Chợ nông sản điện tử: Mang sản phẩm "Sạch" của Hà Giang đến tay người tiêu dùng

16:57, 27/11/2017

BHG - Không giao dịch bằng tiền mặt, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt ứng dụng và kết nối Internet, khách hàng có thể chọn mua những sản phẩm nông sản của thanh niên Hà Giang có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Đó là điểm nhấn ấn tượng khi tham quan gian hàng “Chợ nông sản điện tử” của Tỉnh đoàn tại không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Giang năm nay.

Khách hàng sử dụng điện thoại để quét mã sản phẩm và thực hiện giao dịch mua hàng bằng điện thoại tại gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Giang.
Khách hàng sử dụng điện thoại để quét mã sản phẩm và thực hiện giao dịch mua hàng bằng điện thoại tại gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Giang.

Thời gian qua, với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế của tỉnh, phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ Hà Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng; nhiều thanh niên trở thành triệu phú với những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Làm giàu trên mảnh đất còn nhiều khó khăn và chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên phần lớn mô hình khởi nghiệp của thanh niên Hà Giang đều sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Với việc ứng dụng KHKT vào sản xuất và lấy sức khoẻ người tiêu dùng làm mục tiêu, sản phẩm nông sản khởi nghiệp của thanh niên đều đảm bảo chất lượng, uy tín và giá cả hợp lý. Tuy nhiên việc quảng bá sản phầm và tìm đầu ra cho nông sản địa phương hiện vẫn còn là bài toán khó khiến không ít thanh niên gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý thực phẩm và sự “Xâm nhập” ồ ạt của thực phẩm “Bẩn” trên thị trường hiện nay khiến người tiêu dùng luôn hoài nghi về các sản phẩm. Đây thực sự là rào cản lớn trên con được khởi nghiệp của tuổi trẻ tỉnh nhà. Để giúp thanh niên có kênh bán hàng hiệu quả, đồng thời giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Công ty cổ phần GEM thực hiện Đề án “Phát triển kênh phân phối nông sản, sản phẩm thủ công, làng nghề, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển du lịch”. Theo đó, Tỉnh đoàn tạo một “Chợ nông sản điện tử”, trên đó sẽ có tất cả các sản phẩm nông sản do của thanh niên Hà Giang sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm đều được cấp mã QR code; khách hàng thực hiện các giao dịch mua bán trên điện thoại di động.

Với xu thế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt ứng dụng và có tài khoản tại ngân hàng, người tiêu dùng có thể thực hiện các thao tác mua, bán các mặt hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả mà không dùng tiền mặt. Giao dịch thanh toán được thực hiện bằng tài khoản của khách hàng tại các ngân hàng hoặc tài khoản ví điện tử. Khách hàng đăng nhập vào hệ thống chỉ cần cung cấp thông tin, lựa chọn sản phẩm vào giỏ hàng và thực hiện giao dịch thanh toán điện tử; sản phẩm sẽ được nhà cung cấp chuyển đến địa chỉ của khách hàng một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, nếu du khách muốn đặt chỗ ăn, nghỉ khi đi du lịch tại Hà Giang, chỉ cần đăng nhập vào hệ thống, lựa chọn các nhà nghỉ, Homestay, nhà hàng ăn uống phù hợp với điều kiện của mình, chọn đặt chỗ và thanh toán điện tử. Khi đến, du khách chỉ cần cung cấp thông tin, chủ nhà hàng, nhà nghỉ sẽ dùng phần mềm quét thông tin, xác nhận chủ tài khoản và du khách đã có một chỗ nghỉ như ý.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Mạnh Hà, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Đây là ứng dụng lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trên phạm vi cả nước. Với công nghệ sử dụng mã QR code để mã hoá dữ liệu, xử lý dữ liệu, hệ thống sẽ giúp người dân, nhà cung cấp sản phẩm quảng bá sản phẩm của mình và thực hiện giao dịch mua bán với khách hàng trên hệ thống. Đây cũng là kênh tương tác trực tiếp hiệu quả khi khách hàng có thể gửi phản hồi về các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp ngay trên hệ thống. “Chợ nông sản điện tử” sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc quảng bá, giới thiệu và bán hàng nông sản do thanh niên sản xuất kinh doanh”.

Ngày đầu tiên khai trương gian hàng trưng bày sản phẩm, rất đông khách hàng đã đến tham quan, cài đặt phần mềm và nhiều giao dịch mua bán đã được thực hiện trên “Chợ nông sản điện tử”. Anh Vũ Toàn Trung, thành phố Hà Giang chia sẻ: “Đây là những sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương mà gia đình tôi rất thích sử dụng; tuy nhiên trong một thị trường “Hỗn loạn” về chất lượng sản phẩm như hiện nay, việc chọn mua sản phẩm sạch luôn khiến tôi hoài nghi. Vì vậy ứng dụng mua sản phẩm bằng điện thoại thông minh này giúp tôi chọn mua được các sản phẩm đảm bảo chất lượng, lại rất tiện dụng, nhanh chóng và phù hợp với xu thế hiện nay khi tôi không mang theo nhiều tiền mặt bên mình”.

Trong rất nhiều câu chuyện xoay quanh việc mua bán trên mạng Internet, một cán bộ Tỉnh đoàn chia sẻ vui: Nếu bạn cần tặng món quà sức khoẻ cho người thân, bạn bè… hãy lên “Chợ nông sản điện tử” Hà Giang, chúng tôi sẽ giúp bạn thực hiện điều đó.

Dù mới đi vào hoạt động nhưng “Chợ nông sản điện tử” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng, là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ số và đây cũng là một trong những giải pháp thiết thực góp phần thực hiện thành công đề án giao dịch không sử dụng tiền mặt của Chính phủ.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Học sinh Hà Giang đoạt giải Nhì cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc" năm 2017

BHG - Tối 25.10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc" lần thứ 13, năm 2017.  

26/10/2017
Facebook sắp sửa thu tiền các kênh tin tức?

Mạng xã hội Facebook đang thử nghiệm việc đưa tất cả những nội dung tin tức không được trả tiền sang một bảng cấp tin (News Feed) riêng.

25/10/2017
Nỗ lực mở rộng hệ thống cửa hàng, nâng cao công nghệ, khẳng định vị thế

BHG - Nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị cũng như hoạt động kinh doanh, những năm qua, ngoài việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Công ty Xăng dầu Hà Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nhằm mở rộng và không ngừng phát triển mạng lưới bán lẻ, ưu tiên đầu tư xây dựng mới các cửa hàng trọng điểm, triển khai áp dụng tiêu chuẩn nhận diện thương hiệu Petrolimex, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

25/10/2017
Kỹ thuật chăm sóc cây hồng không hạt ở thời kỳ kinh doanh

BHG - Cây hồng không hạt là một trong những cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao và được trồng tập trung ở 2 huyện Yên Minh và Quản Bạ với diện tích trên 350 ha. Quả hồng có kích thước nhỏ, thơm, có màu vàng mỡ gà, không có hạt, được nhiều người ưa thích. Nếu chăm sóc tốt cây có thể cho thu hoạch trên 20 năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các vườn hồng giảm năng suất, chưa xứng với tiềm năng của cây. 

24/11/2017