Người Đại đội trưởng gương mẫu, sáng tạo

09:54, 14/10/2019

BHG - Được học tập, đào tạo cơ bản tại Trường Sĩ quan Lục quân I; ra trường sỹ quan trẻ Trần Quốc Đạt được điều động về công tác tại Trung đoàn 877 với cương vị Trung đội trưởng, rồi Phó Đại đội trưởng và hiện nay là Thượng úy, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1. Trên cương vị, chức trách được giao; Thượng úy Trần Quốc Đạt luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ; tích cực tu dưỡng, rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ trên các mặt công tác. Thường xuyên trao đổi, bàn bạc trong chỉ huy đơn vị đề ra chủ trương, biện pháp lãnh, chỉ đạo đơn vị một cách sát, đúng và hiệu quả. Anh luôn gần gũi, động viên, nắm tâm tư, nguyện vọng và làm tốt công tác tư tưởng; giải đáp những vướng mắc để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị yên tâm thực  hiện tốt nhiệm vụ. Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chỉ huy đơn vị, Thượng úy Trần Quốc Đạt còn được biết đến là người tích cực trong học tập, nghiên cứu để tìm ra những giải pháp, những sáng kiến cải tiến mới có giá trị ứng dụng cao trong huấn luyện.

Thượng úy Trần Quốc Đạt giới thiệu mô hình cải tiến bộ cọc bổ trợ huấn luyện Điều lệnh đội ngũ tay không.        Ảnh: Văn Tuấn (Báo QĐND)
Thượng úy Trần Quốc Đạt giới thiệu mô hình cải tiến bộ cọc bổ trợ huấn luyện Điều lệnh đội ngũ tay không. Ảnh: Văn Tuấn (Báo QĐND)

Qua quá trình huấn luyện chiến sĩ mới, trong huấn luyện Điều lệnh đội ngũ tay không, có những chiến sỹ mới dù có cố gắng nhưng vẫn đánh tay hoặc bước đi không đều, cũng có khi cao hoặc thấp quá…, do đó, trong quá trình luyện tập ở thao trường, các đơn vị phải dùng bộ cọc bổ trợ để hỗ trợ ke tay, ke chân cho bộ đội trong quá trình luyện tập. Hiện nay, các đơn vị đã được xây dựng chính quy; khi huấn luyện Điều lệnh đội ngũ tay không, thường thực hiện trên nền sân bê tông, nên khi dùng cọc gỗ có nhiều hạn chế, tính cơ động không cao, tốn nhiều thời gian và nhân lực trong các buổi tập; bởi trước và sau khi luyện tập, bộ đội mất nhiều thời gian và công sức để đóng cọc và căng dây. Nhận thấy những khó khăn trên, Thượng úy Trần Quốc Đạt luôn suy nghĩ để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện và cần phải có một thiết bị bổ trợ sát với nội dung luyện tập. Sau nhiều ngày trăn trở và được sự giúp sức, động viên của cán bộ, chỉ huy đơn vị; anh đã nghiên cứu cải tiến thành công mô hình bộ cọc bổ trợ huấn luyện Điều lệnh đội ngũ tay không, sản phẩm được làm từ ống kẽm, gồm: 2 cọc chính dài 1,6 m có đế nhỏ bằng bê tông, 6 cọc phụ (4 cọc 45 cm, 2 cọc 74 cm) và  dây cước; sản phẩm dễ thao tác trong tháo lắp, bảo đảm an toàn trong quá trình huấn luyện, chỉ cần một người thực hiện việc bố trí các cọc, giúp tiết kiệm thời gian, công sức bộ đội. Đặc biệt, mô hình có thể giúp bộ đội luyện tập trong mọi địa hình, thời tiết và nâng cao chất lượng huấn luyện của bộ đội.

Là người trực tiếp huấn luyện cho chiến sỹ mới, Trung úy Nguyễn Tùng Lâm, Trung đội trưởng Trung đội 2 (Đại đội 1) cho biết: Mẫu mã sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng và giá thành rẻ và tiện lợi cho việc tháo lắp, sửa chữa hoặc mang vác đi xa. Qua đó, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm kịp thời cho đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện; đặc biệt, mô hình được áp dụng qua thực tế huấn luyện của đơn vị và đã mang lại hiệu quả cao. Khi huấn luyện bằng bộ cọc bổ trợ mới đã giúp chiến sĩ mới quen và thao tác nhanh hơn với nhịp đi của đội hình.

Chia sẻ về sáng kiến của mình, Thượng úy Trần Quốc Đạt khiêm tốn cho biết: Trong quá trình huấn luyện thực tế tại đơn vị, tôi nhận thấy có thể áp dụng, cải tiến trang thiết bị, phương tiện phục vụ quá trình công tác nên mạnh dạn đề xuất và được lãnh đạo đơn vị khuyến khích thực hiện. Mừng nhất là những cải tiến này được đơn vị áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị...

Trong điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm huấn luyện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng huấn luyện; việc nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới, có giá trị ứng dụng cao trong huấn luyện như Mô hình bộ cọc bổ trợ huấn luyện Điều lệnh đội ngũ tay không của Thượng úy Trần Quốc Đạt càng có ý nghĩa thiết thực và quan trọng hơn bao giờ hết.

Với tính năng và hiệu quả của sáng kiến này, Thượng úy Trần Quốc Đạt đã đọat giải B trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật do Bộ CHQS tỉnh tổ chức tháng 5. 2019. Đồng thời, được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 trao Giải C tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Quân khu lần thứ VI vào tháng 7. 2019 và cũng trong tháng 7.2019, Thượng úy Trần Quốc Đạt đã đoạt giải Nhì tại Hội thi Cán bộ huấn luyện Điều lệnh Giỏi do Bộ CHQS tỉnh tổ chức.

HOA SIM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lắng nghe để phục vụ nhân dân tốt hơn

BHG - Với mục đích "Lắng nghe ý kiến để phục vụ nhân dân tốt hơn", thời gian qua, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều diễn đàn để lắng nghe những ý kiến đóng góp của người dân. Trong đó, Diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến nhân dân" có sức ảnh hưởng lớn, được triển khai hiệu quả nhất. Tại huyện Đồng Văn, diễn đàn được Công an huyện triển khai thực hiện sáng tạo...

29/08/2019
Góp phần giúp địa phương vững mạnh

BHG - Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Bản Máy luôn hỗ trợ nhân dân xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì (thuộc địa bàn phụ trách) phát triển kinh tế, ổn định đời sống và xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.

 

 

27/09/2019
Vì biên giới hòa bình, phát triển

BHG - Với địa hình núi cao hiểm trở, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp về an ninh trật tự. Những năm qua, Bộ đội Biên phòng Hà Giang luôn chủ động quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trên biên giới; tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tham gia phát triển KT – XH; góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia.

 

27/09/2019
Bên Cột cờ Quốc gia Lũng Cú

BHG - Cột cờ Quốc gia Lũng Cú là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung và cũng là niềm vinh dự của mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) biên phòng được công tác tại đây. Với những người lính thuộc Đồn Biên phòng Lũng Cú, ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; các anh còn có thêm một nhiệm vụ rất vinh quang và tự hào; đó là, bảo vệ Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.

 

27/09/2019