Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh giúp Mèo Vạc tăng hơn 6 nghìn đàn ong bản địa

07:30, 01/12/2016

BHG - Ở vùng Cao nguyên đá, nơi thiếu đất, thiếu nước mà chỉ có đá là đá thì cơ hội để thoát nghèo không hề dễ với người dân. Ngoài cây ngô 1 vụ, chăn nuôi bò hàng hóa thì hiện nay con ong bản địa cũng được người dân chú trọng chăn nuôi để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đa phần các hộ nuôi nhỏ lẻ một vài đàn quanh nhà, vì vậy lượng mật thu được chẳng là bao. Tăng đàn ong, tăng thu nhập và làm giàu cho người dân là ý nghĩa, mục đích mà Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 209) ban hành, hỗ trợ lãi suất vay vốn. Từ khi Nghị quyết ban hành và áp dụng, huyện Mèo Vạc đã giải ngân cho 59 hộ vay với số tiền hơn 6 tỷ đồng để tăng đàn ong, tương đương với hơn 6 nghìn đàn ong được đầu tư nuôi lấy mật, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Lãnh đạo xã Sủng Trà cùng ông Chá Sìa Và, thôn Há Póng Cáy kiểm tra đàn ong mật của gia đình được nuôi từ nguồn vốn vay ngân hàng theo Nghị quyết 209.
Lãnh đạo xã Sủng Trà cùng ông Chá Sìa Và, thôn Há Póng Cáy kiểm tra đàn ong mật của gia đình được nuôi từ nguồn vốn vay ngân hàng theo Nghị quyết 209.

Xác định nuôi ong có giá trị kinh tế cao bởi lợi ích mà con ong mang lại là rất lớn. Khác với các ngành chăn nuôi khác phải cần vốn đầu tư về giống, chuồng trại, thức ăn, chi phí thú y,... thì nghề nuôi ong lại không cần vốn đầu tư nhiều, có thể tận dụng nguyên vật liệu sẵn có để làm thùng nuôi; thức ăn chủ yếu của ong là mật và phấn hoa Bạc hà, một loại cây mọc dại, tự nhiên trên các khe đá. Thấy được lợi ích mà từ việc nuôi ong Bạc hà mang lại, năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 209 hỗ trợ lãi suất để người dân tăng đàn ong của mình. Từ nghị quyết này, nhiều người dân đã mạnh dạn vay tiền để tăng đàn ong, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Theo chân cán bộ xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc đến nhà anh Vàng Nhìa Nô, thôn Sủng Trà (Mèo Vạc). Trên đường vào nhà anh Nô hoa bạc hà đã nở rộ hai ven đường, cùng với màu tím của hoa là mùi thơm dịu mát của loại hoa này. Nhà anh Nô nằm ở chân núi cao, xung quanh nhà lấp ló những tổ ong mật được che chắn cố định, những đàn ong đang tìm hoa Bạc hà lấy mật về tổ. Anh Nô cho biết: Tôi nuôi ong Bạc hà nhiều năm nay rồi, những năm trước chỉ nuôi 5-6 đàn ong, mỗi năm cũng cho thu nhập được 6-7 triệu đồng. Nay theo cán bộ xã tuyên truyền, vận động vay vốn ngân hàng được hỗ trợ lãi suất, tôi cũng đăng ký vay 20 triệu mua 20 đàn ong từ xã Nậm Ban về đặt nuôi quanh nhà. Đến thời điểm này, anh Nô đã quay được 20 lít mật, với giá bán là 400 nghìn/lít, anh thu về 8 triệu đồng. Anh Nô hồ hỡi cho biết thêm: Vụ Bạc hà năm nay, tôi sẽ trả hết nợ ngân hàng và được lãi một ít, nếu nuôi dưỡng đàn ong tốt, mùa bạc hà năm sau sẽ được thu lãi...

Không chỉ riêng nhà anh Nô ở Sủng Trà vay vốn để phát triển đàn ong, mà nhiều hộ dân khác cũng đã tăng đàn ong của gia đình mình. Trong đo, có nhiều hộ mạnh dạn vay vốn mua hàng 100 đàn ong để phát triển kinh tế. Không chỉ vậy, sau khi được vay vốn các hộ nông dân còn được đào tạo, hướng dẫn cách nuôi và chăm sóc ong địa phương. Bên cạnh các hộ nuôi nhỏ lẻ, còn có các HTX, doanh nghiệp cũng vay vốn phát triển tăng đàn. Trong đó, HTX Tuấn Dũng đã mạnh dạn vay 2 tỷ đồng, phát triển thêm 2 nghìn đàn ong. Hàng năm, tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động tại chỗ với mức lương trung bình từ 4 – 7 triệu đồng/tháng. Từ số tiền này, nhiều người đã biết  mua gia súc về nuôi để thoát nghèo. Thậm chí, có người tích cóp rồi mua ong của HTX để nuôi riêng.

Mùa Bạc hà nở là sau vụ ngô chính của bà con trên vùng Cao nguyên đá, nuôi ong lấy mật Bạc hà vừa giải quyết việc làm lúc nông nhàn vừa tăng thu nhập cho người nông dân. Hơn nữa, khi Nghị quyết 209 ban hành, người nông dân đã chủ động vay vốn để tăng đàn ong địa phương, đây cũng là lúc họ phải bảo vệ vùng nguyên liệu cây hoa Bạc hà và giống đàn ong bản địa của mình. Theo rà soát, từ đầu năm 2016, toàn huyện Mèo Vạc có hơn 3 nghìn đàn ong bản địa, sau khi giải ngân được ngồn vốn từ Nghị quyết 209; tính hết tháng 11.2016, tổng số đàn ong trên địa bàn huyện tăng lên hơn 11 nghìn đàn. Hiện nay, đang là mùa thu hoạch mật ong Bạc hà, số đàn ong tăng lên đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nông dân.

Mật ong Bạc hà, cái thứ mật tinh túy được bà con nông dân trên cao nguyên đá cần mẫn chắt lọc từ sự tinh khôi của loại hoa Bạc hà mọc trên đá. Nghề nuôi ong mật của bà con trên đá cũng là hình thức bảo tồn cảnh quan mà không bị phá vỡ cấu trúc sinh học. Khi người dân đã ấm bụng, họ mới bám bản, bám làng, giữ đất biên cương để chúng ta, những người vùng thấp mới yên tâm lao động, sản xuất...

Lê Lâm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn nỗ lực cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

BHG - Xác định phát triển chăn nuôi là một trong hướng đi chính,  nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là thế mạnh của địa phương. Trong những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp gắn với việc lồng ghép, vận dụng linh hoạt các chương trình, chính sách mới nhằm phát triển đàn gia súc.

30/09/2016
Động lực cho người dân Bắc Mê phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa

BHG- Xác định các chính sách được quy định trong Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND ngày 10.12.2015 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 209) chính là động lực mạnh mẽ để nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa; nên trong thời gian qua, UBND huyện Bắc Mê đã và đang tích cực đẩy mạnh tiến độ thực hiện các nội dung của nghị quyết. 

30/06/2016
"Dồn điền - đổi thửa",chủ trương hợp lòng dân ở Quang Bình

BHG- Trong những năm qua, huyện Quang Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực KT-XH; sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển toàn diện, cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác từng bước được nâng cao. 

30/03/2016
Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp - cần song hành với cải cách hành chính

BHG- Đa phần các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều cho rằng: Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, mời gọi, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Nhưng...  các thủ tục hành chính để doanh nghiệp khởi động các dự án đầu tư còn rất rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

25/05/2016