Môi trường xung quanh các nhà máy khai khoáng - mừng ít lo nhiều

16:41, 02/04/2012

HGĐT- Kết quả nghiên cứu, phân tích chỉ số về hàm lượng các chất rắn lơ lửng, nhu cầu oxi sinh học, oxi hoá học trong nước, mẫu nước ngầm, không khí... trên địa bàn huyện Bắc Mê, Vị Xuyên - nơi có nhiều nhà máy khai khoáng đang hoạt động cho thấy có những tiêu chuẩn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng cũng có tiêu chuẩn vượt quá giới hạn. Từ kết quả nghiên cứu đó, ta thấy mừng ít mà lo lại nhiều.


Nằm ở cực Bắc Tổ quốc, tỉnh ta được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú cả về kim loại và phi kim với trên 250 mỏ, điểm mỏ, 28 loại khoáng sản. Trong đó, có 4 loại khoáng sản chính là sắt với 21 mỏ, điểm mỏ; chì - kẽm 16 mỏ, điểm mỏ; mangan 27 mỏ, điểm mỏ và antimon 9 mỏ, điểm mỏ. Kết quả thăm dò, khảo sát của các nhà khoa học cho thấy, nhiều mỏ có trữ lượng lớn, hàm lượng cao như antimon Mậu Duệ (Yên Minh) trữ lượng 330 nghìn tấn, sắt Sàng Thần (Bắc Mê) gần 32 triệu tấn, sắt Tùng Bá (Vị Xuyên) hơn 22 triệu tấn, chì - kẽm Na Sơn (Vị Xuyên) 1,6 triệu tấn, chì - kẽm Tả Pan (Bắc Mê) 1,2 triệu tấn, dải quặng mangan Đồng Tâm (Bắc Quang) - Trung Thành - Ngọc Linh - Ngọc Minh (Vị Xuyên) tổng trữ lượng hơn 5 triệu tấn...


Đến nay, có 98 tổ chức, doanh nghiệp được các cơ quan chức năng cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Năm 2011, các doanh nghiệp khai thác được trên 700 tấn kim loại antimon, hơn 180 nghìn tấn tinh quặng các loại, doanh thu trên 502 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 107 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.300 lao động địa phương. Với các cơ chế, chính sách phù hợp, tỉnh ta đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Một số dự án lớn đã đi vào hoạt động như Nhà máy luyện antimon Mậu Duệ công suất 1 nghìn tấn kim loại/năm, antimon kim loại Khâu Vai (Mèo Vạc), công suất 1 nghìn tấn kim loại/năm, Nhà máy thiêu bột antimon công suất 600 tấn/năm... Hiện nay, các nhà đầu tư đang xây dựng 2 Nhà máy luyện Feromangan và Silicomangan tại KCN Bình Vàng với tổng công suất 40 nghìn tấn sản phẩm/năm; một số dự án có chủ trương đầu tư như Nhà máy quặng sắt vê viên công suất 300 nghìn tấn/năm, Nhà máy luyện thép công suất 500 nghìn tấn/năm.


Tuy nhiên, việc phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, đa số các mỏ, điểm mỏ đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng chưa phát triển nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp khai thác khoáng sản sử dụng thiết bị, máy móc lạc hậu, chưa có sản phẩm chế biến sâu, chưa giảm thiểu được tác động xấu đến môi trường. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng sử dụng công nghệ khai thác lộ thiên, bắn mìn toàn tầng xúc bốc, chưa tận dụng được quặng nghèo và các thành phần có ích đi kèm trong quặng; tài nguyên khoáng sản chưa được sử dụng hợp lý; khai thác không theo kế hoạch và thiết kế dẫn tới tổn thất tài nguyên; chưa tuân thủ quy định an toàn, chưa thực hiện thường xuyên công tác bảo vệ môi trường.


Hơn nữa, hệ thống thiết bị, máy móc không được kiểm duyệt trước khi lắp đặt, vận hành nên phần lớn lạc hậu, ít đổi mới, công suất khai thác thực tế thấp hơn so với công suất thiết kế, sản lượng khai thác không ổn định, chất lượng sản phẩm thấp, chủ yếu ở dạng thô. Một số doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa đủ năng lực về vốn, nhân lực kỹ thuật, thiết bị và công nghệ; nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các doanh nghiệp chưa tạo dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn dẫn đến việc điều hành sản xuất không theo đúng quy trình, quy phạm, hoạt động của mỏ hiệu quả không cao.


Những hạn chế của các doanh nghiệp khai khoáng cũng có nguyên nhân từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Trước đây, việc cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản chưa gắn với yêu cầu sản xuất, do đó sản phẩm của các doanh nghiệp chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, giá trá trị không cao, không ổn định. Ở những vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản thì nhân dân mất đất canh tác, ô nhiễm môi trường, đường giao thông hư hỏng nhanh. Việc kiểm tra hoạt động khai thác chưa thường xuyên, còn nhiều dự án tiến độ chậm hoặc triển khai không đúng thiết kế cơ sở được duyệt, các hạng mục xử lý chất thải chưa được coi trọng nên có hiện tượng một số doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường gây bức xúc trong nhân dân.


Trước những bức xúc của người dân sống xung quanh các nhà máy khai thác khoảng sản, năm 2011 Sở TN-MT triển khai dự án: Điều tra, đánh giá tác động của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đến môi trường và xã hội trên địa bàn huyện Bắc Mê, Vị Xuyên. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại 22 điểm gần khu vực khai thác và chế biến khoáng sản cho thấy: Hàm lượng TSS (các chất rắn lơ lửng), BOD5 (nhu cầu oxi sinh học), COD (nhu cầu oxi hoá học) tại hầu hết các điểm quan trắc đều vượt quá giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 08:2009/BTNMT. Khi phân tích 4 mẫu nước ngầm cho thấy chất lượng vẫn tương đối tốt, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt QCVN 09:2008/BTNMT. Tuy nhiên, hàm lượng COD trong các mẫu nước ngầm tương đối cao, gần ngưỡng Quy chuẩn cho phép. Kết quả phân tích 24 mẫu không khí xung quanh khu vực khai thác, chế biến khoáng sản đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn, nhưng riêng hàm lượng bụi tổng số TSP lại vượt quá giới hạn cho phép. Hàm lượng bụi cao nhất là tại vị trí quan trắc KKBX02, không khí khu dân cư xung quanh mỏ Mangan xã Ngọc Minh (Vị Xuyên) là 0,388 mg/m3 vượt quá QCVN 05:2009/BTNMT gần 1,3 lần. Khu vực này chịu tác động của nhiều hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, bởi lẽ tại xã Ngọc Minh có 6 mỏ mangan được cấp phép khai thác.


Ngoài ra, khi lấy mẫu đất tại 12 điểm chịu ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản, kết quả phân tích cho thấy, các mẫu đất quanh khu vực mỏ thuộc huyện Vị Xuyên, Bắc Mê có thông số kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 03:2008/BTNMT. Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch khai thác tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sẽ thu hẹp diện tích đất rừng, ảnh hưởng đến chất lượng đất nông nghiệp do xói mòn làm mất chất dinh dưỡng.


Nhìn vào thực trạng môi trường tại các khu vực khai thác khoáng sản cho thấy niềm vui thì ít, nỗi lo thì nhiều. Nếu ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp khai khoáng, các cơ quan quản lý Nhà nước không chú trọng công tác bảo vệ môi trường, rất có thể những chỉ số nghiên cứu hôm nay còn nằm trong giới hạn cho phép, ngày mai sẽ vượt quá giới hạn, đe doạ trực tiếp đến môi trường sống của con người. Vì vậy, hãy hành động ngay từ hôm nay, nếu chúng ta không muốn trả một cái giá quá đắt trong tương lai!


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thú quý hiếm ở dãy Trường Sơn kêu cứu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã hiện hữu ở dãy Trường Sơn – lá phổi khổng lồ của Việt Nam. Do vậy, sự thay đổi khí hậu, môi trường sinh thái nơi đây có nguy cơ hủy diệt, xua đuổi các loài thú quý hiếm.
30/03/2012
'CNTT luôn lọt top 12 ngành thu nhập cao nhất Việt Nam'
Trong hơn 2 giờ, các chuyên gia đã trả lời gần 100 trong số cả nghìn câu hỏi xung quanh việc đào tạo CNTT ở ĐH FPT và các trường khác, cũng như nhu cầu nhân lực CNTT ở Việt Nam trong những năm tới.
30/03/2012
Thách thức với giới trẻ toàn cầu
Báo cáo "Cơ hội để hành động" công bố mới đây đã chỉ ra những thách thức giới trẻ toàn cầu phải đối mặt cùng với nhu cầu cấp thiết về trang bị kiến thức, kĩ năng và cơ hội nghề nghiệp để thành công trong nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng.
29/03/2012
Họp Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin
HGĐT- Ngày 24.3, UBND tỉnh tổ chức họp BCĐ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh.
26/03/2012