Ngành Y tế tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính

09:02, 12/07/2017

BHG - Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã có khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác cải cách hành chính (CCHC); 195 trạm y tế xã, phường và khối bệnh viện sử dụng phần mềm khám, chữa bệnh (KCB). Phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức (CCVC) được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của ngành.

Nâng cao dịch vụ công trực tuyến.

Thực hiện Nghị quyết số 30C của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 3053 của UBND tỉnh về Kế hoạch CCHC Nhà nước năm 2017, Sở Y tế đã nỗ lực tạo sự chuyển biến về nhận thức của đội ngũ cán bộ, CCVC đối với vị trí, vai trò và tầm quan trọng của CCHC trong việc tiến tới xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Trung tâm Y tế thành phố Hà Giang sử dụng phần mềm khám, chữa bệnh để nhập dữ liệu của bệnh nhân.
Trung tâm Y tế thành phố Hà Giang sử dụng phần mềm khám, chữa bệnh để nhập dữ liệu của bệnh nhân.

Tiêu biểu như việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế “một cửa”; ngành đã đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, TTHC trên Trang thông tin điện tử của Sở, đến nay có 5.794 nghìn lượt truy cập. Kiểm soát việc ban hành mới các TTHC, công khai thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở. Xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết hồ sơ “một cửa” để quy định rõ trách nhiệm và thời hạn xử lý của từng khâu, từng bộ phận. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã tiếp nhận 248 hồ sơ về lĩnh vực KCB, dược – mỹ phẩm, y tế dự phòng; trong đó giải quyết sớm 201 hồ sơ, đang giải quyết 47 hồ sơ. 

Đến nay, ngành Y tế đã có khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về lĩnh vực trang thiết bị và công trình y tế. Tức là các cá nhân, tổ chức không còn phải trực tiếp đến bộ phận “một cửa” nộp hồ sơ và lấy kết quả nữa, mà sẽ nộp hồ sơ và nhận kết quả qua mạng. Đồng thời, triển khai quy trình ISO điện tử 9001:2015 vào quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Sở. Điều này giúp cho việc kiểm soát TTHC có hiệu quả, từng bước được đơn giản hóa, tiết kiệm chi phí và thời gian cho tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục; nâng cao ứng dụng công nghệ vào công tác CCHC.

Tuy nhiên, hiện tại việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến hầu hết chỉ dừng ở mức độ 2, nghĩa là các tổ chức, cá nhân tự đến nộp hồ sơ và nhận kết quả ở bộ phận “một cửa”. Nguyên nhân là do trình độ về CNTT của người dân còn hạn chế, các cơ sở KCB, cơ sở bán trang thiết bị y tế..., còn ít nên chưa có nhu cầu dùng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. 

Tăng cường ứng dụng CNTT.

Ứng dụng CNTT vào CCHC đang được ngành Y tế thực hiện từng bước từ năm 2014. Sở Y tế đã triển khai phần mềm quản lý cán bộ, CCVC với đầy đủ cơ sở dữ liệu về lý lịch, hồ sơ đảng viên, số lần nâng lương, bổ nhiệm, chuyển công tác..., của từng cán bộ trong ngành.

Đáng nói đến là việc ứng dụng phần mềm quản lý y tế xã, phường cho 195 trạm y tế trên toàn tỉnh được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Trong hoàn cảnh điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu trang thiết bị, nguồn kinh phí hạn hẹp. Do đặc thù địa hình miền núi hiểm trở, một số trạm y tế ở những xã đặc biệt khó khăn chưa có đường truyền mạng internet, phải dùng mạng 3G để thay thế. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của ngành đã khắc phục được những khó khăn trên, đến nay hạ tầng CNTT về cơ bản được trang bị đầy đủ. Chất lượng trình độ của cán bộ từ ghi chép bằng tay chuyển sang sử dụng CNTT cũng được nâng lên qua nhiều lần tập huấn. Hiện tại, các trạm y tế đã sử dụng thành thạo phần mềm KCB, kho dữ liệu số về dân số..., để tiện cho việc theo dõi nghiệp vụ KCB.

Bác sỹ Nguyễn Thị Dự, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hà Giang, cho biết: “Trung tâm Y tế thành phố bắt đầu sử dụng các phần mềm dành cho ngành Y tế từ năm 2015. Các trạm y tế ở đã dùng thành thạo các ứng dụng CNTT, như: Nhập dữ liệu bệnh nhân vào sổ KCB, đẩy thông tin KCB sang cơ quan Bảo hiểm xã hội; báo cáo bệnh truyền nhiễm; tiêm chủng... Trước đây, chúng tôi có hơn 50 loại sổ sách ghi chép các loại, từ khi có phần mềm đã bỏ được khâu ghi chép, việc lưu trữ và tìm kiếm dữ liệu dễ dàng hơn”. Phầm mềm KCB khối bệnh viện đa khoa cũng giúp các bác sỹ không mất nhiều thời gian trong việc ghi chép sổ sách. Để làm được việc này, ngành đã phải mã hóa phầm mềm KCB riêng cho khối bệnh viện, như mã hóa hơn 10.000 dịch vụ kỹ thuật, hơn 20.000 loại thuốc, vật tư y tế, các phòng khoa... Bên cạnh đó, phần mềm KCB cũng được thông tuyến sang cơ quan Bảo hiểm xã hội, giúp kiểm soát được thông tin KCB của từng người, dễ dàng trong đối chiếu sổ sách, thanh toán tiền bảo hiểm y tế. Việc ứng dụng CNTT vào CCHC đã tạo sự thuận tiện cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập huấn triển khai về chứng thư số của HĐND các cấp

BHG- Ngày 28.6, HĐND tỉnh phối hợp với Cục Cơ yếu Đảng và Chính quyền - Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tập huấn triển khai về chứng thư số của HĐND các cấp nhằm hướng dẫn các quy trình, thao tác sử dụng hệ thống phần mềm về chữ ký số, chứng thư số và bảo mật thông tin khi sử dụng. 

29/06/2017
Trung tâm Thông tin & Chuyển giao công nghệ mới: Xây dựng Thư viện điện tử khoa học đầu tiên của tỉnh

BHG- Những năm qua, công nghệ thông tin trên toàn cầu có tốc độ phát triển chóng mặt, là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển KT – XH, đặc biệt là với những tỉnh có điều kiện KT – XH còn nhiều khó khăn như Hà Giang. 

28/06/2017
Trung tâm hành chính công tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT để rút ngắn các dịch vụ công trực tuyến

BHG - Trung tâm hành chính công (TTHCC) tỉnh phải là đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính, sớm đưa Hà Giang rút ngắn dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh cải cách hành chính, đó là quan điểm chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy đối với TTHCC tỉnh. 

26/06/2017
Bảo đảm an toàn thông tin mạng

Hiện nay, các cuộc tấn công mạng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp và có tổ chức bài bản, quy mô trên diện rộng, hậu quả ngày càng nặng nề. Mạng lưới ứng cứu sự cố của Việt Nam cần được xây dựng một cách chuyên nghiệp để ngăn ngừa nguy cơ tấn công mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

23/05/2017