Hoàn thành tốt công tác bảo đảm hậu cần

10:22, 29/06/2022

BHG - Thực hiện Nghị quyết 623, ngày 29.10.2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang đã lãnh, chỉ đạo triển khai với nhiều biện pháp đồng bộ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần phục vụ các cuộc diễn tập, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Xín Mần tăng gia sản xuất, đảm bảo rau xanh.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Xín Mần tăng gia sản xuất, đảm bảo rau xanh.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 623, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã quán triệt học tập đến 100% cán bộ, đảng viên và quần chúng trong toàn đơn vị. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết trong toàn Đảng bộ và hàng năm cụ thể hóa đưa vào nghị quyết để thực hiện sát với thực tế, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên đối với công tác bảo đảm hậu cần. Hàng quý, 6 tháng, Đảng ủy BĐBP tỉnh đều có chủ trương, biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với công tác bảo đảm hậu cần, như: Xăng, dầu; xây dựng cơ bản; mua sắm vật tư, trang bị phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Do làm tốt công tác lãnh, chỉ đạo, đến nay, nhận thức của cán bộ, chiến sỹ làm công tác bảo đảm hậu cần ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Hậu cần xác định tốt tư tưởng, chủ động nghiên cứu, học tập, để nâng cao trình độ chuyên môn; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khai thác tạo nguồn tiếp nhận, cấp phát, quản lý và sử dụng vật chất, trang bị hậu cần, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá Đào Hồng Hà, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nhấn mạnh: 10 năm qua, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 623 và các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác hậu cần. Các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên đưa nội dung hậu cần vào nghị quyết, từ đó, từng bước nâng cao chất lượng công tác hậu cần, bảo đảm đời sống bộ đội. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, ngành Hậu cần BĐBP tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, sáng tạo phong trào thi đua và đạt kết quả tích cực. Tập trung chỉ đạo các đơn vị chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh tăng gia sản xuất; quy hoạch hệ thống vườn giàn, chuồng nuôi kiên cố, đủ diện tích nuôi trồng và bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhiều đơn vị có mô hình chăn nuôi, tăng gia sản xuất có giá trị kinh tế như nuôi lợn rừng, nuôi cá. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Đảng ủy chỉ đạo các đơn vị thành lập các tổ, chốt phòng, chống dịch, đồng thời đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi tại các tổ, chốt để chủ động nguồn thực phẩm, rau xanh và lắp đặt hệ thống điện thắp sáng, nhà vệ sinh, bình nóng lạnh phục vụ công tác, sinh hoạt của bộ đội. Đến nay, các đơn vị đã tự túc được từ 85 - 90% định lượng rau xanh và trên 60 - 65% định lượng thực phẩm chính. Tổng giá trị thu hoạch được từ tăng gia sản xuất bình quân hàng năm đạt 1.300.000đ/người; đưa vào bữa ăn thêm cho bộ đội từ 2.000 - 3.000đ/người/ngày. Với nhiều mô hình phù hợp, hiệu quả góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất trong mọi tình huống; nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. 100% các đơn vị duy trì bếp ăn tập trung, tổ chức chia ăn theo định suất đảm bảo đúng, đủ tiêu chuẩn định lượng cho cán bộ, chiến sỹ; thường xuyên chế biến, cải tiến món ăn, nâng cao chất lượng và giữ vững ổn định bữa ăn cho bộ đội. Duy trì và nâng cao hiệu quả xây dựng nhà ăn, nhà bếp chính quy, an toàn, chất lượng; trang bị, dụng cụ cấp dưỡng nhà ăn, nhà bếp ngày càng được đầu tư, nâng cấp; luôn duy trì bảo đảm 14/14 đầu mối cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn “Nuôi quân giỏi - Quản lý quân nhu tốt”; “Quân y 5 tốt”, “Xây dựng quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”... góp phần nâng cao năng lực trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng ngành chính quy, vững mạnh toàn diện..

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Để thực hiện Nghị quyết 623, BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo và đạt được kết quả nổi bật. Đặc biệt là công tác chăm lo, nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ và bảo đảm về lương thực, thực phẩm, cơ số thuốc, xăng dầu, phương tiện vật chất phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; hoạt động diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; phòng, chống lụt bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với ngành Y tế làm tốt công tác khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân; chủ động cùng các sở, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép, đảm bảo giữ vững chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; đời sống nhân dân được cải thiện, đường xá đi lại thuận tiện, điều kiện làm việc và đời sống của cán bộ, chiến sỹ ngày càng được nâng lên; thường xuyên duy trì tốt “Tiêu chí công tác hậu cần, tài chính trong các cơ quan, đơn vị” gắn với đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”...

Bài, ảnh: TIẾN THẮNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Điểm tựa nơi biên viễn
BHG - Đứng chân trên địa bàn xã Bản Máy (Hoàng Su Phì), Đồn Biên phòng Bản Máy được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 19,615 km đường biên giới với 26 cột mốc, tiếp giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Địa bàn đơn vị quản lý gồm xã biên giới Bản Máy, đây cũng là địa bàn sinh sống của 509 hộ với 2.517 nhân khẩu, thuộc các dân tộc La Chí, Mông, Tày, Nùng, Phù Lá. Do địa hình đồi núi dốc, khí hậu khắc nghiệt, giao thông không thuận tiện, tỷ lệ hộ nghèo cao, hầu hết cư dân trên địa bàn đều canh tác nông nghiệp nên xã Bản Máy là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Nhiều năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã cơ bản được giữ vững, song do đặc điểm là xã biên giới, vùng sâu, xa, địa hình bị chia cắt mạnh nên tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự.
31/05/2022
Chăm lo đời sống đồng bào vùng biên
BHG - Giúp đỡ người dân khu vực biên giới thoát nghèo là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia. Thời gian qua những người lính quân hàm xanh nơi địa đầu Tổ quốc đã tích cực giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc vùng biên.
30/05/2022
Công an tỉnh tọa đàm kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh tra CAND
BHG - Ngày 27.5, Công an tỉnh đã tổ chức tọa đàm kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh tra CAND (28.5.1967 - 28.5.2022). Tham dự buổi tọa đàm có Đại tá Dương Thanh Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo các đơn vị phòng, Công an các huyện, thành phố và cán bộ chiến sĩ làm công tác thanh tra qua các thời kỳ.
29/05/2022
Đồn Biên phòng Bạch Đích học tập và làm theo lời Bác
BHG - Nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Đồn Biên phòng Bạch Đích luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
27/06/2022