Hà Giang

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân

07:28, 28/04/2016

BHG- Thời gian gần đây, cụm từ biến đổi khí hậu (BĐKH) đã không còn xa lạ, nó đang hàng ngày tác động, can dự trực tiếp và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh ta. Qua theo dõi cho thấy, trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, những hệ lụy xấu của BĐKH ập đến với tần suất lớn hơn, khó lường hơn và mức độ tàn phá nguy hiểm hơn... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực XĐGN của tỉnh. Nhiều vùng nông thôn, người nông dân đang vui mừng vì cây trồng được mùa, mang lại giá trị thu nhập cao, cuộc sống từng bước ổn định, nhiều ngôi nhà mới được dựng lên, nhưng chỉ một can thiệp nhỏ của BĐKH đã đưa họ trở lại ngưỡng của đói nghèo và mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn luôn là bài toán khó.

Trước Tết Nguyên đán Bính Thân, người dân nhiều vùng trên địa bàn tỉnh đã phải gánh chịu đợt rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ xuống thấp, tuyết, băng giá phủ kín nhiều khu vực, nhất là các huyện, xã, vùng cao khiến hàng loạt cây trồng bị ảnh hưởng. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất phải nói đến loại cây Thảo quả trồng dưới tán rừng nguyên sinh, có giá trị kinh tế cao, đã đến tuổi cho thu hoạch. Đợt rét đi qua, hậu quả để lại ngoài những cánh rừng cây trồng rụng hết lá, thì nhiều diện tích Thảo quả chết hàng loạt, không có khả năng phục hồi khiến người nông dân điêu đứng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tổng diện tích Thảo quả bị thiệt hại trên toàn tỉnh lên tới gần 6 nghìn ha. Trong đó, diện tích bị thiệt hại từ 30 - 70% gần 1,5 nghìn ha, diện tích thiệt hại hơn 70% chiếm gần 4,5 nghìn ha và rất khó có khả năng phục hồi. Diện tích Thảo quả thiệt hại nhiều nhất lại rơi vào các huyện nghèo, đồng bào nghèo ở Quản Bạ, Yên Minh, Xín Mần, Hoàng Su Phì... Nhằm giúp người dân từng bước khắc phục hậu quả, Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh trích kinh phí hỗ trợ, theo định mức diện tích bị thiệt hại từ 30 - trên 70% từ 2 - 4 triệu đồng/ha.

Đợt rét đậm, rét hại ập đến, hậu quả nguy hại của nó đến nay vẫn chưa khắc phục được, người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục gánh chịu những thiệt hại dồn dập do mưa đá, sét gây ra. Từ đầu năm đến nay, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh đã phải hứng chịu mưa đá, nhiều diện tích hoa màu, dược liệu bị dập nát, nhiều nhà bị tốc, thủng mái. Gần đây nhất, vào đêm và rạng sáng ngày 21 - 22.4, tại các huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh... mưa to kèm theo gió lốc tiếp tục ập đến gây thiệt hại lớn về tài sản. Theo tính toán sơ bộ, tại huyện Đồng Văn đã có trên 700 nhà dân, công trình bị thiệt hại. Trong đó, có 63 nhà dân bị tốc mái toàn bộ, 41 nhà dân tốc mái 50%, 592 nhà dân tốc mái dưới 50%; 11 điểm trường, 1 trạm y tế, 2 trụ sở thôn bị hư hỏng, ước thiệt hại là trên 1,2 tỷ đồng. Còn tại huyện Mèo Vạc, mưa to, gió lớn xảy ra cục bộ đã gây thiệt hại đến một số hộ gia đình trên địa bàn. Tuy không thiệt hại về hoa màu, nhưng gió lốc đã làm tốc mái 675 hộ; làm hư hỏng gần 14 nghìn tấm Prô xi-măng, 604 tấm tôn, trên 37,5 nghìn viên ngói, 642 tấm úp nóc và làm chết 1 con bò. Ngoài ra, gió lốc làm tốc mái 11 điểm trường, trong đó tốc mái hoàn toàn 1 điểm trường; 1 nhà lưu trú giáo viên bị tốc mái hoàn toàn; 2 nhà cộng đồng bị tốc mái, ước tổng thiệt hại trên 1,4 tỷ đồng. Đợt mưa, gió lốc lần này cũng khiến huyện Yên Minh thiệt hại lớn về tài sản với 1 nhà bị sập, 220 nhà bị tốc mái, 6 nhà bị hư hại, 18 điểm trường bị tốc mái, thiệt hại hơn 8.620 tấm Proxi - măng, 577 tấm úp nóc, 155 m2 tôn, 8.300 viên ngói, 48m2 trần nhựa... tổng thiệt hại ước tính trên 500 triệu đồng.

Các cơ quan chức năng đã xác định, tỉnh ta là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, từ đó tỉnh đã có nhiều giải pháp từ tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến xây dựng các bước hành động, phản ứng kịp thời nhằm giảm bớt hậu quả của thiên tai. Tuy nhiên, những diễn biến của BĐKH thường bất ngờ, phức tạp, nguy hiểm, nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, ngoài những giải pháp mang tầm vĩ mô của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, hình thành tư duy ứng phó, thích ứng với những tác động ngày càng khắc nghiệt của BĐKH.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả ứng dụng phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng"

BHG- Là tỉnh miền núi có địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, tình trạng đất đai bị rửa trôi, xói mòn xẩy ra thường xuyên, vì vậy việc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn tỉnh ta là hết sức quan trọng. Những năm qua, triển khai phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng" thông qua tin nhắn điện thoại của các thành viên Ban chỉ đạo Bảo vệ rừng - Phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR - PCCCR) từ cấp tỉnh đến cơ sở đã phát huy hiệu quả, giúp BCĐ phát hiện và chỉ đạo công tác PCCCR nhanh chóng, kịp thời, không để đám cháy lan rộng.

31/03/2016
Trung tâm Thông tin chuyển giao công nghệ mới: Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động

BHG- Năm 2015, với sự quan tâm chỉ đạo của Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN), sự đoàn kết, thống nhất của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm thông tin, chuyển giao công nghệ mới (thuộc Sở KH&CN), các nhiệm vụ, kế hoạch mà ngành giao cho Trung tâm đã được thực hiện tốt. 

27/02/2016
Khởi động Dự án Bảo tồn nguồn gen cây thuốc của người Dao

BHG- Ngày 24.3, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP) phối hợp với huyện Quản Bạ, khởi động Dự án Bảo tồn nguồn gen cây thuốc người Dao và cải thiện sinh kế thông qua phát triển dịch vụ tắm lá thuốc, phục vụ du lịch cộng đồng tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ.

25/03/2016
Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từ đá tại Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG- Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) năm 2010. Di sản độc đáo của Việt Nam này đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Những giá trị về địa chất, địa mạo, giá trị văn hóa, lịch sử và đặc thù cuộc sống nơi đây là những điều cực kỳ hấp dẫn trong các trải nghiệm của mỗi du khách khi đến đây. 

25/03/2016