Hà Giang

Nguyễn Thành Luân khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi tổng hợp theo hướng an toàn sinh học

08:29, 13/09/2018

BHG - Là cán bộ Văn phòng HĐND – UBND thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì), Nguyễn Thành Luân (sinh 1988) không chỉ nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao, anh còn mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi tổng hợp và trở thành điển hình trong phát triển kinh tế để đoàn viên, thanh niên trên địa bàn học tập.

Mô hình chăn nuôi lợn rừng của gia đình Nguyễn Thành Luân.
Mô hình chăn nuôi lợn rừng của gia đình Nguyễn Thành Luân.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông - lâm Thái Nguyên, Nguyễn Thành Luân vinh dự trở thành đội viên Dự án 600 trí thức trẻ của Bộ Nội vụ được phân công về làm Phó Chủ tịch (PCT) xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì). Sau hơn 5 năm công tác với cương vị PCT xã, Luân đã đem những kiến thức được học vận dụng vào thực tế của địa phương; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã nhiều cách làm sáng tạo trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo. Sau khi Dự án kết thúc, Luân được tổ chức phân công đảm nhiệm vị trí cán bộ Văn phòng HĐND – UBND thị trấn Vinh Quang từ đầu năm 2018.

Trong quá trình công tác tại xã Ngàm Đăng Vài, Luân đã dày công nghiên cứu về cách chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhằm đưa đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh những thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nghĩ là làm, tháng 1.2017, Luân thuê đất tại thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang và tiến hành xây dựng chuồng trại chăn nuôi giống lợn rừng và lợn đen địa phương theo hướng đảm bảo “3 sạch”: Chuồng nuôi sạch, ăn, uống sạch, con giống sạch. Khu chuồng trại được Luân xây dựng quy củ, gồm 2 dãy với 20 ô chuồng; trong đó, có 3 khu chuyên nuôi lợn thịt. Giống lợn rừng được Luân nhập từ trang trại giống gia súc ở Đoan Hùng (Phú Thọ) và cho lai với giống lợn đen địa phương. Thức ăn cho lợn hoàn toàn là các phụ phẩm nông nghiệp như: Thân chuối, rau lang, ngô, sắn… Hiện, trang trại của Luân chủ yếu bán lợn giống và lợn thịt có trọng lượng trên dưới 30 kg với quy mô từ 150 – 200 con/lứa. Ngoài ra, Luân còn nuôi gà thịt theo hình thức thả đồi, với quy mô gần 1.000 con. Cuối năm 2017, Luân xuất bán lứa lợn thịt đầu tiên, đem lại nguồn thu gần 100 triệu đồng và bán trên 700 con gà thịt, cho thu nhập gần 30 triệu đồng.

Luân chia sẻ: “Thức ăn của lợn rừng chỉ có 30% là tinh bột, còn lại chủ yếu là rau, thân chuối; vì vậy, chất lượng thịt rất thơm, ngon. Nhiều tư thương đến tận trang trại để mua với mức giá là 120 nghìn đồng/kg và mỗi lứa lợn đều được thương lái mua hết. Chủ các nhà hàng tại một số tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… cũng đã liên hệ với tôi để đặt mua lợn, gà thịt. Tôi cũng liên kết với một số thành viên trong Câu lạc bộ Chăn nuôi gia trại, trang trại của huyện tiến hành xây dựng chuỗi thực phẩm sạch gắn với liên kết đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tôi còn tích cực tuyên truyền tới các thành viên trong câu lạc bộ và các hộ chăn nuôi trên địa bàn đầu tư cải tạo chuồng trại, áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, để hướng tới cung ứng những sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng…”.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG    


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khởi nghiệp từ Mô hình Dịch vụ du lịch ở Xín Mần

BHG - Khởi nghiệp không bao giờ muộn với những ai có ý chí, quyết tâm mong muốn thay đổi cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế cho quê hương và xã hội - điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của chị Phạm Thị Cúc. Chị Phạm Thị Cúc, sinh năm 1984, tại huyện Bắc Quang. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại Thái Nguyên, chị trở về quê bươn trải nhiều nghề, nhưng thu nhập không đảm bảo. Năm 2010, chị quyết định lên Xín Mần lập nghiệp...

30/08/2018
Người đoàn viên dám nghĩ, dám làm

BHG - Đến thôn Lùng Càng, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên gặp Hoàng Xuân Tình, chàng thanh niên trẻ, người Tày sinh (năm 1992) luôn trăn trở nghĩ cách làm giàu trên mảnh đất quê hương mình; từ lâu được bà con trong thôn đánh giá là người năng nổ, cần cù, biết tìm hướng đi để làm kinh tế.Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Hoàng Xuân Tình luôn ý thức được những khó khăn, vất vả mà bố mẹ mình đã trải qua. Học hết phổ thông,  Hoàng Xuân Tình nhường cho em gái có thêm điều kiện để học lên cao hơn… 

28/06/2018
Chàng trai người Tày khát khao đưa văn hóa Hà Giang đến mọi miền Tổ quốc

BHG - Cuộc trò chuyện với chàng trai người Tày và nghe anh kể về những khát khao mãnh liệt, muốn đưa văn hóa Hà Giang đến mọi miền Tổ quốc; những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê làm du lịch đã làm tôi khâm phục biết bao. Đó là Phan Quốc Bảo, sinh năm 1993 ở thôn Nà Tậu, xã Hữu Vinh (Yên Minh). Từ nhỏ, chứng kiến cuộc sống khó khăn của đồng bào đã nuôi dưỡng tình yêu với quê hương và khiến khát vọng, nghị lực của Bảo lớn như những dãy núi đá trên Cao nguyên đá gian khó...

28/06/2018
Chung kết cuộc thi ý tưởng Thanh niên khởi nghiệp năm 2018

BHG - Vừa qua tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tổ 8, phường Quang Trung TPHG, UBND tỉnh đã tổ chức Chung kết cuộc thi Thanh niên khởi nghiệp năm 2018. Dự có các đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hội đồng thẩm định; lãnh đạo Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF); lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; các sở, ban, ngành, các đồng chí trong Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể tỉnh cùng lãnh đạo UBND các huyện, thành phố…

28/06/2018