Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khẳng định vị thế cam Hà Giang

09:54, 18/12/2018

BHG - Thương hiệu cam Sành Hà Giang được khẳng định từ nhiều năm về trước bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm và độ sạch trong khâu sản xuất. Với sự quan tâm đặc biệt từ tỉnh đến cơ sở và quyết tâm vào cuộc của các ngành chức năng với những chương trình hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP) ngày càng khẳng định thương hiệu, vị thế cam Hà Giang trên thị trường.

Anh Lục Văn Việt, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) chăm sóc vườn cam VietGAP.
Anh Lục Văn Việt, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) chăm sóc vườn cam VietGAP.

Tính đến hết năm 2018, tổng diện tích cam toàn tỉnh ước trên 9 nghìn ha, trong đó: Cam Sành trên 7.100 ha, cam giấy và một số giống khác gần 2 nghìn ha. Diện tích cam cho thu hoạch trên 5.189 ha; cam trong thời kỳ kiến thiết cơ bản 3.284 ha; cam già cỗi 390 ha và diện tích trồng mới trên 314 ha.

Trên địa bàn tỉnh, cây cam được trồng tập trung chủ yếu tại 3 huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình. Giá trị sản xuất cam niên vụ 2018 – 2019 ước đạt trên 620 tỷ đồng, chiếm trên 50% giá trị sản phẩm cây ăn quả và trên 70% trong cơ cấu sản xuất cây ăn quả chủ yếu của tỉnh; nhờ trồng cam, nhiều gia đình có cuộc sống khá giả. Chính vì vậy, cam được tỉnh xác định là cây kinh tế mũi nhọn và một trong 5 cây, con chủ lực thực hiện chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Từ những định hướng phát triển, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thâm canh, sử dụng giống tốt và tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cam; vì thế, diện tích và sản lượng cam toàn tỉnh không ngừng tăng lên. Trong 2 năm năm 2015 - 2016, tổng diện tích cam tăng mạnh với trên 2.700 ha; năm 2016 - 2018 tăng thêm 541 ha. Sản lượng bình quân giai đoạn 2015 - 2018 mỗi năm tăng trên 12 nghìn tấn, riêng từ năm 2015 - 2016 tăng gần 20 nghìn tấn.

Để tiếp tục nâng cao vị thế và thương hiệu cam Hà Giang, hướng tới xuất khẩu, tỉnh ta đặc biệt quan tâm xây dựng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến tháng 12.2018, tổng diện tích cam được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 3.527 ha. Bên cạnh đó, các cấp, ngành đã triển khai nhiều chương trình, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật như: Nhân giống cam chín sớm và muộn; tuyển chọn, phát triển cam Sành không hạt hoặc ít hạt và nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng Chỉ dẫn địa lý và đăng ký mã số vùng sản xuất, tem, nhãn, mã vạch sản phẩm. Hiện, Bộ Nông nghiệp - PTNT đã cấp cho tỉnh 20 mã số vùng sản xuất cam thuộc 3 huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình với tổng diện tích trên 2.640 ha. Năm 2016, sản phẩm cam Sành Hà Giang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; đồng thời phê duyệt Dự án “Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam Sành”.

Có được kết quả này nhờ những chính sách của tỉnh như hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân thâm canh vườn cam theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản cam với mức vay được hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng. Tính đến đầu tháng 12.2018, có 1.410 hộ đăng ký vay với nhu cầu vốn trên 154 tỷ đồng; đã giải ngân gần 60 tỷ đồng cho 521 hộ. Ngoài ra, tỉnh ta cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, tham gia hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Giang Đức Hiệp cho biết: Mặc dù giá thành sản phẩm cam của tỉnh chưa cao, chưa thể hiện đúng giá trị; công tác tuyên truyền, đầu tư thâm canh và áp dụng khoa học mới vào sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; việc tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn ở mức thấp... Tuy nhiên những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển cây cam, xúc tiến quảng bá sản phẩm, tăng cường sử dụng bao bì, tem nhãn sản phẩm cam Hà Giang đã làm thay đổi nhận thức của người dân về quy trình sản xuất, thâm canh và tiêu thụ sản phẩm; việc triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo sự gắn kết, thúc đẩy quá trình tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng sản xuất cam an toàn tập trung, quy mô lớn và nâng cao giá trị cam Hà Giang.

Bài, ảnh: DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang tăng cường quảng bá sản phẩm cam Sành

BHG - Huyện Bắc Quang hiện có gần 4.200 ha cam. Trong đó, cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap gần 1.800 ha; tổng sản lượng cam năm nay ước đạt 38.000 tấn. Hiện tại, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ cam cho bà con đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Vùng trồng cam trọng điểm của huyện Bắc Quang tập trung ở các xã: Vĩnh Hảo, Việt Hồng, Tiên Kiều, Vĩnh Phúc, Vĩnh Tuy... 

31/10/2018
Huyện Vị Xuyên tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành niên vụ 2017 – 2018

BHG - Ngày 28.12, tại thôn Việt Thành, xã Việt Lâm, UBND huyện Vị Xuyên tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành niên vụ 2017 – 2018. Đến dự có đồng chí Vi Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên; lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, sở Khoa học và Công nghệ, đại diện một số doanh nghiệp cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn.

28/12/2017
Để thương hiệu cam Sành đứng vững trên thị trường

BHG - "Cam Sành đang là sản phẩm hàng hóa số 1 của tỉnh. Nhưng sự phát triển chưa bền vững". Nhận định trên của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến vừa là trăn trở, cũng đặt ra yêu cầu rất cao, làm sao để dòng sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp có thế đứng vững chắc trên thị trường? Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, tính đến hết năm 2017, tổng diện tích cam toàn tỉnh 8.387 ha, trong đó diện tích cam Sành 6.631 ha chiếm 79%, cam Vinh và một số giống khác 1.756 ha, chiếm 21%. ..

28/03/2018
Hỗ trợ người dân nâng cao giá trị sản phẩm cam Sành

BHG - Cam Sành được tỉnh ta xác định cây trồng chủ lực, có đóng góp quan trọng làm nên thành công của mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Từ đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tích cực tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm cam Sành. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm sản và thủy sản đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng sản xuất cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

20/03/2018