Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2023

09:52, 01/03/2023

Từ tháng 3/2023, nhiều chính sách mới có hiệu lực như bỏ tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học với chấp hành viên; tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động; triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam…

Cấp hộ chiếu gắn chíp cho công dân Việt Nam

Từ 1/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

 

Hộ chiếu gắn chip điện tử là có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chip, rất khó sao chép thông tin, tránh nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân, bị làm giả.

Theo Bộ Công an, chip điện tử gắn trên hộ chiếu mẫu mới chỉ đơn thuần lưu trữ thông tin, hoàn toàn không có việc định vị theo dõi người được cấp hộ chiếu.

Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử được sử dụng song song. Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử được sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với chấp hành viên

Thông tư số 10/2023/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 16/3, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học đối với chấp hành viên.

 

Đối với chấp hành viên sơ cấp, trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư số 10/2023/TT-BQP; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Chấp hành viên cao cấp, ngoài tiêu chuẩn theo quy định trên phải có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định.

Người lao động được tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật

Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1/3, quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.

 

Cụ thể, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).

Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng; nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.

Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hiện vật bồi dưỡng không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương).

Quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội

 

Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3.

Thông tư quy định việc mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng hoặc sở hữu tư nhân thì người đại diện hoặc chủ sở hữu cơ sở tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Theo Tiền Phong


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những chính sách mới, nổi bật có hiệu lực từ tháng 11-2022

Ba nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương cán bộ, công chức, viên chức Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg ngày 22-9-2022 quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.

31/10/2022
Quy định mới về tiền lương, viên chức có hiệu lực từ tháng 12

Nhiều chính sách, quy định mới liên quan đến tiền lương, viên chức ngành tài nguyên và môi trường, văn hóa thể thao có hiệu lực từ tháng 12.


30/11/2022
Một số chính sách mới nổi bật sẽ có hiệu lực trong tháng 2/2023
Quy định về các trường hợp ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài... sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2023.
30/01/2023
Hỗ trợ hơn 600 triệu đồng cho phụ nữ sinh con đúng chính sách
BHG - Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11.2022, toàn tỉnh có 309 phụ nữ được hỗ trợ kinh phí do sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định 39 năm 2015 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số (Nghị định 39); tổng kinh phí hỗ trợ là 618 triệu đồng.
29/11/2022