát triển giao thông nông thôn ở Quản Bạ

16:42, 09/11/2009

HGĐT- Mấy năm gần đây, phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm trong phát triển hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Quản Bạ ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Hệ thống đường giao thông nông thôn phát triển, góp phần thúc đẩy giao lưu, trao đổi hàng hoá, đưa kinh tế của huyện có những bước tiến mới.


Theo đánh giá của Phòng Công thương, huyện Quản Bạ có 3 thôn vùng cao của xã Bát Đại Sơn và 1 thôn của xã Cán Tỷ chưa có đường ô tô, đường dân sinh; 6 thôn ở các xã Cao Mã Pờ, Tả Ván, Bát Đại Sơn, Thái An, Thanh Vân đã có đường nhưng do bị sạt lở nghiêm trọng nên chưa phát huy được hiệu quả, vì vậy mục tiêu của huyện đặt ra trong năm nay với quyết tâm khơi thông, tu sửa và mở mới đường giao thông nông thôn đến tất cả các thôn, bản chưa có đường và đường bị sạt lở. Hiện nay, hệ thống đường giao thông nông thôn của huyện phát triển với trên 110,13 km đường huyện; đường xã, liên thôn bản, liên xã là 294,5 km. Cùng với quyết tâm mở mới các tuyến đường, hàng năm huyện cũng huy động nhân dân tham gia sửa chữa hàng trăm km đường giao thông đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Từ đầu năm tới nay, nhân dân trong huyện đã đóng góp trên 21.000 ngày công mở mới và sửa chữa 97,5km đường giao thông nông thôn. Trong đó có các tuyến như xã Thái An đi thôn Lũng Hầu - Đường Thượng (Yên Minh) dài 6 km; Tùng Vài - Cao Mã Pờ dài 8 km; cầu km 26 - Quốc lộ 4c đi Bát Đại Sơn dài 4,5 km; đường bê tông thôn Lùng Chu Phìn (Tùng Vài) dài 3km; đường liên thôn Cán Hồ (Thái An); Hợp Tiến (Lùng Tám); Lô Lố Thàng ( Thái An) và tuyến đường Vàng Trá Phìn đi Chín Chu Phìn (Cao Mã Pờ) được hoàn thành đã thể hiện rõ tinh thần quyết tâm của nhân dân các dân tộc trong huyện. Các thôn này ở xa trung tâm xã, trước đây đường giao thông chủ yếu là đường mòn, việc trao đổi hàng hoá rất khó khăn, nên sản xuất hàng hoá bị hạn chế, người dân nuôi được con lợn, dê hay trồng được những loại cây lương thực, ăn quả có giá trị cũng không biết tiêu thụ ở đâu. Nhưng từ khi có đường giao thông, việc đi lại, giao lưu hàng hoá của người dân với nhiều vùng lân cận có thuận lợi hơn nhờ đó mà đời sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể. Tư thương đã tìm vào tận trong thôn, bản để trao đổi hàng hoá, các sản vật của địa phương từ đó được trao đổi trên thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhiều gia đình ở các thôn đã mua được xe máy, các vật dụng đắt tiền...


Nói về hiệu quả của việc phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, đồng chí Phạm Hồng Thu, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ khẳng định: Việc phát triển giao thông nông thôn là trăn trở nhiều năm của huyện. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, huyện đã vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động mở mới nhiều tuyến đường liên thôn bản, đường dân sinh theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Các tuyến được hình thành đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, giao lưu hàng hoá được mở rộng, khoảng cách giữa các vùng miền, xã, thôn bản trong huyện được rút ngắn.

Có thể nói, với sự tham gia nhiệt tình của nhân dân, hệ thống đường giao thông nông thôn của huyện Quản Bạ không ngừng được phát triển. Huyện cũng đặt ra quyết tâm trong năm nay sẽ hoàn thành việc mở đường dân sinh tới tất cả các thôn, bản trong huyện. Huyện tiếp tục phát động phong trào toàn dân tham gia mở đường, trên cơ sở huy động người dân ở các xã đã hoàn thành trước hỗ trợ cho các xã còn thôn bản chưa có đường giao thông. Phát huy hiệu quả, lồng ghép từ các nguồn vốn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình 30a của Chính phủ để hỗ trợ nhân dân mua vật liệu nổ, thuê nhân công khoan đá nổ mìn. Huyện chủ trương các tuyến đường liên thôn bản phải được khảo sát kỹ trước khi mở, mặt đường rộng tối thiểu từ 2,5 m trở lên để làm cơ sở cho việc mở rộng thành đường ô tô trong những năm tiếp theo.


Minh Khai

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần đầu tư giống và kỹ thuật cho nông dân Bắc Quang phát triển ngành nuôi trồng thủy sản
HGĐT - Bắc Quang, một huyện vùng thấp của tỉnh Hà Giang, nơi tập trung số lượng ao, hồ tương đối lớn. Do vậy vấn đề phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản nơi đây cần phải có chính sách quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương.
30/10/2009
Quản Bạ khuyến khích phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp
HGĐT - Trong những năm qua, huyện Quản Bạ có nhiều cơ chế, chính sách và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, từ đó dẫn đến quy mô sản xuất, hiệu quả kinh tế và năng suất lao động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng tăng.
30/10/2009
Đẩy nhanh tiến độ thi công đường Nà Chì - Nấm Dẩn.
HGĐT - Hết tháng 9.2009, công trình nâng cấp tuyến đường Nà Chì - Nấm Dẩn (Xín Mần) đã bước vào giai đoạn thi công nước rút nhằm hoàn thành vào cuối năm 2009, bàn giao đưa vào sử dụng khai thác đầu năm 2010.
30/10/2009
Hiệu quả của đề tài sản xuất hạt giống lúa ở Bắc Quang
HGĐT- Trong những năm gần đây các giống lúa thuần chất lượng cao đã được nhân dân trong huyện Bắc Quang đưa vào gieo cấy chiếm 30% diện tích lúa nước của huyện. Các giống lúa này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân.
28/10/2009