Thanh niên người Dao lập nghiệp trên bản cao Minh Tiến

16:10, 05/09/2021

BHG - Sau gần 3 năm kiên trì bám trụ mảnh đất quê hương để lập nghiệp từ mô hình chăn nuôi và trồng trọt, thanh niên người Dao Phàn Văn Thắng (sinh 1996), thôn Minh Tiến, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) dần có cuộc sống ổn định, kinh tế vững vàng. Nghị lực của Thắng trở thành nguồn cảm hứng, khích lệ các bạn trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

Nuôi chim Bồ câu ta là hướng đi chính trong phát triển kinh tế của thanh niên Phàn Văn Thắng.
Nuôi chim Bồ câu ta là hướng đi chính trong phát triển kinh tế của thanh niên Phàn Văn Thắng.

Bao năm qua, gia đình Phàn Văn Thắng cũng khó khăn như bà con thôn nghèo Minh Tiến. Đây là một trong những thôn vùng 3, nằm xa nhất trung tâm xã Thuận Hòa, chỉ có người Dao, Mông sinh sống, thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào cấy lúa, trồng ngô và chăn nuôi gia súc. 

Thấy cái nghèo và cuộc sống vất vả, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh, Thắng đã quyết định khởi nghiệp, tận dụng đất đai của gia đình để làm kinh tế. Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, Thắng rất thích mô hình nuôi chim Bồ câu ta vì chi phí đầu tư không quá cao trong điều kiện đồng vốn hạn hẹp, tự thiết kế được chuồng nuôi mà không cần thuê thợ. Do vậy, em đã mua 50 đôi chim Bồ câu ta về nuôi thử nghiệm. Từ năm 2019 đến nay, đàn chim phát triển và duy trì đều với số lượng 400 con. Mỗi đôi bán ra thị trường được 110.000 đồng, thu lãi 5 triệu đồng/tháng.

Nhờ số tiền tiết kiệm được từ nuôi chim Bồ câu, Thắng tiếp tục cải tạo mảnh đất đồi khô cằn, trồng 200 cây ổi và chanh Tứ mùa. Dưới tán cây trồng xen kẽ gừng, đậu, rau lang vừa để tạo độ tơi xốp, màu mỡ cho đất, vừa tạo ra sản phẩm phục vụ gia đình. Cùng với đó, em mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi lợn đen sinh sản, thương phẩm với tổng đàn 20 con. Dưới bàn tay cần mẫn của đôi vợ chồng trẻ, các loại cây trồng đã cho những “trái ngọt đầu mùa”, vật nuôi ngày càng tăng đàn và được xuất bán liên tục. Thông qua mô hình kinh tế tổng hợp, biết “lấy ngắn, nuôi dài” đã đem lại cho gia đình Thắng nguồn thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm. 

Qua lời chia sẻ, Thắng cho biết: “Hiện tại, việc nuôi chim Bồ câu và lợn nái sinh sản là hướng đi phù hợp nhất, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, quá trình chăn nuôi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro do dịch bệnh gây ra. Vì vậy, em luôn chú trọng đến công tác phòng bệnh, theo dõi sát tình hình sức khỏe vật nuôi. So với nuôi lợn, nuôi chim Bồ câu đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ, nuôi nhốt mỗi ô chuồng là một đôi chim sinh sản, chuồng có đủ ánh sáng, độ cao vừa phải để tránh chuột, rắn. Thông thường, chim Bồ câu đẻ 10 - 12 lứa/năm; thời gian ấp trứng khoảng 18 ngày và nuôi tầm 1 tháng là có thể xuất bán. Chim Bồ câu ăn buổi sáng, tối, thức ăn là ngô nên chất lượng thịt thơm, ngon, thị trường ưa chuộng”. 

Không chấp nhận cuộc sống nghèo khổ, Phàn Văn Thắng là một trong số ít những thanh niên của xã Thuận Hòa từng bước thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, làm giàu cho chính mình. Muốn làm được điều đó, Thắng cho rằng bản thân phải tự tin, luôn tìm tòi, học hỏi từ những người đi trước để rút kinh nghiệm. Thời gian tới, em ấp ủ dự định nhân rộng các mô hình chăn nuôi có tiềm năng, thế mạnh, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn hơn, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo tại địa phương.

Bài, ảnh:  MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khởi nghiệp với nghề chăm sóc thú cưng ở Hà Giang

BHG - Bác sĩ thú y không phải là một nghề mới, tuy nhiên tại Hà Giang vẫn còn rất ít người theo đuổi nghề này. Nhìn nhận được những tiềm năng còn bỏ ngỏ, chị Phùng Thị Hảo – chủ phòng khám Thú y Hà Giang (Tổ 8, phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang) là một trong những người tiên phong đưa dịch vụ thú y trở nên phổ biến hơn tới người dân ở Hà Giang.

31/03/2021
Triệu Quang Vinh khởi nghiệp từ chế biến chè hữu cơ

BHG - Năm 2008, hồ thủy điện Nặm An, xã Tân Thành (Bắc Quang) dâng nước, gần 20 ha đất trồng lúa của thôn Nặm An nằm dưới lòng hồ. Diện tích đất lúa của thôn bị thu hẹp, anh Triệu Quang Vinh, dân tộc Dao, người con của quê hương Nặm An luôn trăn trở tìm hướng đi mới để thoát nghèo.

20/01/2021
Hoàng Minh Dương với mô hình nuôi Ba Ba

BHG - Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện Xín Mần phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình do đoàn viên, thanh niên làm chủ đã mang lại hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống. Điển hình như mô hình nuôi Ba Ba của đoàn viên Hoàng Minh Dương (sinh năm 1997), thôn Nậm Sái, xã Nà Chì (Xín Mần) đã trở thành tấm gương điển hình "dám nghĩ, dám làm", làm giàu trên quê hương.

19/07/2021
Vương Quốc Hiếu với khát vọng làm giàu trên nương rau
BHG - Thời gian qua, "luồng gió" khởi nghiệp trên địa bàn huyện Quản Bạ đã và đang lan tỏa mạnh mẽ; đây cũng là hướng phát triển sinh kế dành cho thanh niên có sức trẻ, ý chí vươn lên làm giàu. Trong đó, có thể kể đến niềm khao khát, ý chí quyết tâm và khát vọng làm giàu trên chính nương ngô, mảnh ruộng nơi vùng quê của thanh niên Vương Quốc Hiếu, thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến. 
18/02/2021