Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác khám, chữa bệnh

08:06, 01/09/2016

BHG- Hà Giang là một trong những tỉnh có chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cao, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực đời sống xã hội và đem lại những hiệu quả tích cực, đặc biệt là trong thực hiện cải cách hành chính. Trong lĩnh vực y tế những năm qua, việc ứng dụng CNTT vào quản lý công tác khám, chữa bệnh (KCB) đã giúp giảm các công việc thủ công, tăng thời gian thực hiện nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ y, bác sỹ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Phương Tiến (Vị Xuyên) nhập dữ liệu về bệnh nhân trên hệ thống quản lý công tác KCB.
Cán bộ Trạm Y tế xã Phương Tiến (Vị Xuyên) nhập dữ liệu về bệnh nhân trên hệ thống quản lý công tác KCB.

Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đang triển khai 3 phần mềm trong quản lý văn bản và hoạt động KCB ở các các cơ sở y tế từ tỉnh đến các huyện, xã gồm: Hệ thống Phần mềm dữ liệu KCB trong các bệnh viên; hệ thống phần mềm liên thông y tế xã, phường, thị trấn và hệ thống phần mềm Moffice. Tính tới thời điểm hiện tại, 16/16 bệnh viện và 195/195 trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai đưa các phần mềm đi vào sử dụng. Những phần mềm này đã được tỉnh ta triển khai từ năm 2015, đến nay, 100% các cơ sở y tế xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh đều liên thông với Trung tâm Y tế huyện và Sở Y tế. Tất cả các hoạt động KCB của bệnh nhân sẽ được nhập và lưu trữ trên hệ thống từ tên, tuổi, địa chỉ của bệnh nhân đến tình trạng bệnh, chẩn đoán, kê đơn thuốc,... đều được nhập lên hệ thống các phần mềm này.

Từ việc triển khai các phần mềm quản lý công tác KCB ở các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực đạt được hiệu quả cao hơn, từ chất lượng dịch vụ, đến việc quản lý cũng như sự hài lòng của bệnh nhân. “Ở các bệnh viện, hầu hết đã giảm được các công việc thủ công của cán bộ y tế. Nếu như trước đây, thủ tục nhập viện của bệnh nhân tốn nhiều thời gian, cần nhiều loại giấy tờ, thì hiện nay chỉ cần những thao tác rất đơn giản trên phần mềm; các y, bác sỹ đã có thể cho bệnh nhân nhập viện”. Ngoài ra, hệ thống này giúp các cán bộ y tế cấp huyện, tỉnh giám sát, theo dõi sát sao các hoạt động y tế ở cơ sở nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều; có thể kịp thời chỉ đạo xuống từng địa phương. Theo dõi số lượng bệnh nhân KCB của từng ngày, mà không mất nhiều thời gian đến trực tiếp cơ sở. Từ đó, có thể tăng hiệu suất làm việc của cán bộ y tế cũng như nâng cao hiệu quả KCB, mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân, vì không còn phải chờ đợi các thủ tục giấy tờ phức tạp khác.

Trạm Y tế xã Phương Tiến (Vị Xuyên) là một trong 195 trạm y tế thực hiện khá tốt Hệ thống quản lý này. Chúng tôi đến đúng lúc, khi Trạm có bệnh nhân nhập viện do bị ong đốt. Rất nhanh chóng, các y, bác sĩ tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân sau đó nhập các thông tin của bệnh nhân kê đơn thuốc cho người bệnh ngay sau đó. Nhanh gọn và không tốn nhiều thời gian như thủ tục viết tay, lấy thông tin truyền thống. Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Phương Tiến, Lù Thị Mai cho biết: “Việc nhập dữ liệu trên hệ thống quản lý công tác KCB rất tiện lợi cho cán bộ y tế cơ sở, chúng tôi không phải ghi chép nhiều như trước; các thủ tục hành chính cũng được rút gọn, tăng thời gian cho cán bộ thực hiện nghiệp vụ chuyên môn”.

Được biết, để đạt được hiệu quả cao nhất, Sở Y tế tỉnh phối hợp cùng với hệ thống mạng Viettel Hà Giang, VNPT Hà Giang đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế. Cán bộ y tế của từng xã, đều được chia đợt tập huấn tại các huyện do giảng viên Sở Y tế tỉnh trực tiếp bồi dưỡng; nôi dung tập huấn đã giúp cho từng cán bộ sử dụng thành thục hệ thống. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ về kinh phí của Sở Y tế; hệ thống làm việc nhóm – team view- cũng kịp thời hỗ trợ xử lý lỗi trực tiếp tới từng địa phương.

Tuy nhiên, hầu hết các cán bộ y tế cơ sở đều cho rằng; hệ thống quản lý công tác KCB rất tiện lợi, nhưng phụ thuộc rất lớn vào đường truyền internet, hay những sự cố điện. Bên cạnh đó, các cán bộ y tế khi mới sử dụng còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng. Ở một số xã, sự không đồng nhất giữa thẻ BHYT và hệ thống dữ liệu dân số cập nhật ban đầu vào hệ thống chưa chính xác nên khi bệnh nhận đến khám còn sai lệch thông tin và cần sửa lại. Đang trong giai đoạn mới bắt đầu, nên ở một số địa phương còn nhiều chương trình chưa được thực hiện như: Theo dõi bệnh nhân sốt rét, khuyết tật, người cao tuổi...

Mặc dù còn một số khó khăn nhưng việc ứng dụng CNTT của ngành Y tế đã góp phần minh bạch quy trình, nâng cao chất lượng KCB. Có thể nói đây là bước đi đầu cho chặng đường cải cách thủ tục hành chính trong ngành Y nói riêng và các ban, ngành nói chung.

My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lưu ý khi chọn anten thu truyền hình số DVB-T2

Anten là thiết bị quan trọng không thể thiếu được khi thu xem truyền hình số DVB-T2, việc lựa chọn anten loại nào cho phù hợp, anten trong nhà hay anten ngoài trời đang là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.

31/08/2016
26 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog vào ngày 31/12/2016

26 tỉnh thành thuộc giai đoạn 2 tiếp tục bước vào triển khai số hóa truyền hình để có thể ngắt sóng truyền hình analog vào ngày 31/12/2016 tới đây. Trong đó, có 13 tỉnh miền Bắc, 3 tỉnh miền Trung, 3 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và 7 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.

29/08/2016
Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình học cụ trong huấn luyện năm 2016

BHG - Trong 2 ngày từ 22 đến 23.8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện năm 2016. Tham gia hội thi có 12 đại diện Đồn Biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động.

24/08/2016
Đảm bảo môi trường trên các công trình xây dựng thủy điện

BHG - Phát triển thủy điện được tỉnh ta xác định là một trong những lĩnh vực thế mạnh với 46 dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, tổng công suất 775 MW. Trong đó, có 22 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, công suất hàng năm khoảng 354 MW, mỗi năm đóng góp cho ngân sách địa phương nhiều tỷ đồng. 

24/08/2016