Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên Bắc Quang

08:11, 17/05/2018

BHG - Lực lượng thanh niên là “cánh tay phải” của Đảng. Tại Bắc Quang, “cánh tay” đó đã và đang vững vàng, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã truyền cảm hứng mãnh liệt trong thế hệ trẻ. Và những ước mơ, khát vọng đó đã, đang được sự ủng hộ, tiếp sức mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền nhân dân vùng quê giàu truyền thống cách mạng Bắc Quang.

Nhiều thanh niên xã Vĩnh Hảo làm việc trong cơ sở may xuất khẩu của  anh Nguyễn Văn Cường có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều thanh niên xã Vĩnh Hảo làm việc trong cơ sở may xuất khẩu của anh Nguyễn Văn Cường có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Việt Cường, 35 tuổi, thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành say xưa kể với tôi chuyện làm ăn. Hiện tại, Cường đang có trong tay một trang trại khép kín với 3 nghìn cây cam Sành, 2.500 cây đã cho thu hoạch, mỗi năm thu khoảng 50 tấn quả bán. Ngoài ra còn dãy chuồng trại mới xây, dự kiến nuôi 30 – 50 con bò; hệ thống bể thu góp chất thải nuôi giun Quế phục vụ chăn nuôi gia cầm, số chất thải sau nuôi giun dùng bón cây trồng trong vườn. Vừa qua, anh mạnh dạn mở xưởng, mua sắm máy làm nước cam ép và chưng cất tinh dầu cam, nấu rượu khoai Lang. Qua sự giới thiệu của lãnh đạo huyện Bắc Quang, Cường đã được Tổ chức PAM (Hà Lan) nhận lời giúp đỡ khởi nghiệp và tiếp cận công nghệ, thị trường... Mới đây, Cường đã xây dựng Đề án hỗ trợ người dân Khuổi Niếng tận dụng diện tích đất ruộng trồng khoai Lang và cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng phục vụ chế biến rượu, sấy khô nhằm nâng cao giá trị.

Dây chuyền chưng cất tinh dầu và máy ép nước cam của anh Nguyễn Việt Cường đã kích thích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Dây chuyền chưng cất tinh dầu và máy ép nước cam của anh Nguyễn Việt Cường đã kích thích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Cường cho biết, chiếc máy ép nước cam có công suất 2 nghìn kg/ngày sẽ tận dụng toàn bộ lượng cam bị loại, nước cam dùng để uống, vỏ cam chưng cất tinh dầu, bã sau trưng cất sẽ xử lý ủ men vi sinh làm phân bón. Tới đây, Cường dự định sẽ nâng công suất, quy mô sản xuất, mở rộng thị trường để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm… Được biết, mô hình của Cường đã được huyện Bắc Quang chọn làm điểm, đại diện mục tiêu xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm đặc sắc”.

Mô hình may xuất khẩu của anh Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX may Cường Thuận, xã Vĩnh Hảo lại mở ra hướng đi mới ở làng quê thuần nông. Cơ sở của Cường hiện đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, mới đây, tại Hội chợ việc làm của tỉnh, anh đã nhận thêm gần 150 hồ sơ của thanh niên xin làm việc tại cơ sở may. Trong tháng này, anh sẽ tiếp nhận, đào tạo nghề miễn phí cho những bạn trẻ.

Được biết, Cường đang triển khai mở thêm xưởng may cho người lao động tại xã Vĩnh Phúc thông qua Hội Phụ nữ xã. Trong đó, Hội Phụ nữ đứng ra vận động, bảo lãnh cho chị em, còn lại, toàn bộ máy móc, nguyên vật liệu, mẫu thiết kế sản phẩm đều do Cường cung cấp và bao tiêu sản phẩm. Những lao động có tay nghề, gắn bó sẽ được ký hợp đồng, đóng bảo hiểm.

Về vùng đất phía Đông sông Lô, tôi rất ấn tượng với mô hình khởi nghiệp của thanh niên Mai Thị Nghiêm. HTX của Nghiêm vừa sản xuất cây giống lâm nghiệp phục vụ phát triển kinh tế rừng, vừa sản xuất cá giống, lợn giống cung cấp cho người dân các xã thuộc Tiểu khu Trọng Con… và đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 thanh niên địa phương. Nghiêm dự kiến sản xuất và cung cấp toàn bộ giống cây, con, kèm theo các dịch vụ khoa học, kỹ thuận cho từng gia đình, nhất là các bạn trẻ. Việc làm của Nghiêm đã tạo thành “ngọn lửa” hun đúc ý chí tự lực, tự chủ trong mỗi đoàn viên, thanh niên vùng Tiểu khu Trọng Con.

Cách không xa trung tâm đô thị Việt Quang, cơ sở dệt thổ cẩm, làm giấy Bản, nghề làm thuốc Nam cổ truyền dân tộc Dao của thanh niên Lý Thị Ngọc, thôn Thanh Sơn lại mở ra hướng đi riêng. HTX của Ngọc có 7 thành viên góp vốn và vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên, bà con thôn Thanh Sơn tham gia trồng rừng, trồng xen cây thuốc và khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Được biết, Thường trực Huyện uỷ Bắc Quang rất quan tâm đến hướng đi vừa gìn giữ, vừa phát huy bản sắc độc đáo, cùng với cách làm hiệu quả của Ngọc.

Bí thư Huyện Đoàn Bắc Quang Nguyễn Bá Tuấn khẳng định, lực lượng thanh niên trên địa bàn huyện đang dẫn đầu phong trào khởi nghiệp. Với ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, họ đang miệt mai đóng góp công sức làm giàu cho bản thân và góp phần xây dựng quê hương.

Nguyễn Mạnh Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khởi nghiệp từ nguồn vốn vay Agribank

BHG - Từ tháng 9.2016, nhờ nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh huyện Yên Minh theo chính sách ưu đãi của Nghị quyết số 209  HĐND tỉnh; chàng thanh niên Lục Văn Truân ở thị trấn Yên Minh (Yên Minh) đã phát triển mô hình khởi nghiệp nuôi ong, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

26/02/2018
Chàng trai người Dao làm giàu từ cây chè

BHG - Về xã Quảng Nguyên (Xín Mần) tìm hiểu cây chè, tôi được khuyên đến gặp anh Lý Chàn Quên, thôn Quảng Hạ, người làm giàu thành công từ sản phẩm chè địa phương. Đến xưởng, lúc công nhân đang phơi, sấy mẻ chè đen sau 2 ngày mưa gió, nhìn quy mô nhà xưởng rộng rãi, cửa hàng tạp hóa khang trang, tôi càng cảm phục nghị lực của chàng trai người Dao đã gây dựng cơ ngơi từ hai bàn tay, khối óc dám nghĩ, dám làm. Rót xong chén chè xanh mời khách, Lý Chàn Quên kể về quãng thời gian gây dựng cơ ngơi. "Nhà mình trước ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), năm 2008 mới chuyển lên đây kiếm sống"...

24/04/2018
Đoàn Tuấn Anh khởi nghiệp với Mô hình trồng rau an toàn

BHG - Trồng rau sạch trong nhà lưới theo phương pháp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng là ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên Đoàn Tuấn Anh, thôn Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên). Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và bản tính cần cù, chịu khó, anh đã cung cấp cho thị trường mỗi ngày hàng chục kg rau sạch, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới.

 

23/03/2018
Những đảng viên tiên phong khởi nghiệp ở Bắc Quang

BHG - Vào trung tuần tháng 3, theo chân cán bộ Huyện đoàn Bắc Quang, chúng tôi được "mục sở thị" nhiều mô hình phát triển kinh tế của các đảng viên. Những ngày này, tại Hợp tác xã (HTX) Thanh niên sản xuất hoa và rau an toàn thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh, những luống hoa cúc cuối cùng đang được thu hoạch để nhường đất cho việc gieo trồng các loại rau, củ mới. Xuất phát từ ý tưởng đưa cây hoa ly, đào và các sản phẩm nông nghiệp sạch vào sản xuất trong nhà lưới để cung cấp cho thị trường Hà Giang, phương án sản xuất kinh doanh của HTX đã được huyện Bắc Quang chọn là một trong những phương án điểm để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Thông qua cơ chế cho vay đầu tư có thu hồi của huyện, HTX được tiếp cận nguồn vốn vay 250 triệu đồng không lãi suất  trong thời gian 3 năm từ Quỹ thanh niên khởi nghiệp của huyện để đầu tư sản xuất kinh doanh...

 

21/03/2018