Tìm, chọn "hoa khôi" cam sành Hà Giang

07:17, 16/07/2016

BHG- Xưa nay, nói đến mảnh đất Địa đầu là nói đến một trong những đặc sản thơm ngon có tiếng của cả nước – cam sành (CS)  Hà Giang. Người dân vùng sản xuất CS Hà Giang gồm các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên là những người bao lần thăng trầm với loài cây này. Nhưng kể cả khi khó khăn nhất, thời điểm sâu bệnh hại, giá cả thị trường..., tạo sức ép đối với cây CS thì bà con cũng không từ bỏ cam, một loài cây không bao giờ phụ công người.

Vườn cam của gia đình anh Phan Văn Công, xã Việt Hồng (Bắc Quang) được chăm sóc tốt, phát hiện 1 cây cam có lượng hạt rất ít, từ 3 – 5 hạt/quả cam.
Vườn cam của gia đình anh Phan Văn Công, xã Việt Hồng (Bắc Quang) được chăm sóc tốt, phát hiện 1 cây cam có lượng hạt rất ít, từ 3 – 5 hạt/quả cam.

Mấy năm trở lại đây, trong bối cảnh thực phẩm, trái cây không rõ nguồn gốc có hướng gia tăng, thì CS Hà Giang ngày càng khẳng định rõ chất lượng và thương hiệu trên thị trường bởi hương vị tự nhiên, trái cây từ vùng đất “sạch”. Cây CS vì thế trở thành cây mũi nhọn, cây làm giàu cho vùng đất khó Hà Giang. Tuy nhiên, trước thị trường ngày càng cạnh tranh mạnh, trước sự già cỗi của các vườn cam do khai thác nhiều năm, của sâu bệnh và sự can thiệp của con người vào sự sinh trưởng của cây cam, khiến cho chất lượng CS phần nào bị ảnh hưởng.

Trước thực trạng đó, tỉnh ta có chủ trương phục hồi CS Hà Giang, phát triển cam hàng hóa, khẳng định thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, khuyến khích việc nghiên cứu, tuyển chọn, nâng cao chất lượng, sản lượng CS. Trên cơ sở đó, Đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn, phát triển CS không hạt hoặc ít hạt và nâng cao năng suất, chất lượng CS Hà Giang” được tỉnh ta phê duyệt, triển khai. Đối với chúng tôi, những người luôn quan tâm và chuyên viết về cây CS ví đây như là việc tìm, chọn “hoa khôi” CS Hà Giang” vậy.

Có thể nói, mặc dù đã có thương hiệu, nhưng CS Hà Giang còn một số hạn chế như: Việc mở rộng diện tích một cách tự phát nên chất lượng giống không đảm bảo; người trồng không áp dụng hoặc áp dụng không đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên mã quả CS chưa đẹp; số hạt/quả lớn, khoảng từ 25 – 30 hạt/quả, dẫn đến giá bán thấp hơn so với các sản phẩm cam, quýt khác, đặc biệt là các loại cam, quýt ít và không hạt. Để khắc phục những hạn chế trên, Đề tài nghiên cứu hướng đến việc tuyển chọn các dòng CS ít hạt hoặc không hạt, nhằm phát hiện và mở rộng diện tích CS ít hạt hoặc không hạt; xây dựng các mô hinh khảo nghiệm các dòng/giống cam ít hoặc không hạt tại Hà Giang, nhằm bổ sung cho bộ giống cam tại Hà Giang các giống cam năng suất cao, chất lượng tốt và có tính rải vụ; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm hạt, nâng cao năng suất, chất lượng của CS tại Hà Giang.

Qua tìm hiểu, được biết Đề tài nghiên cứu đã tiến hành lựa chọn phương pháp phù hợp nhất là tuyển chọn tự nhiên nhằm phát hiện cá thể CS không hạt hoặc ít hạt. Song song với đó, việc xây dựng mô hình khảo nghiệm giống CS không hoặc ít hạt tuyển chọn được là một biện pháp nhằm giúp nhanh chóng mở rộng diện tích CS không hạt, ít hạt tại Hà Giang cũng như kiểm chứng tính ổn định của các dòng tuyển chọn. Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng CS như: Kỹ thuật cắt tỉa, sử dụng phân bón hiệu quả, xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp...

Theo thông tin từ Phòng Quản lý Khoa học, Sở KH&CN, quá trình triển khai từ cuối năm 2015 đến nay, Đề tài đã có sự phối hợp với các đơn vị như: Trung tâm Khoa học kỹ thuật giống cây trồng Đạo Đức, Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Quang. Qua đó, đến nay đã triển khai việc điều tra, tuyển chọn CS không hạt tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên với 84 hộ. Trong tổng số các hộ điều tra, đã phát hiện được 4 hộ có 8 cây CS có số lượng hạt từ 1 – 8 hạt/quả. Tiếp đó, đã tiến hành khảo sát chọn địa điểm xây dựng mô hình và thí nghiệm. Dự kiến xây dựng mô hình và triển khai thí nghiệm năm 2016 tại xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang. Đến nay, đã nhân nhanh giống CS ít hạt từ các vườn tuyển chọn được 800 cây cam tại Viện Nghiên cứu rau quả. Đồng thời, triển khai các thí nghiệm, nghiên cứu ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng CS.

Thực tế việc cây CS Hà Giang được coi là cây mũi nhọn, cây làm giàu cho người dân thì việc thực hiện Đề tài nghiên cứu, không chỉ mang ý nghĩa khoa học, kinh tế, mà còn góp phần quan trọng trong việc phục hồi, duy trì và bảo vệ giống cây bản địa đặc sản khỏi nguy cơ suy thoái. Cùng với đó, nghiên cứu những kỹ thuật trong việc xây dựng quy trình sản xuất cam, đặc biệt là kỹ thuật giữ ẩm cho đất ở vùng không chủ động được nguồn nước tưới như Hà Giang, giúp CS sinh trưởng, phát triển tốt. Qua đó, giúp cho CS Hà Giang không ngừng củng cố vị thế trên thị trường trong nước.

Huy Ba


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thể lệ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ 3 (2016-2017)

BHG - Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ 3, năm 2016-2017 nhằm khơi dậy phong trào thi đua lao động sáng tạo thuộc lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghệ ở mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Từ đó, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy CNH-HĐH đất nước. Báo Hà Giang Điện tử đăng toàn văn thể lệ.

31/05/2016
Hiệu quả ứng dụng phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng"

BHG- Là tỉnh miền núi có địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, tình trạng đất đai bị rửa trôi, xói mòn xẩy ra thường xuyên, vì vậy việc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn tỉnh ta là hết sức quan trọng. Những năm qua, triển khai phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng" thông qua tin nhắn điện thoại của các thành viên Ban chỉ đạo Bảo vệ rừng - Phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR - PCCCR) từ cấp tỉnh đến cơ sở đã phát huy hiệu quả, giúp BCĐ phát hiện và chỉ đạo công tác PCCCR nhanh chóng, kịp thời, không để đám cháy lan rộng.

31/03/2016
Hội nghị nghiệm thu Dự án: Xây dựng chỉ dẫn địa lý "Hà Giang" cho sản phẩm cam sành Hà Giang

BHG - Sáng 30.6, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng khoa học tỉnh tổ chức Hội nghị nghiệm thu Dự án: Xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) "Hà Giang" cho sản phẩm cam sành của tỉnh Hà Giang (Dự án T.Ư ủy quyền địa phương quản lý). Dự Hội nghị có lãnh đạo Viện nghiên cứu quy hoạch Nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), các thành viên Hội đồng khoa học của tỉnh.

30/06/2016
Nâng sức vóc cho "đầu cơ nghiệp"

BHG- Nâng sức vóc cho "đầu cơ nghiệp", đó là mục tiêu của Đề tài ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn trâu tại huyện Bắc Quang do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi thực hiện. Thời gian triển khai Đề tài ứng dụng là 24 tháng từ năm 2015 – 2017, tại xã Hùng An, huyện Bắc Quang. 

28/06/2016