Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5.6

"Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta"

06:47, 04/06/2016

BHG- Ngày môi trường thế giới 5.6 năm nay được Việt Nam phát động với chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Theo nhận định của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, chủ đề của Việt Nam một lần nữa truyền cảm hứng cho nhân loại hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái (HST) tự nhiên của trái đất. Thông qua đó, huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng, hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn, bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) đã và đang làm suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH), đe dọa sự sống của các loài động vật trên thế giới. Việc buôn, bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã không chỉ làm suy thoái HST, cướp đi những di sản mà còn đẩy những giống loài đến gần sự tuyệt chủng. Bảo tồn ĐDSH, bảo vệ ĐVHD cũng là góp phần vào nỗ lực phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội.

Kể từ năm nay, Bộ TN-MT sẽ đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, trong đó phát động “Tháng hành động vì môi trường” được thực hiện trên phạm vi cả nước với các hoạt động thiết thực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tổ chức cộng đồng và từng người dân. Hưởng ứng chuỗi hoạt động trong khuôn khổ “Tháng hành động vì môi trường”, Ngày môi trường thế giới trên toàn quốc, từ tháng 5 đến hết tháng 6, các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư, địa phương đồng loạt tổ chức các hoạt động thiết thực, tạo thành chuỗi sự kiện thuộc “Tháng hành động vì môi trường”. Đặc biệt, tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT); Chiến lược Quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Công ước về ĐDSH và Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Luật BVMT năm 2014, Luật ĐDSH, Luật Bảo vệ rừng... đến đông đảo người dân.Trên địa bàn tỉnh ta, những hoạt động BVMT, bảo tồn ĐDSH được các cấp, ngành, đoàn thể và người dân quan tâm, triển khai với nhiều hình thức linh hoạt, đạt những kết quả tích cực. Đặc biệt, công tác trồng rừng, bảo tồn ĐDSH được triển khai hiệu quả, đã giúp con người gần gũi, gắn kết với thiên nhiên hơn. Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng năm vừa qua, người dân trên địa bàn tỉnh trồng mới được hơn 37,6 nghìn ha rừng tại 192 xã, thị trấn của 11 huyện, thành phố, góp phần tăng độ che phủ rừng. Đối với công tác quy hoạch, bảo tồn ĐDSH của tỉnh đến năm 2020, định hướng 2030 đã xác định được 10 HST khác nhau. Trong mỗi HST có hàng trăm loài thực vật, chim, thú, bò sát với 1.473 loài, thuộc 755 chi, 193 họ của 6 ngành thực vật bậc cao. Đặc biệt, có 106 loài thực vật quý hiếm thuộc hệ thực vật cần được bảo vệ; 102 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam; 463 loài động vật thuộc 108 họ, 34 bộ, 294 giống với nhiều nguồn gen quý hiếm. Về đa dạng dược liệu, tỉnh ta có nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng, phong phú với 1.101 loài cây thuốc, thuộc 6 ngành, 184 họ, 662 chi thực vật, trong đó có 894 loài mọc hoàn toàn tự nhiên.

Từ làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH nên tỉnh ta đã trở thành địa bàn cư trú, sinh sôi của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đặc biệt, tại các khu bảo tồn thiên nhiên, giống Voọc mũi hếch - loài linh trưởng quý hiếm của thế giới đang sinh sôi, nảy nở, tổng đàn liên tục tăng qua các năm với sự tồn tại khoảng 200 cá thể.

“Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” lời kêu gọi được ngân lên giữa lúc chúng ta phải chứng kiến nhiều nghịch lý tác động trực tiếp đến cuộc sống như hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung; nắng hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long; mưa đá, tố lốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc... càng có ý nghĩa quan trọng. Con người đối đãi với tự nhiên như thế nào, sẽ được đáp trả tương ứng, vì vậy mỗi người chúng ta cùng có hành động thiết thực, bảo vệ thiên nhiên, chính là bảo vệ sự sống thanh bình trên hành tinh.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thể lệ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ 3 (2016-2017)

BHG - Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ 3, năm 2016-2017 nhằm khơi dậy phong trào thi đua lao động sáng tạo thuộc lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghệ ở mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Từ đó, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy CNH-HĐH đất nước. Báo Hà Giang Điện tử đăng toàn văn thể lệ.

31/05/2016
Hiệu quả ứng dụng phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng"

BHG- Là tỉnh miền núi có địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, tình trạng đất đai bị rửa trôi, xói mòn xẩy ra thường xuyên, vì vậy việc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn tỉnh ta là hết sức quan trọng. Những năm qua, triển khai phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng" thông qua tin nhắn điện thoại của các thành viên Ban chỉ đạo Bảo vệ rừng - Phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR - PCCCR) từ cấp tỉnh đến cơ sở đã phát huy hiệu quả, giúp BCĐ phát hiện và chỉ đạo công tác PCCCR nhanh chóng, kịp thời, không để đám cháy lan rộng.

31/03/2016
Mít tinh phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2016

BHG- Sáng 28.4, tại Sân vận động huyện Quản Bạ, UBND tỉnh tổ chức Lễ mít tinh phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2016 với chủ đề: "Nước sạch và vệ sinh môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu". 

28/04/2016
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân

BHG- Thời gian gần đây, cụm từ biến đổi khí hậu (BĐKH) đã không còn xa lạ, nó đang hàng ngày tác động, can dự trực tiếp và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh ta. Qua theo dõi cho thấy, trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, những hệ lụy xấu của BĐKH ập đến với tần suất lớn hơn, khó lường hơn và mức độ tàn phá nguy hiểm hơn... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực XĐGN của tỉnh. 

28/04/2016