Ứng dụng khoa học công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản để bảo vệ thương hiệu

17:22, 12/06/2019

BHG - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa là xu thế tất yếu, nhằm giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng định danh đối tượng, tra cứu thông tin trong chuỗi cung ứng sản phẩm, ổn định thị trường và tránh gian lận thương mại.

Khách hàng sử dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc cam Sành tại Hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam Sành và các đặc sản Hà Giang niên vụ 2018 -2019.
Khách hàng sử dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc cam Sành tại Hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam Sành và các đặc sản Hà Giang niên vụ 2018 -2019.

Với điều kiện thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng, Hà Giang có cơ hội để phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, sản phẩm bò vàng, hồng Không hạt. Các sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít lần cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà bị lợi dụng thương hiệu. Các thương lái sử dụng sản phẩm cùng loại, kém chất lượng, mạo danh sản phẩm đặc sản của Hà Giang để dễ dàng buôn bán trên thị trường. Điều này ảnh hướng rất lớn đến uy tín và thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Để bảo vệ thương hiệu nông sản địa phương, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ngày 22.4.2019, UBND tỉnh ban hanh kế hoạch triển khai Đề án Áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh; nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; giúp doanh nghiệp, HTX, người sản xuất quản lý được hàng hoá và bảo vệ sản phẩm của mình; công khai, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa để sản phẩm không bị mạo danh, làm giả, làm nhái, không bị chia sẻ thị phần; giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết đầy đủ thông tin về sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2025, 100% sản phẩm hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh được ứng dụng KHCN truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa đã được áp dụng đối với một số loại sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, như: Cam Sành, chè, mật ong Bạc hà, gạo Già Dui. Từ năm 2017 - 2018, tỉnh đã triển khai hỗ trợ 2.558.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh với tổng kinh phí thực hiện trên 500 triệu đồng. Với chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể quét mã code, mã vạch, kiểm tra thông tin về tên sản phẩm, hộ sản xuất, số điện thoại, địa chỉ, giấy phép kinh doanh, quy trình sản xuất, thành phần của sản phẩm.

Tỉnh ta xác định phát triển hàng hóa nông sản là một trong những thế mạnh để phát triển KT – XH và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho nông nghiệp hàng hóa phát triển. Một số nông sản chủ lực của địa phương đã được đưa vào tiêu thụ trong các siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước; trong đó các sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc có mức tiêu thụ nổi trội so với các sản phẩm cùng loại không được dán tem. Dán tem truy xuất nguồn gốc là điều kiện thiết yếu để bảo vệ nông sản địa phương, mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp, người sản xuất. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc ứng dụng KHCN truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa là một hoạt động còn khá mới mẻ; các nhà quản lý, doanh nghiệp, HTX chưa mặn mà và hiểu biết hết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nên chưa vào cuộc quyết liệt. Bên cạnh đó, các sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc hiện nay còn ít; chưa triển khai ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chăn nuôi vì việc nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải được kiểm soát từ khâu chăn nuôi, xuất chuồng, giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ; trong khi trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp, HTX chăn nuôi, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm tươi sống có năng lực đảm bảo cung ứng, phân phối sản phẩm đủ số lượng, đúng chủng loại và đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm.

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Sở KH&CN tổ chức Hội thảo “Ứng dụng KHCN trong truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông sản hàng hóa thế mạnh của tỉnh, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý các cấp, đơn vị sự nghiệp KHCN; doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; công nghệ sử dụng mã code, mã vạch để truy xuất nhanh nguồn gốc in trên bao bì sản phẩm bằng điện thoại thông minh; khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Ứng dụng KHCN trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp hàng hóa là hướng đi tất yếu được nhiều địa phương, doanh nghiệp, HTX trong cả nước triển khai thực hiện thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các cấp, các ngành cần vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh; góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ ứng dụng KHKT và công nghệ vào sản xuất theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm khoa học vào sản xuất

BHG - Với sự quan tâm đầu tư của T.Ư, của tỉnh và với những nỗ lực của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN), từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã triển khai thực hiện được 107 đề tài, dự án KH&CN. Trong đó có 28 đề tài, dự án cấp T.Ư; 39 đề tài, dự án cấp tỉnh và 40 đề tài, dự án cấp huyện/thành phố. Các đề tài nghiên cứu khoa học trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, khi được ứng dụng vào thực tế trở thành động lực để kích thích sự phát triển KT – XH, góp phần thực hiện "2 đột phá"...

31/05/2019
Sở TT&TT Thanh Hóa trao đổi kinh nghiệm với Sở TT&TT tỉnh

BHG - Sáng 30.5, Đoàn công tác của Sở TT&TT Thanh Hóa đã có buổi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm thực tế với Sở TT&TT Hà Giang về kinh nghiệm triển khai điểm cầu trực tuyến tới các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có đại diện các đơn vị viễn thông của 2 tỉnh. Tại buổi làm việc, đại diện Sở TT&TT Hà Giang chào mừng  đoàn công tác của Sở TT&TT Thanh hóa lên thăm, làm việc tại Hà Giang. Đây là dịp để 2 bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước...

30/05/2019
Ngành KH&CN góp phần xây dựng, bảo hộ thương hiệu các sản phẩm

BHG – Những năm qua, nói đến Hà Giang, ngoài các di sản văn hóa, thiên nhiên nổi tiếng; nhiều người còn biết đến các sản vật của địa phương, như: Thịt bò Vàng, hồng Không hạt, chè Shan tuyết, gạo Già dui… Cùng với sự quan tâm, góp sức của tỉnh; ngành Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã và đang tích cực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản. Tên gọi và xuất xứ của các sản phẩm đang dần trở thành những thương hiệu có tiếng không chỉ ở miền đất Hà Giang.

30/04/2019
Xín Mần phối hợp với Viettel Hà Giang triển khai xây dựng Trung tâm điều hành thông minh

BHG - Thực hiện theo Chương trình ký kết hợp tác giữa huyện Xín Mần và Chi nhánh Viettel Hà Giang, chiều 28.5, BTV Huyện ủy Xín Mần đã có buổi làm việc với lãnh đạo Chi nhánh Viettel Hà Giang về việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (ĐHTM). Trung tâm ĐHTM là nơi làm việc tập trung theo cơ chế phối hợp của  việc giám sát, điều hành các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của đơn vị hành chính như: Giao thông, an ninh công cộng, ứng cứu khẩn cấp, cứu nạn... 

29/05/2019