Vai trò công tác bảo vệ thực vật trong quá trình phát triển cây cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP

09:14, 03/01/2018

BHG - Cam Sành là cây ăn quả đặc sản của tỉnh ta và được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tính đến cuối năm 2016, tổng diện tích cam Sành của tỉnh đạt 7.900 ha, trong đó, có trên 4.600 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 30 nghìn tấn. Cũng nhờ cây cam Sành, nhiều hộ gia đình trồng cam đã có nguồn thu nhập lớn. Vì vậy, cây cam Sành đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH và hình thành nên vùng cây ăn quả đặc sản của tỉnh.

Để giữ vững, mở rộng và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam Sành trên địa bàn tỉnh theo tiêu chuẩn VietGAP, thì vai trò công tác bảo vệ thực vật có tính quyết định.

Cam Sành vào vụ chín.
Cam Sành vào vụ chín.

Các loài sâu bệnh hại chủ yếu trên cam Sành như: Bọ xít xanh vai nhọn, rầy, rệp và các loài như nhện đỏ, nhện trắng, nhện vàng… không những ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất mà còn làm giảm nghiêm trọng chất lượng cũng như mẫu mã quả; những đối tượng sâu hại này làm cho quả cam Sành giảm hương thơm, vị ngọt, quả bị biến dạng sần sùi hoặc xám đen, khi chín vỏ quả có mầu sắc không đồng nhất, làm mất đi mầu sắc đặc trưng của trái cam. Vì vậy, các đối tượng sâu bệnh hại có tính quyết định giá trị thương phẩm của cam Sành trên thị trường. Xuất phát từ thực tiễn đó, người làm vườn cần phải có các biện pháp phòng trừ tổng hợp các đối tượng sâu bệnh hại ngay từ đầu vụ khi chúng mới xuất hiện từ giai đoạn quả non, đến thời kỳ quả trưởng thành và bước vào giai đoạn chín sinh lý.

Trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại cam, quýt nói chung và cam Sành nói riêng, cần đặc biệt chú ý tới rầy chổng cánh là môi giới lan truyền bệnh vàng lá gân xanh (Greening) do vi khuẩn và các loài rệp muội là môi giới lan truyền bệnh tàn lụi (Tristeja) do virus. Đây là 2 loại bệnh có tính lây lan và làm suy thoái nhanh chóng các vườn cam Sành mà hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, vấn đề phòng trừ rầy chổng cánh và rệp muội, cần ưu tiên đặt nên hàng đầu đối với những vùng trồng cam Sành đã xuất hiện bệnh vàng lá gân xanh và bệnh tàn lụi.

Bên cạnh đó, để hạn chế dư lượng của các hoá chất trừ sâu, bệnh trong các sản phẩm cam Sành, đòi hỏi người trồng cam cần phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly đối với từng loại thuốc khi tiến hành phun trừ sâu, bệnh. Cần ưu tiên sử dụng các loài thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc nhanh phân huỷ, ít ảnh hưởng tới môi trường, thiên địch, con người và sản phẩm cam Sành. Ngoài ra, cần áp dụng rộng rãi các biện pháp phòng trừ tổng hợp nhằm tiêu diệt các loài sâu bệnh hại, hạn chế tới mức thấp nhất quá trình tiếp xúc của trái cam với các hoá chất độc hại. Đây là một biện pháp kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng để cam Sành Hà Giang cạnh tranh với cam của các vùng trong cả nước và cam của nước ngoài (nhất là cam của Trung Quốc) do dư lượng thuốc trừ sâu bệnh lưu tồn trong quả.

Để phát triển cam Sành Hà Giang theo tiêu chuẩn VietGAP và không ngừng nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm cam Sành, người trồng cam cũng như các cơ quan chức năng cần phải quan tâm đến công tác phòng  trừ sâu bệnh nói chung và nhất là phải không ngừng nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cam Sành.

Chỉ khi chúng ta thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp kỹ thuật cũng như có những chính sách, chủ trương hợp lý nhằm thúc đẩy quá trình phát triển đối với cây cam Sành, loài cây ăn quả đặc sản của Hà Giang không những chiếm ưu thế trên thị trường trong nước và quốc tế mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH, làm thay đổi diện mạo nông thôn tại các vùng trồng cam trong tỉnh.

Phạm Văn Phú

(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả của Nghị quyết 209

BHG - Nhằm nâng cao hiệu quả của Nghị quyết 209 HĐND tỉnh, cũng như Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh; vụ Mùa 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang đã triển khai 5 mô hình về quản lý dịch hại tổng hợp (gọi tắt là IPM) tại 5 huyện trồng chè trọng điểm của tỉnh, gồm: Quang Minh (Bắc Quang), Tân Bắc (Quang Bình), Ngọc Minh (Vị Xuyên), Chế Là (Xín Mần) và Nậm Ty (Hoàng Su Phì). Bên cạnh đó, Chi cục còn triển khai 4 mô hình IPM trên cây cam tại các xã: Quảng Ngần (Vị Xuyên), Tiên Kiều (Bắc Quang), Vĩ Thượng, Hương Sơn (Quang Bình).

30/11/2017
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý thuế

BHG - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý thuế (QLT), gắn với quá trình cải cách hành chính thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động QLT có tính liên kết, tự động hóa cao, điều này thể hiện rõ trong ứng dụng QLT điện tử, đã khắc phục cơ bản những bất cập, sai sót về số liệu khi thực hiện thủ công; thực hiện minh bạch thủ tục hành chính (TTHC) thuế, cung cấp dịch vụ thuế điện tử phục vụ người nộp thuế và doanh nghiệp thuận lợi khi thực hiện nghĩa vụ thuế; thực hiện liên kết thông tin với các ngành, đơn vị liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong quản lý.

27/12/2017
Chợ nông sản điện tử: Mang sản phẩm "Sạch" của Hà Giang đến tay người tiêu dùng

BHG - Không giao dịch bằng tiền mặt, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt ứng dụng và kết nối Internet, khách hàng có thể chọn mua những sản phẩm nông sản của thanh niên Hà Giang có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Đó là điểm nhấn ấn tượng khi tham quan gian hàng "Chợ nông sản điện tử" của Tỉnh đoàn tại không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Giang năm nay.

27/11/2017
WHO chính thức coi nghiện game là một loại bệnh

Tổ chức Y tế Thế giới vừa chính thức công nhận chứng rối loạn khi chơi game là một loại bệnh cần được điều trị. Trong bản dự thảo cập nhật lần thứ 11 bảng Phân loại Bệnh Quốc tế (ICD-11) của WHO, rối loạn chơi game được coi như chứng nghiện. ICD-11 sẽ được ban hành năm 2018.

26/12/2017