Người đảng viên tận tụy với ước mơ xây dựng quê hương

16:33, 09/03/2023

BHG - Ông Vàng Xín Dư, ở thôn Lò Suối Tủng, xã Tả Ván (Quản Bạ) là một đảng viên lão thành luôn tận tụy với công việc của thôn, xóm. Đồng hành cùng chính quyền địa phương trong triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH, xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với ước mong xây dựng quê hương mình ngày càng “giàu đẹp, văn minh, tiến bộ, hạnh phúc, ấm no”.

Ông Vàng Xín Dư (giữa), người có uy tín ở xã Tả Ván (Quản Bạ) trao đổi công việc với lãnh đạo xã.
Ông Vàng Xín Dư (giữa), người có uy tín ở xã Tả Ván (Quản Bạ) trao đổi công việc với lãnh đạo xã.

Ông Vàng Xín Dư là người dân tộc Mông sinh ra và lớn lên ở xã Tả Ván. Ông Dư sinh năm 1957, đã có 40 năm tuổi Đảng, từng làm cán bộ xã, huyện và tỉnh. Năm 2011 ông được nghỉ hưu nhưng tiếp tục cống hiến sức lực cho công việc của thôn, xã với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn Lò Suối Tủng; năm 2015, được bầu là người có uy tín của xã. Năm 2017, ông được lãnh đạo huyện, xã tìm đến bàn bạc, đề nghị thực hiện Đề án số 06-ĐA/HU của Huyện ủy Quản Bạ về “Nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã Tả Ván năm 2017-2018”, trong đó yêu cầu triển khai tốt việc bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, chống các hủ tục trong việc cưới, việc tang, cụ thể: Phải đưa người chết vào áo quan, không để đám tang kéo dài nhiều ngày. Tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, không ép hôn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không thách cưới dưới mọi hình thức; tích cực tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, ăn ở hợp vệ sinh, phấn đấu 65% hộ gia đình thực hiện.

Ông Dư chia sẻ: “Trong xã có 10 dòng họ dân tộc Mông chung sống, trước đây khi chưa bắt tay vào thực hiện việc đưa người chết vào áo quan thì ai cũng cảm thấy rất khó. Khó khăn đầu tiên là do nhận thức, trình độ dân trí của nhân dân thấp, ngày xưa người ta tương truyền rằng người Mông chết mà cho vào áo quan là thế hệ sau ngu đần nên không ai dám cho vào. Thứ hai là anh em ở xa đến thì không nhìn thấy mặt. Khi đưa đến huyệt phải cắt quần áo, vải vóc theo truyền thuyết có từ ngày xưa”.

Khi có Đề án, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết lãnh, chỉ đạo các chi bộ thôn tổ chức thực hiện. Nghị quyết được triển khai quyết liệt ngay từ đầu, các chi bộ và đảng viên đều đồng tình ủng hộ. Năm 2017, có gia đình đầu tiên thực hiện đưa người chết vào áo quan. Các đồng chí trong chi bộ thôn, lãnh đạo xã đã cùng xuống giúp đỡ, hướng dẫn gia đình tổ chức nghi thức tang ma gọn nhẹ, sạch sẽ. Khi có 1 dòng họ thực hiện trước rồi thì cảm thấy khá dễ, công tác tuyên truyền không còn vất vả nữa, bởi người dân đã trực tiếp nhìn thấy, làm được như vậy vừa đỡ tốn kém, không mất vệ sinh môi trường, có ban tang lễ lo liệu hậu sự cho gia đình. Ông Dư phấn khởi nói: “Vừa rồi có đám tang ở thôn Chúng Chải, tôi đi dự thấy họ làm rất tốt. Có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã tham dự, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cũng đến dự để xem cách làm thế nào, nhân dân làm tốt, ăn uống sạch sẽ”.

Ông Vàng Séo Páo, một đảng viên ở thôn Lò Suối Tủng, chia sẻ: “Thủ tục lạc hậu có từ lâu đời ở vùng biên này rồi, làm được đợt này đối với xã Tả Ván là một cuộc cách mạng, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo quyết liệt nên cán bộ, đảng viên chấp hành tốt, bà con ủng hộ. Trong cả quá trình từ ngày đầu đến giờ không có dòng họ nào chống đối hay không ủng hộ cả. Hiện nay 9 dòng họ khi có người mất đã đưa vào áo quan, những dòng họ còn lại tiếp tục thực hiện theo những dòng họ trước đã làm”.

Để thực hiện việc đưa người chết vào áo quan, xã Tả Ván mở một lớp khèn, mời thầy ở Vị Xuyên đến dạy bài khèn đưa vào áo quan. Ông Dư cho biết thêm: “Xã Tả Ván làm đầu tiên và đi dạy cho một số xã trong huyện. Đầu tiên có một gia đình đảng viên thực hiện trước, một thời gian sau không thấy vấn đề gì xảy ra, mình lấy đó để đi tuyên truyền, cùng là người Mông họ này làm được thì họ khác cũng làm được. Bây giờ không phải đi vận động nữa. Trước đây treo người chết lên trên nhà, chưa mang đi chôn, thối rữa, bà con đến viếng cũng không chịu được, như thế mất vệ sinh, bà con ốm đau nhiều. Nói rõ với bà con là người Kinh, Tày… làm từ lâu rồi, người ta vẫn phát triển. Thời gian làm đám tang không được quá 48 tiếng, ở lâu càng tốn kém, anh em ở lâu phải thịt trâu, bò nhiều, có những đám thịt 40 con lợn. Gia đình đã nghèo rồi lại còn đi vay mượn về rất là khó khăn”. Nhờ mô hình điểm ở xã Tả Ván thực hiện thành công đã góp phần lan tỏa, tạo hiệu ứng cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quản Bạ thực hiện. Đến nay, Quản Bạ là một trong những huyện có nhiều cách làm hay trong việc thực hiện Chỉ thị số 09 - CT/TU của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về bài trừ hủ tục trong đồng bào các dân tộc.

Với vai trò người có uy tín của xã, khi có những việc phức tạp ở thôn, bản thân ông Dư cũng tham gia như việc giải hòa, giải thích chủ trương bằng tiếng Mông. Ông chia sẻ: “Bà con biết ít tiếng phổ thông nên mình phải giải thích chủ trương, nghị quyết bằng tiếng Mông người ta mới hiểu và chấp hành tốt được. Tảo hôn cũng là một tệ nạn trước đây ở xã nhiều. Quá trình đi tuyên truyền, tôi cũng tham gia vận động bà con không cho các cặp chưa đủ tuổi lấy nhau”. Bên cạnh đó, ông Dư còn là tấm gương về việc phát triển kinh tế gia đình, với việc chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... cho thu nhập khá. Với sự miệt mài, cống hiến sức lực của mình cho sự phát triển chung của bản làng, ông Dư luôn là tấm gương sáng để mọi người dân noi theo, góp sức vào xây dựng vùng biên ngày một ấm no, vững chắc.

Bài, ảnh:  LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xứng đáng là “gốc rễ” của Đảng
- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng. Chi bộ tốt thì mọi việc tốt”; “Nhân dân ta rất tốt, nếu chi bộ khéo lãnh đạo và đảng viên hăng hái xung phong làm gương mẫu thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc gì cũng làm tốt”. Do đó, để chi bộ khu dân cư thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, cấp ủy huyện Bắc Quang đặc biệt quan tâm việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để hình thành nên những chi bộ trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “gốc rễ” của Đảng trong quần chúng.
31/01/2023
Kế hoạch tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) của Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ II - năm 2023
LTS: Ngày 12.1.2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 329-KH/TU về việc tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) của Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ II - năm 2023, cụ thể như sau:
31/01/2023
Đảng mạnh, dân tin
 - Năm 2022 vừa đi qua với không ít khó khăn, thách thức. Dưới ngọn cờ của Đảng quang vinh, nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì đoàn kết một lòng, tạo được nhiều dấu ấn trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, những quan điểm, bài học về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã được BTV, BCH Đảng bộ huyện triển khai một cách linh hoạt, sáng tạo, góp phần xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu mới và sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân.
30/01/2023
Đảng cho những mùa Xuân no ấm
  - Một mùa Xuân mới đang về trên địa đầu Tổ quốc, mang đến không khí vui tươi, phấn khởi, rộn ràng. Huyện vùng cao Đồng Văn như khoác lên mình chiếc áo mới, được dệt từ những thành tích đáng tự hào của tập thể Đảng bộ huyện đã nỗ lực trong suốt năm qua. Đảng được thành lập vào mùa Xuân, Đảng cũng mang đến bao mùa Xuân tươi vui, ấm áp, hòa bình cho nhân dân, cho đất nước.
25/01/2023