Hà Giang

Tái tạo những "chúa tể" sông Lô, sông Gâm

09:39, 18/06/2016

BHG - Nói đến “đặc sản” sông Lô, sông Gâm của miền đất Hà Giang, ngoài loài cá tiến vua Dầm xanh, Anh vũ, nhiều người sẽ nhắc ngay đến cá Chiên và cá Lăng Chấm, hai loài cá có chất lượng xếp vào loại hảo hạng đang có nguy cơ mất dần ngoài tự nhiên do những tác động của chính con người.

Nghe những người có tuổi sống ở miền đất Hà Giang kể lại, hàng chục năm trước, việc kiếm mấy chú cá Chiên, cá Lăng làm món đãi khách quý cũng không có gì khó. Những con sông Gâm, sông Lô là môi trường rất lí tưởng cho các loài cá trên sinh sôi, nảy nở. Vì thế, việc người dân dân bắt được những chú cá Chiên nặng một, hai chục kg hay những chú cá Lăng Chấm to đùng không còn là chuyện lạ. Một số người gọi vui đó là những “chúa tể” của sông Gâm, sông Lô.

Cuộc sống phát triển, đặc biệt công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có một phần tác động tiêu cực đến môi trường sống tự nhiên của các loài động, thực vật, trong đó có cá Chiên, cá Lăng Chấm. Tác động đầu tiên có thể kể đến là việc đánh bắt tận diệt bằng kích điện, các chất thải độc hại trong nhiều năm qua của con người ra các dòng sông khiến cho số lượng cá Chiên, cá Lăng trong tự nhiên giảm đi rõ rệt. Đặc biệt trong vài năm qua, tốc độ phát triển của những nhà máy thủy điện trên các dòng sông Lô, sông Gâm, sông Miện, sông Chừng, sông Nho Quế..., đã dần lấy đi môi trường sinh sản và tạo nguy cơ suy diệt với nhiều loài thủy sản quý, hiếm, giường như là đặc hữu của sông nước Hà Giang.

Cán bộ Trung tâm Thủy sản tỉnh kiểm tra sự phát triển của cá Lăng Chấm giống.
Cán bộ Trung tâm Thủy sản tỉnh kiểm tra sự phát triển của cá Lăng Chấm giống.

Trước nguy cơ biến mất của những loài thủy sản quý, đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo cá Lăng Chấm và cá Chiên tại Trung tâm Thủy sản Hà Giang” như một cứu cánh cho hai loài thủy sản quý của Hà Giang.

Chúng tôi đến Trung tâm Thủy sản tỉnh vào thời điểm mẻ cá giống Lăng Chấm đầu tiên với hơn 1 vạn con đang được cán bộ, nhân viên ở đây ấp ủ với những tín hiệu rất khả quan. Anh Vi Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm phấn khởi sắn quần, đội mưa đưa chúng tôi ra ao ươm cá. Thật ngạc nhiên, khi cách đây 1 tháng, những quả trứng đầu tiên được lấy ra từ cá mẹ, cho giao kết với xẹ lấy từ cá bố. Và kết quả là hơn 1 vạn cá giống được hình thành, đang phát triển khỏe mạnh với trọng lượng hiện đạt 0.5g con.

Anh Hoàng Văn Tuyền, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, đồng thời là Thư ký đề tài nghiên cứu tâm sự: Thực tế điều kiện môi trường sống tự nhiên của cá Lăng, cá Chiên hiện nay đã bị biến đổi mạnh, rất khó khăn để chúng sinh sản. Vì thế, việc thực hiện sinh sản trong môi trường nhân tạo mới có thể giúp tái tạo và bảo tồn các giống cá quý, hiếm. Để thực hiện đề tài này, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải đi thu gom cá bố, mẹ ở tận Bắc Mê. Qua quá trình tuyển chọn, những cá bố, mẹ đạt chất lượng mới được chăm, thúc để sinh sản, nhân giống. Khó khăn nhất trong quá trình thực hiện đề tài không phải là việc cho cá mẹ đẻ, mổ cá bố lấy xẹ mà là quá trình nuôi vỗ cá. Đến khi ương giống ở môi trường ao nuôi và việc chăm sóc kỹ lưỡng, tất cả đều theo một quy trình khoa học.

Với sự cố gắng của anh chị em cán bộ triển khai đề tài nghiên cứu Trung tâm Thủy sản tỉnh, mẻ cá giống Lăng Chấm đầu tiên sẽ được ra lò trong khoảng 1 tháng nữa. Đây sẽ là tín hiệu rất vui cho những người nuôi cá Lăng Chấm, cá Chiên thương phẩm trên các con sông và lòng hồ thủy điện của Hà Giang. Đồng thời, theo phía lãnh đạo Trung tâm Thủy sản tỉnh cho biết, Đề tài này mang tính tái tạo nguồn lợi thủy sản do đó, một phần cá giống sẽ được thả về tự nhiên với hy vọng chúng sẽ góp phần làm tăng số lượng cá Lăng, cá Chiên trong tự nhiên. Anh Vi Quang Ngọc tâm sự, cách đây 8 năm, khi cơ sở vật chất của Trung tâm chưa được đầu tư nhiều, do đó việc thực nghiệm nuôi đẻ nhân tạo đối với cá Chiên đã thất bại. Nhưng hiện nay, khi cơ sở vật chất được đầu tư, đáp ứng nên việc cho sinh sản đã thành công với cá Lăng Chấm và tới đây khoảng 10 ngày nữa, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện đề tài với việc cho cá Chiên sinh sản.

Theo kế hoạch, Đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo cá Lăng Chấm và cá Chiên” được triển khai từ tháng 11.2015 đến tháng 12.2017. Đề tài nghiên cứu thành công sẽ góp phần rất lớn cho lộ trình phục hồi, tái tạo những “chúa tể” của dòng Lô giang, Gâm giang. Việc tái tạo nguồn lợi thủy sản có tính đặc hữu của Hà Giang sẽ không chỉ góp phần “trả nợ” cho các dòng sông đang ngày bị chia cắt bởi con người, mà song hành với đó là mục tiêu kinh tế rất khả quan. Với điều kiện mặt nước của các lòng hồ thủy điện, các con sông của Hà Giang hiện nay, việc cung cấp các giống cá quý như Chiên, Lăng, những loại cá có giá trị kinh tế cao sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản. Hy vọng Đề tài thiết thực này tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm, đầu tư từ việc nghiên cứu sinh sản cho đến việc đưa đề tài tiếp tục phát triển thành đề tài nuôi thương phẩm để nhân rộng sinh sản, nuôi các loại cá quý trên.

Với những ý nghĩa về kinh tế và môi trường sâu sắc của Đề tài nghiên cứu, chúng tôi hy vọng và mong muốn sẽ có thêm phần đóng góp trách của các “ông chủ” làm thủy điện để không chỉ “trả nợ” cho những dòng sông mà còn góp phần bảo tồn, nhân lên những “đặc sản” cho vùng đất Hà Giang.       

Bài, ảnh: Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thể lệ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ 3 (2016-2017)

BHG - Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ 3, năm 2016-2017 nhằm khơi dậy phong trào thi đua lao động sáng tạo thuộc lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghệ ở mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Từ đó, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy CNH-HĐH đất nước. Báo Hà Giang Điện tử đăng toàn văn thể lệ.

31/05/2016
Hiệu quả ứng dụng phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng"

BHG- Là tỉnh miền núi có địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, tình trạng đất đai bị rửa trôi, xói mòn xẩy ra thường xuyên, vì vậy việc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn tỉnh ta là hết sức quan trọng. Những năm qua, triển khai phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng" thông qua tin nhắn điện thoại của các thành viên Ban chỉ đạo Bảo vệ rừng - Phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR - PCCCR) từ cấp tỉnh đến cơ sở đã phát huy hiệu quả, giúp BCĐ phát hiện và chỉ đạo công tác PCCCR nhanh chóng, kịp thời, không để đám cháy lan rộng.

31/03/2016
Mít tinh phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2016

BHG- Sáng 28.4, tại Sân vận động huyện Quản Bạ, UBND tỉnh tổ chức Lễ mít tinh phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2016 với chủ đề: "Nước sạch và vệ sinh môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu". 

28/04/2016
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân

BHG- Thời gian gần đây, cụm từ biến đổi khí hậu (BĐKH) đã không còn xa lạ, nó đang hàng ngày tác động, can dự trực tiếp và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh ta. Qua theo dõi cho thấy, trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, những hệ lụy xấu của BĐKH ập đến với tần suất lớn hơn, khó lường hơn và mức độ tàn phá nguy hiểm hơn... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực XĐGN của tỉnh. 

28/04/2016