Khởi nghiệp sau khi xuất ngũ

13:47, 04/01/2022

BHG - Tận dụng lợi thế về đất đai và sự quyết tâm của sức trẻ, thanh niên Đặng Văn Vẹt, sinh năm 2000, thôn Lùng Áng, xã Phú Linh (Vị Xuyên) đã lựa chọn mô hình chăn nuôi kết hợp với phát triển vườn rừng để khởi nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. 

Anh Đặng Văn Vẹt chăm sóc vườn Thanh long.                        Ảnh: VĂN LONG
Anh Đặng Văn Vẹt chăm sóc vườn Thanh long. Ảnh: VĂN LONG

Năm 2019, Đặng Văn Vẹt trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và huấn luyện ở Trung đoàn 877, Bộ CHQS tỉnh. Sau đó, trở thành chiến sĩ rà phá bom, mìn khu vực biên giới xã Thanh Thủy. Sau khi xuất ngũ, anh được Bộ CHQS khen thưởng với nhiều thành tích trong quá trình thực hiện nghĩa vụ. Trở về địa phương với hành trang là nguồn kinh phí trợ cấp và những phẩm chất tốt đẹp được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, đã nung nấu chí hướng phát triển chăn nuôi hàng hóa và trồng rừng của chàng trai trẻ. Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan 1 vòng vùng đất mà anh bắt đầu khởi nghiệp, anh Vẹt chia sẻ: Khu vực xây lán trại này trước đây hoang sơ, chưa được quy hoạch. Tôi nghĩ, nếu để nguyên như thế thì lãng phí quá, không mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, tôi quyết tâm cải tạo vùng đất này. Sau khi tham khảo ở nhiều nơi, tôi quyết định phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rừng để phát triển kinh tế. Từ suy nghĩ đến hành động, ban đầu anh dùng số tiền hiện có để mua xe máy dùng làm phương tiện đi lại. Cùng với nguồn vốn của gia đình dồn lực để xây dựng lán trại, chuồng trại chăn nuôi. Với bản tính ham học hỏi, thích tìm tòi, thường xuyên tham khảo những tài liệu trên mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng nhằm tích lũy kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, tìm hướng đi cho riêng mình.

Vẹt tâm sự: Ngay từ khi trong quân ngũ, tôi đã nảy sinh ý tưởng phát triển kinh tế gia đình và được sự động viên của cán bộ, chiến sỹ cùng đơn vị. Việc được trau dồi bản lĩnh trong những năm tháng quân đội càng làm tôi quyết tâm biến mảnh đất hoang sơ, khô cằn thành mô hình chăn nuôi tổng hợp ở thôn Lùng Áng. Những kiến thức trong chăn nuôi tôi đều phải tự học, tự tìm hiểu. Từ nguồn kinh phí có được, anh thực hiện quy hoạch các khu vực rõ ràng, cụ thể bao gồm: Khu vực nuôi gà, 5 ô chuồng nuôi lợn, khu vực trồng rau an toàn và khu vực trồng cây Thanh long. Hệ thống đường đi, ao nuôi cá cũng được san ủi, sửa chữa hoàn thiện.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các cấp, chính quyền anh được tiếp cận nguồn vốn vay theo chương trình cải tạo vườn tạp, anh bắt đầu mua giống lợn đen, giống gà chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đến nay, đàn lợn đen đã xuất bán và cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Số lượng 500 con gà đang phát triển tốt. Anh Vẹt cho biết: Tôi lựa chọn giống gà Lạc Thủy (Hòa Bình) bởi giống gà này dễ nuôi, nuôi hoàn toàn tự nhiên nên dễ thu hút thị trường hơn. Mặt khác, tôi liên kết với nhà cung cấp giống trong việc thu mua gà thương phẩm nên cũng đã yên tâm cho đầu ra. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Ngoài ra, anh còn trồng 3 ha cây keo và quế, tất cả đều đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn nhiều tín hiệu tích cực trong tương lai.

Chia sẻ về sự vượt khó của thanh niên khởi nghiệp, Chủ tịch UBND xã Phú Linh Nguyễn Văn Chuyên cho biết: Đặng Văn Vẹt là thanh niên dám nghĩ, dám làm, chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, là tấm gương vượt khó sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Để khuyến khích nhiều công dân yên tâm thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, hàng năm xã luôn có cơ chế hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên, đặc biệt quan tâm đến đời sống các thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, như: Tặng quà, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề… Nhờ thế, đã khích lệ được công dân đến tuổi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tạo điều kiện tốt nhất để các thanh niên xuất ngũ phát triển triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. 

VĂN LONG


Cùng chuyên mục

"Vườn dưa 4.0" ở Hà Giang, ý tưởng đoạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên

BHG - Hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo là một trong những yêu cầu cấp thiết để hòa vào dòng chảy phát triển kinh tế của đất nước. Bài toán về năng suất, chất lượng, cũng như tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản sẽ tìm ra lời giải từ việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN, chuyển đổi số, năng động nắm bắt thị trường. Người tiên phong cho ý tưởng khởi nghiệp ứng dụng KHCN, đổi mới, sáng tạo ở Hà Giang là anh Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc HTX Hợp tác xã Thanh niên Phương Tiến, thôn Nà Thài, xã Phương Tiến (Vị Xuyên).

28/12/2021
KH&CN là người bạn đồng hành giúp thanh niên đổi mới, sáng tạo trong khởi nghiệp

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định một trong những nhiệm vụ đột phá trọng tâm phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 là việc phát triển kinh tế số, xã hội số, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển đất nước. Thanh niên là một trong những lực lượng quan trọng, đi đầu ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), chuyển đổi số, với khát vọng lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

26/11/2021
Chung kết cuộc thi Ý tưởng thanh niên khởi nghiệp năm 2021

BHG - Ngày 26.11, Tỉnh đoàn tổ chức trực tuyến vòng Chung kết cuộc thi Ý tưởng thanh niên khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên của tỉnh năm 2021.  Sau một thời gian triển khai, trải qua các vòng thi của cuộc thi Ý tưởng thanh niên khởi nghiệp có 10 ý tưởng xuất sắc, đại diện cho tinh thần khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh lọt vào vòng chung kết. 

26/11/2021
Lý Hồng Thu nắm bắt xu thế để làm giàu

BHG - Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) là điểm du lịch cộng đồng nổi bật của huyện, bởi đây là điểm dừng chân quen thuộc đối với du khách trong vài năm trở lại đây. Cùng với đó, du khách đến đây còn được hòa mình vào những phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Dao bản địa. Người góp phần làm khởi sắc tiềm năng du lịch của bản làng nằm ở Cao nguyên đá Đồng Văn này chính là chị Lý Hồng Thu. 

22/12/2021