Sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý gốc rạ

09:04, 16/09/2020

BHG - Được sự hỗ trợ của Dự án WB7 về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA), trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức triển khai mô hình thâm canh lúa cải tiến sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý gốc rạ. Bước đầu mô hình đã nhận được sự đồng thuận, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất của người nông dân.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ và chuyển giao KHKT về NLN huyện Bắc Quang hướng dẫn các hộ dân sử dụng chế phẩm xử lý gốc rạ tại xã Bằng Hành.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ và chuyển giao KHKT về NLN huyện Bắc Quang hướng dẫn các hộ dân sử dụng chế phẩm xử lý gốc rạ tại xã Bằng Hành.

Theo tập quán canh tác, khi thu hoạch lúa, nông dân thường giữ đất ngập nước để đất mềm, thu hoạch xong sẽ làm đất dễ ràng. Cách làm này tuy giúp tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian làm đất nhưng dễ dẫn đến tình trạng lúa bị ngộ độc hữu cơ do trong gốc rạ có chứa nhiều thành phần hữu cơ rất khó phân hủy. Khi làm đất, cấy giống quá nhanh, gốc rạ không đủ thời gian để phân hủy, thân và gốc lúa còn tươi bị vùi lấp ngay sau thu hoạch trong điều kiện yếm khí sẽ sinh ra các axit hữu cơ và các khí độc. Nhất là vào vụ Hè – thu, thời gian nghỉ giữa 2 vụ ngắn nên tình trạng lại càng trở nên trầm trọng hơn.

Triệu chứng chủ yếu và dễ nhận biết của hiện tượng ngộ độc hữu cơ, cây lùn, ít đẻ nhánh, các lá bị vàng, lá không có khuynh hướng xòe ngang mà dựng thẳng, trên lá có vết bệnh đốm nâu hoặc lá có màu vàng. Cây lúa sinh trưởng và phát triển kém, năng suất thấp, thậm chí cây lụi đi và không cho thu hoạch nếu bị nặng và không được khắc phục đúng cách, kịp thời.

Để phòng ngừa và khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, được sự hỗ trợ của Dự án WB7 về thực hành mô hình CSA, trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức triển khai mô hình thâm canh lúa cải tiến sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý gốc rạ. Mô hình được triển khai tại các huyện: Quang Bình, Bắc Quang và Vị Xuyên. Tổng diện tích thực hiện 737 ha với 3.065 hộ tại 11 xã đủ điều kiện tham gia. Trên cơ sở các hộ được lựa chọn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Ban Quản lý đầu tư các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn, đơn vị chủ đầu tư của dự án thực hiện cấp 1.842,5 kg chế phẩm vi sinh để hỗ trợ nông dân thực hiện. Chế phẩm xử lý gốc rạ là một hỗn hợp vi sinh bao gồm nhiều thành phần như chất hữu cơ, vi sinh vật hữu ích, làm phân hủy xác thực vật thành phân bón hữu cơ trong đất, tạo độ thông thoáng và làm đất tơi xốp giúp bộ rễ phát triển khỏe. Chế phẩm được sử dụng bằng cách phun trực tiếp vào gốc rạ hoặc trộn lẫn với phân bón để bón vào thời kỳ bón lót, bón thúc. Sau khi sử dụng chế phẩm gốc rạ, rơm sẽ phân hủy trong vòng từ 7 đến 10 ngày, từ đó giúp đất giảm độ phèn, cây mạ bung rễ, mở lá và cứng cây hơn. Đồng thời quá trình sử dụng chế phẩm sẽ giúp tăng cường vi sinh vật có lợi, giúp phòng các bệnh, như: Đạo ôn, khô vằn, bạc lá, hạn chế tình trạng đốt rơm, rạ, tăng nguồn phân bón hữu cơ cho đất, giảm phân hóa học, góp phần tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, nông dân phải tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, bên cạnh đó việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất luôn được coi trọng. Mô hình CSA trên cây lúa tạo ra hướng sản xuất hàng hóa nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích, đột phá trong thâm canh tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường và sản xuất bền vững.

Cánh đồng lúa Mùa của thôn Nà Cọ, xã Kim Thạch, huyện Vị Xuyên nếu như những năm trước đây để chuẩn bị cho vụ mùa, người nông dân phải làm đất, cài ải và bừa dập gốc rạ từ 15 đến 20 ngày, sau đó mới gieo cấy. Tuy nhiên năm nay, khi thực hiện mô hình, người dân chỉ mất 7 ngày toàn bộ số gốc rạ đã mục nát, đất trở nên mềm hơn. Qua quá trình triển khai mô hình giúp bà con tiết kiệm nhân công và chi phí đầu tư. Sau hơn 9 tháng triển khai mô hình CSA tại tại các huyện. Đến nay, kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế vụ Xuân cao hơn sản xuất đại trà từ 15-20% cũng như về chỉ tiêu sinh trưởng phát triển, các yếu tố cấu thành năng suất vụ Mùa, như: Tỷ lệ nảy mầm của giống, hệ số đẻ nhánh, chiều cao cây, chiều dài lá đòng,… trên ruộng mô hình đều cao hơn ruộng đối chứng. Và các chỉ tiêu đánh giá khác: tỷ lệ sâu bệnh gây hại thấp hơn ruộng đối chứng.

Thành công của mô hình giúp phổ biến các bước thực hành CSA để áp dụng phù hợp từng biện pháp kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời điểm mô hình sẽ tiếp tục được quảng bá, nhân rộng cho các địa phương khác học tập, áp dụng. Là điều kiện giúp địa phương áp dụng xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa.

Quy trình thâm canh cây lúa theo mô hình CSA đã mang lại hiệu quả tích cực so với phương thức truyền thống của nông dân. Từ thành công của mô hình, trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nhân rộng đại trà ra một số địa phương khác trong tỉnh.

Bài, ảnh: Nông Bình Nhu (Trung tâm Khuyến nông)


Cùng chuyên mục

Kiểm định an toàn bức xạ và thiết bị X-quang

BHG - Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 đơn vị sử dụng khoảng 50 thiết bị chụp X-quang. Trong đó, có 5 máy X-quang chụp cắt lớp vi tính CT scanner, 2 máy X-quang chụp răng, 3 máy X-quang đo mật độ xương, còn lại là thiết bị chụp X-quang tổng hợp. Trên thực tế, việc đo liều bức xạ chính xác rất cần thiết cho việc đảm bảo chất lượng xạ trị. Để đảm bảo điều đó, các thiết bị đo liều tại các cơ sở y tế cần được kiểm tra và chuẩn định kỳ một cách tin cậy.

 

31/08/2020
Đột phá nông nghiệp công nghệ cao ở Vị Xuyên

BHG - Dưa lưới, dâu tây, nho, rau quả trái vụ, lúa chất lượng cao, hoa hồng cổ, dược liệu quý hiếm… là những sản phẩm của nền nông nghiệp công nghệ cao mà huyện Vị Xuyên đang triển khai thực hiện để hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

 

29/06/2020
Hội nghị BCH Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh lần thứ 8

BHG - Sáng 28.7, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tổ chức Hội nghị BCH lần thứ 8, nhiệm kỳ 2016-2021. Tham dự có đại diện một số sở, ban, ngành cùng các Hội thành viên. Hội nghị đã thông qua kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

 

28/07/2020
Đồng Văn ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất

BHG - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Đồng Văn đạt được những thành tích đáng tự hào, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi từng bước được nâng lên, chất lượng nông sản được cải thiện...

24/08/2020