Hà Giang

Đưa học sinh về trường chính ở Yên Minh

09:24, 07/02/2018

BHG - Thực hiện Quyết định số 84 ngày 15.1.2016 của UBND tỉnh về Đề án chuyển học sinh tiểu học từ các điểm trường về học tại trường chính trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020, qua 3 năm học thực hiện, huyện Yên Minh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Về trường chính, được ăn, ở bán trú sẽ giúp các em duy trì sự chuyên cần khi đến lớp, tiếp thu được nhiều kiến thức hơn.  Trong ảnh: Giờ ăn trưa của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Đông Minh.                                                           Ảnh: LƯƠNG HÀ
Về trường chính, được ăn, ở bán trú sẽ giúp các em duy trì sự chuyên cần khi đến lớp, tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Trong ảnh: Giờ ăn trưa của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Đông Minh.

Hiện nay, ngành Giáo dục huyện Yên Minh quản lý 55 trường học, gồm: 18 trường Mầm non, 19 trường Tiểu học và 18 trường THCS. Trong đó, có 24 trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDT) với 12 trường Tiểu học và 12 trường THCS. Tổng số học sinh 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và THCS ở Yên Minh là trên 25.000 em. Riêng cấp Tiểu học có gần 12.000 học sinh.

Phó phòng Giáo dục huyện Yên Minh Đặng Thị Kim Hoa cho biết: Từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2017 – 2018, thực hiện Đề án chuyển học sinh tiểu học từ các điểm trường về học tại trường chính, ngành Giáo dục huyện đã tích cực tham mưu và nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND – UBND huyện cũng như sự phối hợp của các ngành và các xã, thị trấn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng dạy học các trường được đầu tư bổ sung hàng năm; công tác xã hội hóa giáo dục được các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân quan tâm ủng hộ; số học sinh chuyển từ các điểm trường về trường chính cơ bản là các đối tượng hưởng chế độ học sinh bán trú nên được các địa phương và phụ huynh tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con em mình, từ đó chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt.

Kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án, huyện đã chuyển được tổng số 469 lớp với 6.499 em; trong đó, có 20 điểm trường với 29 lớp chuyển được 100% số lớp và học sinh về trường chính. Xây mới được 122 phòng học, 11 phòng ăn, 6 bếp nấu ăn, 23 phòng lưu trú học sinh, 6 phòng lưu trú giáo viên, 712 bộ bàn ghế tiêu chuẩn, 158 giường tầng cho học sinh bán trú, cùng nhiều cơ sở hạ tầng và trang thiết bị khác như: Phòng vệ sinh, bể nước, bàn ghế ăn, nhà tắm, bảng viết… với tổng kinh phí đầu tư và huy động xã hội hóa trên 50 tỷ đồng. Qua việc chuyển các em về trường chính, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên khi toàn huyện đã có 7 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; 24 trường được công nhận trường PTDT bán trú; tỷ lệ huy động học sinh đến lớp và duy trì chuyên cần đạt trên 90%; tỷ lệ học sinh bỏ học dưới 5%...

Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Sủng Thài Lê Ngọc Văn cho biết: Khi các em được chuyển về trường chính hoặc đưa về các cụm điểm trường sẽ có nhiều điều kiện học tập tốt hơn bởi ở các điểm trường cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà lớp học không đảm bảo... Đặc biệt, khi về trường chính các em được ăn, ở bán trú sẽ thường xuyên duy trì sỹ số trên lớp, được vui chơi và thi đua với các bạn, từ đó sẽ tiếp thu kiến thức được nhiều hơn.

Việc chuyển học sinh về trường chính có nhiều thuận lợi trong dạy và học cũng như nâng cao được chất lượng giáo dục, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn, bởi Yên Minh là huyện nghèo đặc biệt khó khăn, nguồn đầu tư hạn hẹp; cơ sở vật chất trường lớp học nhiều trường chưa đảm bảo và chuẩn hóa… Cô giáo Mạc Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Bạch Đích chia sẻ: Giữa năm học 2016 - 2017, trường chúng tôi đang trong quá trình được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng lớp học, khi đưa các em từ điểm trường về trường chính số phòng học thiếu phải bố trí cho các em học gần như 2 buổi/ngày/tuần; một số phòng chức năng thiếu, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng; nhà lưu trú cho học sinh cũng không đủ, khiến các em phải ở chật hẹp… Đây cũng là trăn trở của nhiều  trường khi thực hiện Đề án.

Có thể thấy, thực hiện Đề án chuyển học sinh về trường chính ở Yên Minh đã nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền các cấp và các bậc phụ huynh khi các cháu được về môi trường học tập tốt hơn, được các chính sách hỗ trợ ăn, ở và chất lượng giáo dục ở các nhà trường được nâng lên… Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra: Khi cơ sở hạ tầng và trang, thiết bị học tập còn thiếu, việc đưa học sinh về trường chính khiến nhiều trường gặp khó khăn trong việc bố trí nơi ăn, chỗ ở cho học sinh và sắp xếp thời gian học hợp lý. Vì vậy, song song với việc chuyển học sinh từ điểm trường về trường chính, rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các cấp, ngành đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu sử dụng của học sinh khi chuyển về trường chính.

Bài, ảnh: LƯƠNG HÀ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ưu tiên giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển

BHG - Việc cử con em đồng bào các dân tộc thiểu số đi học theo hệ cử tuyển là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Chính phủ nhằm đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực đáp ứng nhiệm vụ công tác trong tình hình mới ở các xã đặc biệt khó khăn. 

31/08/2017
Gỡ "điểm nghẽn" cho dòng vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn

BHG - Nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đang ngày càng phát huy hiệu quả, giúp hàng ngàn hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

30/03/2017
Đồng Văn với chương trình phát triển cây lê

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định cây lê là một trong 3 cây được đầu tư phát triển. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết, tháng 4.2016, huyện Đồng Văn đã ban hành Đề án phát triển cây lê trong đó đưa ra các nhóm giải pháp, cơ chế chính sách, kế hoạch trồng theo từng năm.

28/03/2017
Tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chính sách dân tộc ở Mèo Vạc

BHG-Mèo Vạc - một trong 62 huyện nghèo của cả nước, được đầu tư theo Chương trình 30a của Chính phủ. Từ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống người dân nơi đây đang ngày một ấm no. Nhằm kịp thời điều chỉnh những hạn chế, bất cập và đảm bảo thống nhất, đồng bộ từ huyện đến cơ sở trong triển khai các chính sách dân tộc (CSDT), Mèo Vạc đang thực hiện nhiều giải pháp đưa chính sách của Nhà nước "thấm" vào đời sống đồng bào biên cương.

27/10/2017