Tam giác mạch – sự lan tỏa kỳ diệu

07:25, 15/12/2016

BHG- Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ 2 diễn ra trong tháng 10 vừa qua được tổ chức tại huyện Đồng Văn đã thu hút trên 20 nghìn lượt khách du lịch (tính riêng số lượt vé tham quan tại Cột cờ Lũng Cú và nhà Vương), đã cho thấy sự hấp dẫn của loài hoa được nhiều người ví như “Nàng sơn nữ” yêu kiều, nhẹ nhàng nhưng cũng đầy mãnh liệt khoe sắc giữa muôn trùng đá núi. Nhưng, ngoài sức thu hút, hoa Tam giác mạch còn mang đến sự lan tỏa kỳ diệu về mảnh đất, con người và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào rẻo cao Hà Giang tới mỗi du khách khi đặt chân đến nơi đây.

Du khách Quốc tế chiêm ngưỡng và chụp ảnh hoa Tam giác mạch tại điểm dừng chân Lao Và Chải (Yên Minh).
Du khách Quốc tế chiêm ngưỡng và chụp ảnh hoa Tam giác mạch tại điểm dừng chân Lao Và Chải (Yên Minh).

Có rất nhiều đoàn khách từ Nam ra Bắc, hay du khách Quốc tế lần đầu đến với Hà Giang là khi mùa hoa Tam giác mạch tới. Nhưng sau đó, họ không ít lần trở lại với nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc không phải chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Tam giác mạch mà còn để ăn, để sống, để cảm nhận về đời sống của người dân vùng cao Hà Giang và tìm hiểu về Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Hai vợ chồng du khách người Pháp tên Chrishoper và Karen đã nói với tôi thế này khi thăm quan cánh đồng hoa Tam giác mạch tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ): “Cánh đồng hoa này rất đẹp, Hà Giang rất đẹp, đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Hà Giang, chúng tôi sẽ còn quay lại”.

Nói đến mảnh đất, con người Hà Giang, đặc biệt là người dân 4 huyện vùng cao phía Bắc, nơi khởi nguồn của loài hoa nhỏ bé - Tam giác mạch, chỉ một cụm từ: “Sống trên đá, chết nằm trong đá” có thể khiến những ai chưa từng một lần đặt chân đến vẫn có thể cảm nhận ngay một phần cuộc sống của đồng bào nơi đây. Không như các địa phương khác, một đời người sống ở nơi đây, từ khi sinh ra đến khi “nhắm mắt xuôi tay” thứ luôn gắn bó với đời sống của họ là... đá: Trồng ngô trên hốc đá, se lanh dệt vải dùng đến đá, tường rào bằng đá... Đó cũng là nét khác biệt và duy nhất, đặc trưng riêng của Hà Giang mà không tìm thấy ở địa phương nào trong cả nước. Bởi chỉ có đến với Hà Giang, ngắm hoa Tam giác mạch, du khách mới được chiêm ngưỡng những khu rừng đá hình thành từ những kiến tạo địa chất tự nhiên và những bức tường rào đá mà người dân mất hàng năm trời cặm cụi xếp từng viên đá tạo nên...

Ngoài đá, bản sắc văn hóa dân tộc Mông, dân tộc thiểu số sống nhiều nhất trên vùng Cao nguyên đá nói riêng và của Hà Giang nói chung, cũng là dân tộc có tính đại diện cao nhất cho cộng đồng 19 dân tộc anh em trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, là những gì du khách hay tìm đến để trải nghiệm, để tìm hiểu và cả thưởng thức như một món ăn tinh thần đặc biệt sau khi đã chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa Tam giác mạch. Trong những nét văn hóa dân tộc Mông, làm và thổi khèn Mông, se lanh dệt thổ cẩm, họp chợ phiên, đan quẩy tấu, rèn đúc lưỡi cày, trạm bạc... có lẽ là những hoạt động được du khách tìm hiểu, trải nghiệm nhiều nhất.

Và khi đến Hà Giang, khi tới thưởng ngoạn vẻ đẹp hoa Tam giác mạch, du khách sẽ không thể không tới Cột cờ Lũng Cú -  điểm cực Bắc của Tổ quốc; nhà Vương – Dinh thự của “vua Mèo”; Phố cổ Đồng Văn với những ngôi nhà trình tường đất được xây dựng từ cách đây hàng trăm năm, kiến trúc độc đáo của dân tộc Mông; Mã Pì Lèng – một trong Tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam; trải nghiệm cung đường Hạnh phúc – con đường của “máu và hoa”...Có lẽ, không phải xuất phát từ hoa Tam giác mạch, những người con của đất Việt, những du khách Quốc tế mới biết đến những bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Hà Giang nói chung, dân tộc Mông nói riêng. Hay những địa danh nổi tiếng của Hà Giang. Nhưng tôi tin rằng, từ khi những cánh đồng hoa Tam giác mạch lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng cho đến Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ 2 được tổ chức vừa qua, những bông hoa li ti  thay đổi màu sắc theo từng ngày, từ trắng, phớt hồng, đến tím đã trở thành một trong những hình ảnh đặc trưng đại diện cho mảnh đất, con người Hà Giang. Góp phần đưa Hà Giang đến gần hơn với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Một sự lan tỏa kỳ diệu.

Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang sẵn sàng cho Ngày hội

BHG - Việt Nam - dải đất hình chữ S là tổng hòa của 54 dân tộc anh em, từ ngàn đời nay đã chung sống gắn bó, keo sơn. Trong đó, dân tộc Mông là một trong những dân tộc ít bị mai một hơn về bản sắc văn hóa truyền thống. Cùng với 53 dân tộc anh em, người Mông luôn luôn là một phần của sự thống nhất khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú cho nền văn hoá các dân tộc Việt Nam.

29/10/2016
Đồng Văn với những nỗ lực chuẩn bị cho Ngày hội

BHG- Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ 2 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lựa chọn tỉnh ta là nơi tổ chức vào trung tuần tháng 11 tới. Để chuẩn bị tốt cho ngày hội diễn trang trọng, mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc Mông, Ban tổ chức (BTC) đã thành lập các Tiểu ban giúp việc, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương. 

25/10/2016
Họp Ban Tổ chức và các tiểu ban giúp việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Hà Giang

BHG - Sáng 25.10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Họp Ban Tổ chức và các tiểu ban giúp việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Hà Giang. 

25/10/2016
Đặc sắc trang phục truyền thống

BHG - Nếu như chúng ta biết đến dân tộc Mông với những nét văn hóa như dệt lanh, tiếng khèn thiết tha mời gọi, với những giai điệu đậm đà chan chứa thì chắc hẳn cũng không thể bỏ qua hình ảnh trang phục đồng bào Mông với váy áo xúng xính, vô cùng đẹp mắt. Có thể nói, trang phục của người Mông, cụ thể là chiếc váy thể hiện rõ nét tinh tế trong văn hóa của đồng bào.

19/11/2016