Thành công từ trồng hoa Hồng và dâu Tây

19:11, 24/03/2020

BHG - Với tinh thần xung kích, sáng tạo, nhiều đoàn viên, thanh niên đã phát huy vai trò sức trẻ, mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đa dạng, đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình; góp phần chung tay xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. Trong đó, mô hình trồng hoa Hồng và dâu Tây sạch ứng dụng công nghệ cao của vợ chồng anh Triệu Văn Hiệp và chị Đỗ Thị Liễu ở thị trấn Vị Xuyên là một tấm gương như vậy.

Anh Triệu Văn Hiệp chăm sóc vườn dâu Tây của gia đình.
Anh Triệu Văn Hiệp chăm sóc vườn dâu Tây của gia đình.

Hiện nay, nhu cầu chơi hoa của người dân ngày càng nhiều, đặc biệt là các loại hoa Hồng. Nhận thấy thị trường đầy tiềm năng của loại hoa này, năm 2015, vợ chồng anh Hiệp, chị Liễu tận dụng bãi đất trống của gia đình khởi nghiệp trồng các loại hoa, cây cảnh phục vụ người tiêu dùng. Sau một thời gian chăm sóc, các loại cây trồng này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, anh chị mở rộng  thêm 5.000 m2 đất để trồng hoa Hồng, dâu Tây và nho Đen.

Trên diện tích gần 3.000m2, anh chị nhập hơn 100 cây Hồng cổ và Hồng ngoại từ các cơ sở, nhà vườn có uy tín; sau đó tự nhân giống trên diện tích sẵn có. Hiện nay, vườn Hồng của anh chị có khoảng 2.500 gốc. Nhờ được chăm sóc bằng các biện pháp sinh học hữu cơ, với hệ thống tưới nước phun sương tự động, nên các loại hoa Hồng phát triển rất tốt. Mặt khác, do chủ động được nguồn giống nên nguy cơ rủi ro thấp. Bình quân mỗi năm, gia đình xuất bán khoảng 4 nghìn cây hoa Hồng các loại. Bên cạnh đó, anh chị còn tận dụng các sản phẩm từ hoa Hồng để chiết xuất, tạo ra các sản phẩm sạch như: Trà hoa Hồng, nước hoa Hồng, bột đắp mặt hoa Hồng nguyên chất giúp cải thiện sức khỏe cũng như làm đẹp cho người tiêu dùng.

Song song với trồng hoa Hồng, anh chị đầu tư 500m2 đất để trồng dâu Tây trong nhà lưới với hệ thống tưới tự động, hoàn toàn sử dụng các loại thuốc sinh học và phân bón hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng. Nhờ áp dụng đúng kĩ thuật trồng và chăm sóc, vườn dâu Tây của gia đình phát triển tốt, sau 3 tháng đã cho thu những trái ngọt. Vì trồng dâu Tây theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu nên vườn dâu thu đến đâu bán hết đến đó. Với 4.000 cây dâu Tây, mỗi năm thu khoảng 5 tạ quả, giá bán trung bình 250.000 đồng/1kg, trừ chi phí cho doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, anh chị còn trồng thử nghiệm 120 gốc nho Đen không hạt, hiện nay đang sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu sai quả. Ngoài ra, với ý tưởng kết hợp nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái, anh chị đã xây dựng khuôn viên riêng để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm vườn Hồng và hái dâu Tây. Mô hình đã thu hút đông đảo khách và mang lại doanh thu cao.

Tại vòng Chung kết Cuộc thi khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Hà Giang năm 2020, do BTV Tỉnh đoàn phối hợp với Ban điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh tổ chức vừa qua, Dự án “Trồng hoa Hồng và dâu Tây sạch” của anh chị đã xuất sắc vượt qua 225 bài dự thi của các nhóm khởi nghiệp có cùng sở thích giành giải cao nhất, được Ban tổ chức lựa chọn để ký hợp đồng tài trợ với số tiền 100 triệu đồng.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh chị cho biết: Chúng tôi sẽ mở rộng thêm 1.000 m2 diện tích trồng dâu Tây, tự nhân giống để cung cấp ra thị trường; nhân giống các loại hoa Hồng, ổn định về số lượng và giá cả, vừa bán buôn vừa bán lẻ; đầu tư công nghệ tiên tiến hơn trong việc sản xuất các sản phẩm từ hoa Hồng hữu cơ; nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ hoa Hồng như: Dầu gội hoa Hồng, Nước rửa chén hoa Hồng…

Nhờ sự đam mê học hỏi, cùng với sự năng động và ý chí lập nghiệp, anh Triệu Văn Hiệp và chị Đỗ Thị Liễu đã khởi nghiệp thành công với mô hình ứng dụng công nghệ cao. Không những thế, còn tạo việc làm ổn định cho từ 3 - 4 lao động địa phương. Hiện nay, trừ chi phí mô hình trồng hoa Hồng và dâu Tây sạch đã mang lại cho anh chị lợi nhuận trên 250 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: THANH THỦY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nguyễn Văn Khuy làm giàu từ dịch vụ homestay

BHG -  Với thân hình nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, hoạt bát và dễ gần là những hình ảnh ấn tượng khi mới gặp anh Nguyễn Văn Khuy (sinh 1995), thôn Cốc Pảng, xã Du Già (Yên Minh); chủ cơ sở lưu trú Du Già homestay.  Anh Khuy đã chọn kinh doanh dịch vụ homestay để khởi nghiệp, nhằm truyền cảm hứng về không gian văn hóa dân tộc và quảng bá du lịch trên mảnh đất quê hương và gây dựng kinh tế gia đình.

 

28/02/2020
Thoát nghèo nhờ nuôi lợn giống bản địa

BHG - Từ hai bàn tay trắng, bằng nghị lực và ý chí vươn lên, anh Phàn Văn Giang (sinh 1990) dân tộc Dao, thôn Thâm Quảng, xã Đường Âm (Bắc Mê) đã trở thành chủ mô hình nuôi lợn cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, từ khi lấy vợ, sinh con; cuộc sống của gia đình anh Giang chỉ trông vào diện tích ruộng, nương ít ỏi nên gặp rất nhiều thiếu thốn. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo...

25/12/2019
"Chỗ dựa" cho phụ nữ Quản Bạ tự tin khởi nghiệp

BHG - Thực hiện cuộc vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Quản Bạ có nhiều đổi mới trong tuyên truyền, vận động, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của hội viên. Giúp chị em tự tin, phát huy được khả năng, cơ hội, thế mạnh và vai trò làm chủ của mình. Từ đó, xây dựng được nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập gia đình. 

 

25/11/2019
Hội tụ tinh hoa Start-up miền cực Bắc

Xuân 2020 - Một doanh nhân từng nói: Khởi nghiệp (Start-up) không chỉ là câu chuyện tương lai mà phải bắt nguồn từ những hành động thiết thực ngay ở thời điểm hiện tại. Khởi nghiệp không bắt nguồn từ những gì to lớn mà cần thiết phải bắt nguồn từ sự đam mê, sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ… Triết lý ấy cũng là điều tâm huyết của biết bao đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) nơi địa đầu Tổ quốc trên bước đường kiến tạo tương lai.

 

24/01/2020