Không gian kỹ thuật số trang bị kiến thức phòng, chống mua bán người, tảo hôn cho trẻ em

10:30, 01/12/2021

BHG - “Em Vui” là không gian kỹ thuật số nhằm trang bị cho trẻ em và nam nữ thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) kiến thức và kỹ năng để phòng tránh tảo hôn và nạn mua bán người, giúp cho các em có thể chủ động và tự tin trong cuộc sống. 

Điểm cầu tỉnh Hà Giang trong Lễ ra mắt nền tảng trực tuyến Em Vui.
Điểm cầu tỉnh Hà Giang trong Lễ ra mắt nền tảng trực tuyến Em Vui.

Em Vui là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên DTTS về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR) do Phái đoàn Liên minh châu Âu và Tổ chức Plan International tại Bỉ đồng tài trợ. Được Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp với Tổ chức Plan International tại Việt Nam thực hiện, có sự tham gia hợp tác của Cục Trẻ em, thuộc Bộ LĐ,TB&XH và các cơ quan khác. Dự án được triển khai tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị trong 3 năm từ 2020 đến 2023. Mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ các em nam nữ thanh thiếu niên DTTS (từ 10 đến 24 tuổi) sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu kiến thức về mạng xã hội và các kỹ năng an toàn trực tuyến, cũng như các kiến thức về tảo hôn, mua bán người để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. 

Thời gian qua, Em Vui đã được thiết kế và hoàn thiện trên nền tảng website https://emvui.vn, ứng dụng điện thoại và 6 kênh mạng xã hội cùng tên là Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter. Em Vui được xây dựng như một diễn đàn thân thiện, tin cậy với nhiều thông tin bổ ích, lý thú để các bạn thanh, thiếu niên tham gia học tập, giao lưu, chia sẻ kiến thức và đối thoại với các nhà hoạch định, thực hiện chính sách từ các cơ quan của chính phủ. Đây còn là một không gian mở hướng đến sự kết nối và thu hút sự tham gia của các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cùng sử dụng và lan tỏa các thông điệp, kiến thức hữu ích cho các bạn thanh, thiếu niên trên khắp mọi miền đất nước. 

Bà Audrey Anne Rochelemagne, Tùy viên, Phòng Quản trị và Pháp quyền, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết: “Ngăn chặn và chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em gái và phụ nữ là điều kiện tiên quyết nhằm thúc đẩy, bảo vệ và thực thi đầy đủ quyền con người và đảm bảo bình đẳng giới vì xã hội vững mạnh hơn, công bằng hơn và bền vững hơn. Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực tình dục, cũng như chấm dứt nạn tảo hôn và mua bán người là những cam kết hành động mạnh mẽ của Liên minh châu Âu tại Việt Nam”. 

Theo khảo sát của dự án, chỉ có 52% trẻ em biết đúng về độ tuổi kết hôn. Các em thường hiểu sai về độ tuổi được kết hôn của nam giới, đồng thời, các em nữ cũng cảm thấy áp lực phải lấy chồng sớm. Có 72% biết được ít nhất 2 hậu quả của việc tảo hôn, phổ biến nhất là ảnh hưởng đến nghề nghiệp tương lai, việc học hành và sức khỏe bản thân. Chỉ có 60% sẵn sàng phản đối hôn nhân ép buộc, tỷ lệ này cao hơn ở trẻ em gái và trẻ em được đi học.

Hầu hết trẻ em thiếu biết về các rủi ro mua bán người và cách phòng tránh, chỉ có 3% nhận biết hầu hết các rủi ro về mua bán người. Những rủi ro ít được nhận biết nhất liên quan đến việc đi lao động qua biên giới, rủi ro đến từ họ hàng, người thân và người yêu. Chỉ có 11% biết về các cách phòng tránh rủi ro, tỷ lệ này thấp nhất ở nhóm 10 tuổi. Trẻ em còn thiếu kiến thức và kỹ năng về sử dụng Internet, hiện nay có 91% trẻ em, thanh niên DTTS đang sử dụng internet; tuy nhiên chỉ có 10% các em có hiểu biết về an toàn trực tuyến. 

Có 42% trẻ em trả lời đã từng hẹn gặp bạn quen trên mạng, trong đó 1/3 hẹn gặp mặt chỉ sau 1 lần nói chuyện. Em Nguyễn Thị Thu Thủy, học sinh lớp 7, Trường THCS Hữu Vinh (huyện Yên Minh), chia sẻ: “Em đã cài và sử dụng Em Vui được gần một tháng. Em thấy Em Vui có rất nhiều bài học bổ ích lồng ghép trong các phim hoạt hình nhiều tập, với nhiều hình ảnh cuộc sống gần gũi và những câu chuyện thú vị về các bạn thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số. Học kiến thức kiểu này em thấy tiếp thu rất nhanh mà lại vui”. 

Bà Lê Quỳnh Lan, đại diện Plan International Việt Nam, cho biết: “Mục tiêu chương trình 5 năm tới của Plan tại Việt Nam là đồng hành cùng cơ quan Chính phủ, các nhà tài trợ, gia đình, cộng đồng để hỗ trợ 2 triệu em gái học tập, dẫn dắt, quyết định và tỏa sáng. Dự án tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh, thiếu niên DTTS về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số với sản phẩm chính là nền tảng Trực tuyến Em Vui, sẽ cùng với các dự án khác giúp hiện thực hóa cam kết của tổ chức Plan trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em sinh sống tại các vùng đồng bào DTTS”. 

Bài, ảnh: LÊ HẢI 


Cùng chuyên mục

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Yên Minh đủ khả năng xét nghiệm sàng lọc SARS – CoV – 2

BHG - Khẩn trương xây dựng, củng cố hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác điều trị, sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch Covid – 19 ở các cấp độ, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Yên Minh vừa được Sở Y tế phê duyệt đủ khả năng xét nghiệm sàng lọc SARS – CoV - 2 bằng kỹ thuật RT-PCR.

29/10/2021
KH&CN là người bạn đồng hành giúp thanh niên đổi mới, sáng tạo trong khởi nghiệp

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định một trong những nhiệm vụ đột phá trọng tâm phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 là việc phát triển kinh tế số, xã hội số, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển đất nước. Thanh niên là một trong những lực lượng quan trọng, đi đầu ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), chuyển đổi số, với khát vọng lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

26/11/2021
Mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia về xã hội số

Bạn đọc hỏi: Xin cho biết mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia về xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn 2030?

26/10/2021
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19

BHG - Hà Giang là một trong những tỉnh có điều kiện KT – XH khó khăn nhất cả nước. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 là việc đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Những nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đổi mới cách làm việc ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đang đươc quan tâm, thúc đẩy, đã và đang đem tới những thành quả đáng ghi nhận.

26/10/2021