Hà Giang

Ngọt ngào hương mật Cao nguyên

08:56, 24/01/2017

Xuân 2017 - Nắng vẫn lung linh trải vàng trên khắp dải biên thùy. Gió cứ ngân nga hát bản tình ca về  mây ngàn gió núi. Có những ngày nào đó, ta bỗng nhớ về, để rồi bứt ra khỏi cuộc sống ồn ào nơi đô thị, ta trở về với sự bình yên trên khoảng trời cao nguyên, màu nắng, màu gió,  hương hoa.

Hoa Bạc hà Cao nguyên đá.
Hoa Bạc hà Cao nguyên đá.

Núi non hùng vĩ, yêu sao màu xanh của đá, của cỏ cây. Tìm đến với những cánh đồng hoa, len lỏi trong sườn núi đong đầy sắc hoa thơ mộng, ta yêu những bông hoa đồng nội mà mỗi mùa, đều có rất nhiều các loài khoe sắc, tạo lên vẻ hấp dẫn lạ kỳ. Như lạc vào miền cổ tích, ta tận hưởng cảnh đẹp tự nhiên của đất trời, tận hưởng  niềm vui bình dị, thân thương đến lạ nơi cao nguyên.

Giữa Thu, xen giữa màu tím hoa sim, giữa hốc đá cằn cỗi, cây Bạc hà vẫn vươn lên những chồi non, để rồi, bật những chùm nụ xinh xinh, hoa nhỏ li ti, tím ngát. Xao xuyến màu hoa tím đẹp như những dải lụa, cứ trải dài dọc đường đi, ven các sườn núi, hoa tím sắc trời biên cương. Ta đi trong vườn hoa, nghe lời thì thầm của gió, thoang thoảng hương hoa Bạc hà. Cả không  gian ôm ấp  lấy con người trong không khí nhè nhẹ êm êm, màu của đá, bờ rào đá, của cổng đá, những ngôi nhà trình tường, mái ngói rêu phong, cho mỗi ai cảm giác bình yên dân dã.

Tan sương, trưa nắng bừng nên bầu trời cao trong xanh. Đâu đó, có những áng mây trắng bồng bềnh, bồng bềnh. Giọt sương đêm tích tụ để sớm nay, những giọt sương li ti, li ti ấy, cứ long lanh sắc nắng trên mỗi chùm hoa Bạc hà. Khác với những loài hoa lộng lẫy kiêu sa, thì những chùm hoa Bạc hà lại mang vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết. Nó giống hệt  nét  đẹp của thiếu nữ vùng cao, mang vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng, nhưng quyến rũ, mê say, như xua đi những khô cằn và khắc nghiệt của miền Cao nguyên đá.

Cũng bởi chính cái thời tiết, địa hình vô cùng khắc nghiệt, đã tạo sức sống tuyệt vời giúp hoa của cây Bạc hà có được nguồn chất liệu làm mê mẩn đàn ong, làm mê hoặc lòng người. Những đàn ong cứ lặng lẽ, cứ âm thầm cần mẫn qua ngày tháng, để rồi ôm trọn tinh túy của đất trời biên ải, chắt lọc ra từng giọt mật quý giá cho đời. Cũng từ hoa Bạc hà góp phần cho ra đời một sản phẩm có từ lâu đời ở Cao nguyên đá - mật ong Bạc hà, sự chắt lọc tinh tuý từ ban tặng của trời, của đất, từ những hạt sương mai, từ nhừng khó nhọc của người dân trên vùng Cao nguyên đá. Đến với cao nguyên, hẳn ai có nhớ những chai mật ong Bạc hà vàng xanh óng ánh, hít hà mùi hương thoang thoảng của mật ong.

Nhiều năm trở lại đây, nuôi ong đã trở thành một trong nghề mạnh phát triển kinh tế vùng cao nguyên. Bởi nếu như trước, mỗi nhà nuôi vài đàn, lấy mật chỉ đủ dùng, giờ đây, “tiếng lành đồn xa”, mật ong Bạc hà đã trở thành “Thương hiệu”, bà con phát triển đàn ong cho thu nhập cao.

Nghề nuôi ong vừa khó nhưng cũng dễ bởi theo quy trình, đảm bảo đúng kỹ thuật, vị trí nơi đặt thùng ong, theo dõi từng đàn ong, phòng trừ bệnh, theo dõi thời tiết, khi sơ ý có thể bị cả đàn bốc đi mất. Thời điểm quay mật cũng phải chọn sao cho vừa thu được nhiều mật, vừa giữ được ong cho năm sau. Thời điểm quay, ấy là khi nụ hoa cái Bạc hà bung ra. Thời tiết cũng phải chọn ngày ấm. Nhớ những ngày quay mật ong, cả xóm, cả đồn biên phòng nhộn nhịp. Mọi người thay nhau quay cho kịp. Mật ong được lấy ra sánh xanh, đầy tràn các can, chai. Mùi mật ong thơm ngậy. Mật ong Bạc hà nguyên chất, không bị pha tạp.

Mùa Xuân đến cũng là lúc hoa Bạc hà chuyển giao cho loài hoa khác, thời tiết ấm dần, những nụ hoa đào, hoa mận,  hoa lê chúm chím trước gió. Mùa Xuân đã đến với những bản làng biên cương. Thấp thoáng dưới những cây đào, những nương Tam giác mạch, những vạt Cải vàng rực rỡ, là sắc váy áo của các thiếu nữ dân tộc hòa màu xanh quân phục của Bộ đội Biên phòng, hòa sắc màu cao nguyên. Lẫn trong những màu hoa cao nguyên ấy, vẫn có những đàn ong cần mẫn thu gom những hương vị cuối cùng của hoa Bạc hà, dự trữ chuẩn bị cho mùa mật sau. Thoảng đâu đây hương hoa Bạc hà, ngọt ngào thay hương mật cao nguyên! 

ĐẶNG PHƯƠNG HOA


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

HTX Tuấn Dũng khẳng định vị thế của mật ong bạc hà Mèo Vạc

BHG - Nói đến mật ong bạc hà, một loại mật nổi tiếng trên Cao nguyên đá ai cũng nghĩ ngay đến mật ong bạc hà Mèo Vạc của hợp tác xã Tuấn Dũng. Những ngày đầu thành lập, HTX Tuấn Dũng chỉ có 70 đàn ong, đến nay số đàn ong của HTX đã tăng lên 2.500 đàn, năm 2015 HTX đã sản xuất được hơn 10.000 lít mật ong bạc hà. Tạo thu nhập ổn định cho 25 thành viên HTX và nhiều lao động thời vụ ở địa phương.

30/11/2016
Có nên đánh đổi thương hiệu vì vài tấn mật bạc hà?

Dù tranh cãi về mặt khoa học, pháp lí giữa tỉnh Hà Giang và những người nuôi ong ngoại chưa ngã ngũ, nhiều chuyên gia, nhà quản lí cho rằng, về lý còn nhiều chỗ chưa rõ, song bên cạnh đó còn có đạo lý nữa. Không thể tham vài tấn mật bạc hà mà đánh đổi cả một thương hiệu quý giá mất bao công sức gây dựng.

19/10/2016
Gian nan xây dựng và bảo vệ thương hiệu Mật ong Bạc hà

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó con ong được chọn làm thế mạnh giúp bà con 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh xóa đói, giảm nghèo. Trên thực tế con ong đã trở thành "cứu cánh" - mang lại miếng cơm, manh áo cho bà con trên vùng Cao nguyên đá với thương hiệu Mật ong Bạc hà! Tuy nhiên, thời gian qua con ong và uy tín thương hiệu Mật ong Bạc hà luôn bị đe dọa – đồng nghĩa với miếng cơm, manh áo của bà con 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh cũng bị... đe dọa.

18/10/2016
Mật ong bạc hà Mèo Vạc: Cần giữ chất lượng theo thương hiệu đăng ký

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện trạng nuôi ong theo chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc của các hộ thuộc 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ và Yên Minh của tỉnh Hà Giang chủ yếu nuôi giống ong nội của địa phương (Apis cerana cerana) với quy mô nhỏ từ 5 – 100 đàn.

17/11/2016