Hà Giang

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách người có công trên địa bàn tỉnh

14:49, 22/07/2017

BHG- Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (TBLS) (27.7.1947- 2017), phóng viên (PV) Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, về thực hiện chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công (NCC) với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang! Việc thực hiện chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được ở tỉnh ta trong những năm qua?

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong tỉnh luôn tích cực chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng với tinh thần trách nhiệm cao cả và thu được những kết quả to lớn.

Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 12.370 triệu đồng, xây mới 52 Nhà tình nghĩa, trị giá 2.784 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa, xây mới 59 nhà, trị giá trên 894 triệu đồng; UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Toàn tỉnh có 998 hộ đối tượng gia đình NCC với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ làm nhà ở, hiện nay đã có 649 hộ gia đình NCC với cách mạng được hỗ trợ với tổng số tiền là 20 tỉ 215 triệu đồng; các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đã tặng 324 Sổ tiết kiệm tình nghĩa (trên 489 triệu đồng); xác nhận và giải quyết mới 308 đối tượng NCC với cách mạng; giải quyết 10 hồ sơ chế độ, chính sách tồn đọng sau chiến tranh; chi trả trợ cấp một lần được 3 đợt cho 2.669 đối tượng theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết chế độ theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg đối với 46 trường hợp; có 3 “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đang được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến hết đời; con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng được quan tâm trong giáo dục, ưu tiên xem xét tuyển dụng và bố trí sắp xếp việc làm; tìm kiếm, quy tập được 60 hài cốt liệt sĩ hy sinh trên địa bàn tỉnh đưa vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ; đến nay toàn tỉnh có 9 Nghĩa trang liệt sĩ, 4 Đài tưởng niệm, 40 Nhà bia ghi tên liệt sĩ được xây dựng.

PV: Vậy tỉnh ta đã có kế hoạch gì nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới?

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Trong những năm tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc chăm sóc NCC, tập trung làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Đảng và Bác Hồ về chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; tuyên truyền, giáo dục  trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về công tác này và về những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên của đối tượng và gia đình chính sách.

-Thực hiện việc giải quyết và chi trả chế độ chính sách cho NCC với cách mạng một cách kịp thời và đầy đủ; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc NCC với cách mạng, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, như: Xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng Nhà tình nghĩa, chăm sóc, giúp đỡ thương binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng; đỡ đầu ưu tiên đào tạo, sắp xếp việc làm phù hợp đối với con liệt sĩ, con thương binh nặng. Từng huyện, thành phố cần duy trì, quan tâm mở rộng phong trào xã, phường làm tốt công tác TBLS và NCC; phấn đấu đến hết năm 2020 có 100% xã, phường đạt danh hiệu này.

-Khuyến khích, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2020, 100% hộ gia đình chính sách, NCC có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

- Tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các sai phạm, vi phạm trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Đẩy mạnh thực hiện dân chủ, công khai việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCC trên địa bàn từng đơn vị để nhân dân nắm, giám sát việc giải quyết các chế độ, chính sách.

PV: Nhằm ghi nhớ và tôn vinh công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày TBLS, tỉnh Hà Giang đã và sẽ tổ chức những hoạt động nổi bật gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày TBLS theo quy mô cấp tỉnh, gắn với biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, NCC tiêu biểu tỉnh Hà Giang (giai đoạn 2013 - 2017); gặp mặt, thăm hỏi, tri ân, biểu dương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng; tổ chức tọa đàm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống lịch sử, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác TBLS và người có công với cách mạng.

Tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách; thăm 2 Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) và Duy Tiên (Hà Nam);  đồng thời, tặng quà của Chủ tịch nước tới người có công trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục vận động xây dựng và  sử dụng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hiệu quả. Tập trung thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ gia đình có công với cách mạng khó khăn về nhà ở.

Tập trung tu bổ, nâng cấp các công trình Nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ, Nhà bia ghi tên liệt sĩ. Tiếp tục rà phá bom mìn; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng, liệt sĩ tại các Nghĩa trang liệt sĩ; Đài tưởng niệm liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ, Nhà bia ghi tên liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang vào 20 giờ 00, ngày 26.7.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!  

HOA SIM (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người thương binh giàu nghị lực

BHG- Đó là thương binh Trần Văn Thư, ở thôn Việt Thành, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) sinh năm 1959, quê ở Nam Sách – Hải Dương. Năm 1978, khi chiến tranh biên giới Tây Nam đang vào giai đoạn khốc liệt, ông Trần Văn Thư khi ấy vừa tròn 19 tuổi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, rời quê hương sang chiến đấu ở chiến trường Campuchia, giúp nước bạn chống lại quân Khmer Đỏ.

22/07/2017
Vượt lên số phận, trở thành điểm tựa của gia đình

BHG- Năm 23 tuổi, chàng thanh niên trẻ Ma Văn Dụng (sinh 1966) ở thôn Me Hạ, xã Vô Điếm (Bắc Quang) tạm biệt những người anh em, bạn bè cùng trực gác bảo vệ biên giới Vị Xuyên để trở về quê hương do vết thương nặng trong quá trình lao động. 

22/07/2017
Chung tay cùng địa phương "Đền ơn, đáp nghĩa"

BHG- Mỗi năm cứ đến dịp tháng Bảy, mỗi người dân Việt Nam lại hướng tới những hoạt động tình nghĩa, tưởng nhớ đến các Anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Và rồi có hàng ngàn những cuộc hành trình của CCB, gia đình thương binh, liệt sỹ đến với Vị Xuyên, Thanh Thủy thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương tri ân các Anh hùng, liệt sỹ tại Nhà bia ghi tên các Anh hùng, liệt sỹ tại xã Thanh Thủy. 

22/07/2017
Bắc Quang: Vẫn ngời sáng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

BHG- Qua các cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại, biết bao người con ưu tú của quê hương Bắc Quang đã trở thành thương, bệnh binh, liệt sỹ, góp phần tô thắm lá cờ độc lập dân tộc; để lại phía sau, thân nhân của họ là những Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sỹ, vợ liệt sỹ, con liệt sỹ. Xót xa hơn, thế hệ con, cháu của nhiều người trong số họ còn thêm đớn đau tột cùng khi mang trong mình di chứng chiến tranh – chất độc da cam/đioxin... 

22/07/2017