Nâng cao vai trò giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

08:25, 15/02/2017

BHG- Điều 146 - Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, quy định rõ về “Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư” trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền: Yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường; yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở; tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (BVMT) của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật;... Tuy nhiên, mới đây, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh (Liên hiệp Hội) và Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) Hà Nội vừa tổ chức khảo sát tại 2 mỏ khai thác quặng trên địa bàn tỉnh ta và đánh giá: Đa số người dân chưa nắm được quyền và cũng chưa thực hiện quyền được tham vấn, giám sát trong quá trình lập, đánh giá tác động môi trường và giám sát thực thi chính sách BVMT đối với các dự án khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn mình sinh sống.

Mỏ Antimon Mậu Duệ đã được khai thác 20 năm nay nhưng người dân quanh khu vực chưa hiểu hết quyền được giám sát việc thực thi chính sách BVMT.
Mỏ Antimon Mậu Duệ đã được khai thác 20 năm nay nhưng người dân quanh khu vực chưa hiểu hết quyền được giám sát việc thực thi chính sách BVMT.

Trong 3 tháng, từ tháng 7 đến tháng 10.2016, Liên hiệp Hội và CDI đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu các tác động đến môi trường trong hoạt động KTKS tại mỏ quặng Sắt Ngài Thầu Sản và mỏ Angtimon Mậu Duệ; đồng thời tham vấn ý kiến hơn 200 hộ dân về hoạt động giám sát thực hiện Luật BVMT. Theo đó, mỏ Sắt Ngài Thầu Sản nằm trên địa bàn xã Quyết Tiến (Quản Bạ), là mỏ quặng lộ thiên, với trữ lượng trên 111.000 tấn, hàm lượng quặng sắt xấp xỉ 54%; được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Minh Tiến (Hà Giang) ngày 12.12.2006, với diện tích khu vực khai thác 3,64 ha, công suất khai thác trên 21.000 tấn/năm, công nghệ chế biến là dây chuyền sàng – đạp – phân cấp, thời hạn khai thác 5 – 7 năm. Tại thời điểm Đoàn khảo sát, mỏ đã dừng hoạt động khai thác. Mỏ Antimon Mậu Duệ, nằm trên địa bàn xã Mậu Duệ (Yên Minh), có trữ lượng trên 330 nghìn tấn, hàm lượng Antimon trong quặng đạt trên 10%, được đánh giá là mỏ Antimon có hàm lượng, trữ lượng thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Mỏ Antimon Mậu Duệ được cấp phép khai thác cho Công ty Cổ phần cơ khí khoáng sản Hà Giang từ ngày 27.12.1996, với thời hạn khai thác 30 năm. Hiện, mỏ vẫn đang được doanh nghiệp khai thác.

Ông Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội khẳng định: “Kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế tại 2 điểm mỏ trên cho thấy: Hoạt động KTKS tại mỏ Sắt Ngài Thầu Sản và mỏ Antimon Mậu Duệ đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Khai thác khoáng sản đã làm mất đất canh tác, thay đổi cấu trúc địa hình khu vực, làm mất lớp thảm thực vật biến đổi hệ sinh thái, để lại các hố sâu và những bãi thải xỉ quặng khổng hồ, khó có thể đầu tư để phục hồi mô trường được nguyên trạng; KTKS làm suy giảm chất lượng và cạn kiệt nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong khu vực...”.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy, từ khi bắt đầu được cấp phép và khai thác quặng cho đến thời điểm Đoàn khảo sát tổ chức nghiên cứu, cả hai doanh nghiệp KTKS không thực hiện nhiều nội dung trong Bản đăng ký cam kết BVMT đã được UBND tỉnh và huyện sở tại phê duyệt về cải tạo, phục hồi cảnh quan, môi trường khu vực khai thác quặng và bãi thải...; thế nhưng, các ngành chức năng của huyện Quản Bạ và Yên Minh (hai địa phương có mỏ quặng) chưa thực hiện các cuộc giám sát về việc thực hiện các nội dung của Bản cam kết BVMT. Bên cạnh đó, trên 200 hộ dân ở quanh khu vực 2 mỏ quặng này chưa nắm được quyền và thực hiện quyền được tham vấn, giám sát quá trình lập, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án KTKS tại địa bàn; không được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến việc ảnh hưởng môi trường và biện pháp khắc phục môi trường của hoạt động KTKS của doanh nghiệp...

Được biết, trên địa bàn tỉnh ta có gần 30 loại khoáng sản, với hàng trăm điểm mỏ đã được khảo sát trữ lượng cũng như đang được khai thác. Dù cuộc khảo sát, nghiên cứu của Liên hiệp Hội và CDI chỉ thực hiện tại 2 điểm mỏ. Nhưng, qua đó có thể thấy, việc tiếp cận và giám sát việc thực thi chính sách BVMT trong KTKS đối với người dân còn rất hạn chế. Trong khi, thực tiễn đã chỉ ra, không có cơ quan, tổ chức nào có thể giám sát tốt việc thực thi pháp luật BVMT bằng chính cộng đồng dân cư địa phương nơi có hoạt động KTKS. Việc giám sát thực thi chính sách BVMT tại nơi diễn ra hoạt động KTKS là công tác nhanh nhất, hiệu quả nhất giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương phát hiện, xử lý và giải quyết kịp thời các vi phạm khi mới phát sinh. Vì vậy cộng đồng dân cư và cấp ủy, chính quyền các địa phương nơi có hoạt động KTKS hãy nêu cao vai trò, quyền và nghĩa vụ của mình, để không còn những kiến nghị đã từng phản ánh trên Báo Hà Giang như: “Hãy cứu lấy suối Đồng!”; “Nước suối bị ô nhiễm và bức xúc của người dân xã Linh Hồ”; ...

Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

10 sự kiện khoa học trong nước tiêu biểu năm 2016

Chiều 27/12, CLB Nhà báo Khoa học Công nghệ Việt Nam công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2016 thuộc 5 lĩnh vực: Cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học.

30/12/2016
Sở Khoa học và Công nghệ tổng kết hoạt động ngành năm 2016

BHG- Sáng 30.12, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN năm 2016; triển khai nhiệm vụ năm 2017. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học tỉnh,…

30/12/2016
Thài Phìn Tủng - "khu vườn" đa dạng sinh học kỳ thú trên Cao nguyên đá

BHG- Sau 2 giai đoạn triển khai, Dự án Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học ở xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) đã tạo ra 15 nghìn cây giống của 4 loài thông quý hiếm, có nguy cơ tiệt chủng. Thành công của dự án đã đưa Thài Phìn Tủng trở thành "khu vườn" đa dạng sinh học kỳ thú, nơi lưu giữ các nguồn gen quý, hiếm vào loại bậc nhất trên Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời cũng đang mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân nơi đây.

24/12/2016
Hội thảo Thúc đẩy cộng đồng tham gia giám sát thực thi chính sách BVMT trong KTKS tại Hà Giang

BHG - Sáng 19.12, tại Hội trường Nhà khách Hà An, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh tổ chức Hội thảo Thúc đẩy cộng đồng tham gia giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản (KTKS) tại Hà Giang nhằm chỉ ra thực trạng thực thi chính sách BVMT; nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp KTKS với nhà nước, cộng đồng địa phương và xã hội … 

19/12/2016