Sản phẩm OCOP và câu chuyện chuyển đổi số

22:01, 04/04/2022

BHG - Chuyển đổi số để tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP là xu thế tất yếu trong nền công nghiệp 4.0 hiện nay, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Nhưng con đường để sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) chưa bao giờ dễ dàng, đòi hỏi các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất phải năng động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt để khai thác tối đa tiềm năng này.

Sản xuất rượu Mật ong lên men (sản phẩm OCOP 3 sao) của HTX nông lâm nghiệp Đức Thắng, thị trấn Yên Minh (Yên Minh).                          
Sản xuất rượu Mật ong lên men (sản phẩm OCOP 3 sao) của HTX nông lâm nghiệp Đức Thắng, thị trấn Yên Minh (Yên Minh).                          

HTX Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (HTX Po Mỷ) ở Đồng Văn được biết đến là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT. Ngành nghề chính của HTX là trồng trọt, chế biến nông sản và thương mại với các sản phẩm chính như: Mật ong Bạc hà, thịt treo gác bếp, rau quả an toàn, dược liệu, trong đó sản phẩm mật ong Bạc hà đạt 3 sao OCOP. Để linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tìm kiếm thị trường ổn định trong bối cảnh các hình thức bán hàng truyền thống bị ảnh hưởng do dịch Covid - 19, HTX Po Mỷ đẩy mạnh đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT như: Lazada, Voso, Sendo, Postmart, Shopee, Tiki, trang Facebook, Wedsite. Người tiêu dùng trên một số sàn TMĐT đã quen thuộc với hình ảnh Giám đốc THX Po Mỷ livestream giới thiệu về các sản phẩm do HTX sản xuất, qua đó giúp người tiêu dùng có được cái nhìn toàn diện về chất lượng, quy trình sản xuất sản phẩm mà họ cần. Nhờ bán hàng qua các sàn TMĐT, doanh thu của HTX tăng khoảng 80% so với bán hàng truyền thống, tạo việc làm cho 7 - 10 lao động thường xuyên và thời vụ. Giám đốc HTX Po Mỷ Lưu Thị Hòa chia sẻ: “Việc bán hàng trên các sàn TMĐT là một câu chuyện dài liên quan đến các vấn đề về thương hiệu, sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm, maketing, nguồn cung, chăm sóc khách hàng, không phải cứ đẩy sản phẩm lên “sàn” là bán được. Các sàn TMĐT có những quy định khắt khe, bản thân các HTX, hộ sản xuất khi đã lên “sàn” phải đảm bảo các điều kiện cam kết, linh hoạt, có kỹ năng bán hàng, maketing tốt, có các chương trình khuyến mãi tặng kèm để hấp dẫn khách hàng. Đặc biệt phải chạy quảng cáo tốt để lan toả sản phẩm, giúp nhiều khách hàng biết đến sản phẩm hơn”.

Chia sẻ câu chuyện bán hàng thời 4.0, Giám đốc HTX Thanh niên sản xuất và thương mại nông nghiệp Việt Lâm (Vị Xuyên) Hà Ngọc Châm, cho biết: “HTX hiện có 3 sản phẩm đạt 3 sao OCOP là Phong Vân trà, Hồng trà Phong Vân và Trà lam hoa Nhài. Trong điều kiện các kênh bán hàng truyền thống gần như “đóng băng” do dịch Covid - 19 thì việc bán hàng trực tuyến giúp HTX duy trì sản xuất đi qua mùa dịch. Năm 2022, khi cả nước thực hiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh, các đơn hàng bắt đầu nhiều lên, đặc biệt là các đơn hàng từ miền Nam, báo hiệu một năm khởi sắc. Để bán hàng trên các sàn TMĐT bắt buộc các HTX, người sản xuất phải có kỹ năng chụp ảnh, quay video, livestream và các kỹ năng bán hàng khác, cũng như sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, mạng xã hội. Điểm khó hiện nay là các HTX phần lớn nhỏ lẻ, kinh phí đầu tư cho hoạt động truyền thông, maketing hạn hẹp, không có nguồn nhân lực chuyên về công nghệ; thiếu kỹ năng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm; chưa chú trọng đến hình thức, mẫu mã, bao bì... nên gặp khó khăn khi lên các sàn TMĐT. Mặc dù các cấp, ngành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về bán hàng trên các sàn TMĐT, nhưng bản thân các doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất không tự chủ động, linh hoạt để ứng dụng vào thực tiễn thì rất khó thành công”.

Vị Xuyên là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 25 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó 23 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm thuộc các nhóm: Chè, thực phẩm tươi sống, thủ công mỹ nghệ, gia vị, thực phẩm chế biến. Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Trần Mạnh Tuyên chia sẻ: “Để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT, huyện phối hợp với Bưu điện huyện, Chi nhánh Vietel và Trung tâm Khuyến công tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất các kỹ năng quảng bá, bán hàng, các bước vận hành gian hàng trực tuyến, cài đặt và sử dụng App trên các sàn TMĐT Postmart.vn, Voso.vn, shopee... Hiện nay, huyện đã có 11 sản phẩm OCOP được tiêu thụ thường xuyên trên các sàn TMĐT. Nhận diện được những khó khăn khi HTX, người dân tham gia phương thức tiêu thụ sản phẩm khá mới mẻ này, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các đơn vị tăng cường tập huấn, hướng dẫn các chủ thể của sản phẩm OCOP những kỹ năng cần thiết để đưa hàng nông sản lên các sàn TMĐT; tuyên truyền, nâng cao ý thức của HTX, người dân trong sản xuất nông sản an toàn, bảo đảm các quy định chất lượng đã cam kết với các sàn TMĐT”.

Giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh có 233 sản phẩm được chứng nhận đạt sao OCOP. Đây là tiềm năng lớn khẳng định thương hiệu, chất lượng nông sản tỉnh nhà. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định để phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nâng cao thu nhập là “bài toán” không đơn giản. Năm 2022, tỉnh phấn đấu phát triển mới từ 30 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; củng cố, nâng cao chất lượng, nâng hạng sao cho sản phẩm đã được công nhận; đẩy mạnh xúc tiến thương mại. 100% các hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, HTX đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được UBND tỉnh công nhận đưa lên sàn TMĐT và 100% hộ sản xuất, HTX được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn TMĐT. Mục tiêu đến năm 2025, có 50% hàng hoá và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn TMĐT và 200 doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ chuyển đổi số.

Rõ ràng, việc tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT có rất nhiều mối quan tâm cần phải giải quyết. Để hoàn thành mục tiêu trên, các cấp, ngành và doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất phải “chuyển động”, chuyển đổi số từ tư duy, nhận thức đến hành động, tạo nền tảng phát triển kinh tế số nông nghiệp bền vững, bắt kịp với xu thế của thời đại.

Bài, ảnh:  BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh thanh toán các dịch vụ không dùng tiền mặt
BHG - Chuyển đổi số với mục tiêu lấy người dân là trung tâm, cuộc sống công nghệ tạo cho người dân những thói quen mới như: Mua sắm online; sử dụng ví tiền điện tử; học trực tuyến…Tại Hà Giang, người dân cũng không nằm ngoài sự thay đổi, phát triển đó và dần trở thành những công dân số thông qua việc sử dụng và thụ hưởng những tiện ích mà công nghệ số mang lại, tạo nên một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống.
31/03/2022
Đồng Văn hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử
BHG - Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển thương mại trên địa bàn, thời gian qua, huyện Đồng Văn tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại, trong đó đặc biệt chú trọng việc tăng cường thực hiện phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Qua đó, không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản hiệu quả mà còn giúp các hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh và người nông dân dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu.
28/03/2022
Ngành Y tế với chương trình chuyển đổi số
BHG - Tạo môi trường khám, chữa bệnh hiện đại, hướng đến bệnh viện không giấy tờ; tăng chất lượng khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tin (CNTT), tối ưu quy trình khám, chữa bệnh: Nhanh – gọn – chính xác, giảm thời gian khối lượng công việc thủ tục hành chính; quản lý chặt chẽ tài chính, nâng cao hiệu suất công việc, chất lượng khám, chữa bệnh… là những mục tiêu mà ngành Y tế và các bệnh viện trên toàn tỉnh đã, đang triển khai.
28/02/2022
Khởi động Chương trình chuyển đổi số trong đoàn viên thanh niên
BHG - Sáng 25.3, tại Hội trường lớn Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn Hà Giang phối hợp với Tổ Thanh niên chuyển đổi số (CĐS) của Tập đoàn FPT tổ chức Lễ khởi động triển khai thực hiện Chương trình CĐS trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) theo hình thức trực tuyến kết nối tới điểm cầu của 11 Huyện, Thành đoàn...
25/03/2022