Thanh niên Hoàng Su Phì lập thân, lập nghiệp

09:16, 18/03/2017

BHG- Những năm qua, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” của tuổi trẻ huyện Hoàng Su Phì đã và đang giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện học tập, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH tại địa phương.

Mô hình nuôi lợn thịt của anh Phan Văn Quyết, xã Nậm Dịch cho thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi lợn thịt của anh Phan Văn Quyết, xã Nậm Dịch cho thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Huyện đoàn Hoàng Su Phì hiện có 41 cơ sở Đoàn với tổng số trên 7.600 ĐVTN. Xác định công tác phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho ĐVTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; các cơ sở Đoàn đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ nhằm hỗ trợ ĐVTN trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Với phương châm trao “cần câu”, các cấp bộ Đoàn trong huyện đã tín chấp với Ngân hàng CSXH để tạo nguồn vốn uỷ thác ưu đãi giúp ĐVTN vay vốn và giải quyết việc làm, phát triển trang trại, gia trại... Đến nay, tổng số vốn vay của ĐVTN trong toàn huyện đạt trên 45 tỷ đồng; qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn ĐVTN nông thôn. Cùng với đó, Huyện đoàn đã chỉ đạo các tổ chức Đoàn cơ sở chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nghề nghiệp, việc làm, những khó khăn về giống, vốn, kỹ thuật trong quá trình khởi nghiệp của ĐVTN. Từ đó, phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các buổi tập huấn cho hàng nghìn lượt ĐVTN tham dự về các nội dung, như: Chuyển giao KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt và phòng, chống dịch bệnh; định hướng khởi nghiệp cho ĐVTN; tổ chức các buổi tham quan, trao đổi kinh nghiệm của những mô hình làm kinh tế hiệu quả..., giúp ĐVTN nâng cao kiến thức, hiểu biết trong sản xuất, phát triển kinh tế của gia đình.

Đến thăm mô hình nuôi lợn thịt của anh Phan Văn Quyết, xã Nậm Dịch cho thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng mỗi năm; anh Quyết chia sẻ: Năm 2012, anh đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại có quy mô rộng gần 200 m2 và mua con giống. Lúc đầu do ít vốn, anh chỉ nuôi nhỏ lẻ để tích lũy vốn và kinh nghiệm, về sau anh tiến hành chăn nuôi theo hướng gối đàn, tự sản xuất con giống để giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm. Hiện, cứ 3 tháng gia đình anh lại xuất 1 lứa lợn thịt từ 30 – 40 con, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 20 triệu đồng mỗi lứa. Từ ngày đầu tư nuôi lợn đến nay, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện nuôi con ăn, học; đời sống được nâng cao hơn.

Đồng chí Hoàng Xuân Hòa, Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết: Để thu hút ĐVTN tham gia phát triển kinh tế, các cơ sở Đoàn đã tích cực triển khai phong trào “Thanh niên giúp nhau làm kinh tế giỏi” bằng các hoạt động xây dựng tổ, nhóm góp vốn, góp công lao động, hỗ trợ cây, con giống giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Hiện, toàn huyện có trên 130 mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ, thuộc các nhóm trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ. Nổi bật, có hơn 30 mô hình làm kinh tế giỏi, với số vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng, tổng thu nhập ước tính gần 1,8 tỷ đồng như: Mô hình nuôi trâu, lợn đen của anh Hầu Seo Dình và mô hình trồng cây xoan, cây ăn quả của anh Vù Seo Sấn tại xã Bản Péo cho thu nhập trên 100 triệu đồng; mô hình trang trại nuôi cá Tầm của anh Xin Văn Vu, xã Nậm Ty cho thu nhập từ 70 -100 triệu đồng mỗi năm; mô hình phát triển cửa hàng kinh doanh tạp hóa, sửa xe máy của anh Triệu Chàn On, xã Hồ Thầu cho thu nhập hàng năm trên 80 triệu đồng...

“Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” là một trong những phong trào sôi nổi, thiết thực của tuổi trẻ Hoàng Su Phì trong những năm qua, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Thời gian tới, Huyện đoàn Hoàng Su Phì tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn phát huy tốt hơn nữa vai trò đồng hành với ĐVTN trên mọi lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần xung kích của ĐVTN trong phát triển kinh tế; tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan mở các lớp đào tạo nghề cho ĐVTN, góp phần giảm thiểu tình trạng ĐVTN nông thôn thất nghiệp...

TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lập nghiệp từ 20 đôi bồ câu

BHG - Trong khuôn viên rộng khoảng 100 m2, vừa là chuồng trại vừa là bãi đậu chật trội của trên 400 đôi chim bồ câu sinh sản, sát 2 bên tường rào là sàn chứa ngô của hộ hàng xóm không hề che chắn, nhưng không có bất cứ một chú chim bồ câu nào bén mảng đến. Đó là hiện tượng lạ, đập vào mắt tôi khi tới tham quan mô hình nuôi chim bồ câu theo  của cặp vợ chồng anh chị Ma Minh Đình - Don Thị Tâm, dân tộc Nùng, thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ).         

15/03/2017