"Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh"

15:24, 28/05/2020

BHG - Trong trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cháu thiếu niên, nhi đồng chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Người luôn dành niềm tin, sự gắn bó mật thiết, tình cảm trìu mến và chu đáo với thiếu nhi. Đó là sự ấm áp của một vị lãnh tụ vĩ đại. “Ai yêu nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh/ Hơn thiếu niên nhi đồng....” 1  lời thơ đã thể hiện trọn vẹn tình cảm thiêng liêng của Bác với các cháu nhi đồng và các cháu nhi đồng với Bác.

Trẻ em là người chủ tương lai của đất nước. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết2 như lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ ví “trẻ em như búp trên cành/ biết ăn, biết học hành là ngoan”. Đây là quan niệm của Bác, cũng là quan niệm của dân tộc ta về thiếu nhi, về việc chăm sóc thiếu nhi.

Báo Sự Thật, số 134 ra ngày 1.6.1950, đăng thư của Bác gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 1.6. Trong thư Bác viết: “Các cháu yêu quý, ngày 1.6 là ngày của các cháu bé khắp cả nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu phải được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ em ở Liên Xô...Nhưng nước Việt Nam ta, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Cho nên, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng. “Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”. Những từ ngữ giản dị và thiết tha trong bức thư đã thể hiện sự quan tâm, thương yêu hết mực của Bác Hồ đối với trẻ thơ - chủ nhân tương lai của đất nước.

Bên cạnh tình yêu thương bao la, Người không quên chỉ bảo, dặn dò ân cần: “Các em phải ngoan, ở nhà phải vâng lời bố mẹ, đi học phải siêng năng...”. Người động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vươn lên trong cuộc sống, cuộc sống của người dân một nước độc lập, tự do: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm” và luôn thực hiện 5 lời dạy của Người: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”3.

Bác Hồ với các cháu thiếu niên
Bác Hồ với các cháu thiếu niên

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam với ý nghĩa là người vạch đường, chỉ lối, người tổ chức, người lãnh đạo, cổ vũ nhân dân ta làm nên thắng lợi, mà còn là nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Nói về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục, Người không nói những điều to tát nhưng vô cùng thấm thía: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quan để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em 4. Qua đó, ta thấy Bác Hồ luôn đánh giá cao khả năng cách mạng và cống hiến to lớn của các em thiếu nhi đối với tương lai của dân tộc, tiền đồ của cách mạng. Từ nhận thức sâu sắc này, tương lai của đất nước phụ thuộc vào một trong những nhân tố rất quan trọng - đó là chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Bác từng dặn cha mẹ, các cấp, ngành, đoàn thể, các thầy cô giáo: “dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốtvà “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc 5. Theo Người, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh phải mang tính đồng bộ, nhất là trong nội dung giáo dục, tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Bởi, nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại thì sẽ có những ảnh hưởng và kết quả không tốt. Cho nên, muốn giáo dục các cháu thành người tốt, nhà trường, đoàn thể, gia đình và xã hội phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Nói chuyện với giáo viên cấp 2,3 toàn miền Bắc (9.1958), Người nói: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. 6

Tình yêu thương sâu sắc của Bác đối với thiếu niên nhi đồng Việt Nam vô cùng rộng lớn bởi tình yêu đó xuất phát từ chủ nghĩa nhân đạo cao cả với niềm tin mãnh liệt các cháu sẽ là người tiếp tục sự nghiệp của cha ông, những người trực tiếp xây dựng xã hội tương lai. Tình yêu đó, sự quan tâm đặc biệt đó còn bắt nguồn từ khát vọng cháy bỏng của Người: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"7.         

Khắc ghi lời dạy của Bác về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người. Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ cho thế hệ măng non luôn được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, thực hiện tốt. Điều đó được thể hiện qua những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư hàng đầu cho sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Với sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện nên công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nước ta đã và đang đạt được những kết quả quan trọng, vững chắc.

Trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, được phát huy năng lực, vai trò của mình trong gia đình, xã hội và nhà trường. Nhờ đó, trẻ em Hà Giang có môi trường tương đối an toàn, lành mạnh để phát triển.

Quốc tế thiếu nhi 1.6 đã đến gần, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, Quốc Hội, Chính phủ và chính quyền địa phương, mỗi cấp độ đoàn, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên đã và đang dành sự quan tâm, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và yêu thương thiếu niên, nhi đồng thông qua những việc làm thiết thực, cụ thể, thấm nhuần lời dạy của Bác “Chăm sóc, giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ...” 8.

Những tư tưởng của chăm sóc, giáo dục và bảo vệ thiếu niên nhi đồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa cách mạng, vừa khoa học, vừa hiện đại. Đó là những giá trị lớn lao mà chúng ta cần học tập sâu sắc và vận dụng, quán triệt để làm cho tư tưởng của Người mãi mãi chiếu sáng sự nghiệp giáo dục nói chung và sự nghiệp “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” của Đảng và dân tộc ta.

Đặng Ngọc Mai - Trường Chính trị tỉnh Hà Giang

Chú Thích:

  • (1) Bài hát Ai Yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng - nhạc sỹ Phong Nhã,
  • (2) Hồ Chí Minh: Toàn  tập, Nxb CTQG, H.1996, t.12, tr510,
  • (3) Hồ Chí Minh: Toàn  tập, Nxb CTQG, H.1996, t.10, tr341,
  • (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđ d, t.4, tr.33),
  • (5) Hồ Chí Minh: Toàn tâp, t.8, tr.74.
  • (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđ d, t.9, tr.222,
  • (7) Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T 4, Tr.161-162,
  • (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđ d, t.12, tr.467.

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lục Văn Hạnh mạnh dạn làm V.A.C

BHG - Lục Văn Hạnh (sinh 1986) hiện là Bí thư Chi đoàn thôn Mác Hạ, xã Tân Trịnh (Quang Bình). Không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong công tác đoàn, anh còn là đoàn viên tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp ở địa phương với mô hình vườn – ao – chuồng (V.A.C).

 

30/04/2020
"Phát thanh viên" của bản Cao Bành

BHG - Bằng chất giọng đầm ấm quen thuộc, anh Bàn Văn Nhì (sinh 1977), Trưởng thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) đã chuyển thể những nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc Dao để đọc phát thanh cho bà con dễ hiểu, dễ nhớ; góp sức cùng với địa phương thực hiện hiệu quả công tác PCD theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà".

30/04/2020
Người đưa giống lợn rừng Thái Lan về đất Linh Hồ

BHG - Phong trào "Thanh niên học tập và làm theo gương Bác" phát triển kinh tế được đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Vị Xuyên hưởng ứng tích cực. Với nghị lực quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, anh Phùng Văn Giai, thôn Bản Đông, xã Linh Hồ là một trong những tấm gương tiêu biểu cho tuổi trẻ có chí hướng khởi nghiệp và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

 

30/03/2020
Sôi nổi Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác

BHG - Ngày hội "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng" năm 2020 vừa được Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Giang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với hoạt động thiết thực và tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết của tuổi trẻ, Ngày hội đã góp phần cụ thể hóa các nội dung phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do Trung ương Hội LHTN... 

26/05/2020