Khơi thông tín dụng đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo

23:12, 17/04/2021

BHG - Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 ra đời, tạo sinh khí mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bởi, nghị quyết không chỉ khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo với lãi suất 0% mà còn tạo động lực quan trọng để đối tượng thụ hưởng thêm quyết tâm biến “tấc đất” thành “tấc vàng”.

Cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh trao đổi kế hoạch giải ngân vốn vay hỗ trợ cải tạo vườn tạp.
Cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh trao đổi kế hoạch giải ngân vốn vay hỗ trợ cải tạo vườn tạp.

Đẩy mạnh triển khai đưa Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025 đi vào cuộc sống; ngày 9.12.2020, Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh được ban hành. Trên cơ sở này, UBND tỉnh ký hợp đồng ủy thác nguồn vốn ngân sách địa phương qua Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay theo Nghị quyết số 58 với tổng kinh phí năm 2021 là hơn 19,5 tỷ đồng… Chỉ từ đầu tháng 4.2021 đến nay, hệ thống Ngân hàng CSXH đã giải ngân hơn 2,5 tỷ đồng cho 85 hộ vay cải tạo vườn tạp; phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% nguồn vốn trong tháng 5 tới.

Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Tín dụng (Ngân hàng CSXH tỉnh), Phạm Quang Hưng chia sẻ: Nguồn lực đầu tư luôn là “bài toán” khó của hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế. Nghị quyết số 58 ra đời chính là lời giải hay cho “bài toán” khó. Hơn nữa, còn mang đậm tính nhân văn khi có chính sách đặc thù, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với lãi suất 0% trong thời gian tối đa 30 tháng. Tuy nguồn vốn vay không lớn, chỉ từ 10 – 30 triệu đồng/hộ nhưng đủ để trao “cần câu”, giúp đối tượng thụ hưởng yên tâm về lãi suất, từng bước tạo sinh kế, hướng đến giảm nghèo bền vững ngay trên chính mảnh vườn của mình.

Người dân thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) tích cực cải tạo vườn tạp.
Người dân thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) tích cực cải tạo vườn tạp.

“Tôi đã từng vay vốn Ngân hàng CSXH để xây dựng nhà ở với lãi suất ưu đãi. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được thụ hưởng chính sách vay vốn 0% lãi suất để cải tạo vườn tạp. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong việc trao cơ hội cho hộ nghèo, cận nghèo như chúng tôi vươn lên thoát nghèo”, anh Đặng Văn Yên, thôn Bó Loỏng, xã Hùng An (Bắc Quang) không giấu được niềm vui khi nhận số tiền giải ngân 30 triệu đồng. Có vốn trong tay, cùng sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, anh Yên bắt đầu cải tạo vườn cam già cỗi, kém năng suất của gia đình để tạo quỹ đất trên 7.200 m2 trồng cây ăn quả mới. Hiện, 200 gốc ổi Lê và Thanh long ruột đỏ của gia đình anh bắt đầu bén rễ và tiếp tục được trồng thêm để phủ xanh đất vườn trong thời gian tới.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Quang, Triệu Đức Giang chia sẻ: Các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện giải pháp chỉ đạo, điều hành, đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách. Đặc biệt, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra, giám sát chương trình cho vay cải tạo vườn tạp để nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ ủy thác; cũng như làm tốt công tác rà soát, thẩm định, bình xét đối tượng vay vốn, hướng dẫn người thụ hưởng sử dụng vốn vay có hiệu quả… Nếu như Nghị quyết số 58 là yếu tố cần thì tinh thần đồng thuận của nhân dân, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư chính là yếu tố đủ để quyết sách về cải tạo vườn tạp có sức sống vững bền trong thực tiễn. 

Đồng hành cùng hoạt động ý nghĩa này, các cấp, ngành, tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các xã, thị trấn đã ra quân giúp đỡ người dân hơn 4.100 ngày công cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; huy động xã hội hóa cây giống, vật tư nông nghiệp để giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng Nông thôn mới

BHG - Với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo từ mảnh vườn của gia đình, huyện Mèo Vạc đang thực hiện cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng NTM; hình thành vùng sản xuất tập trung và xây dựng phương án bao tiêu sản phẩm cho người dân.

30/03/2021
Thay đổi tư duy sản xuất của người dân miền đá

BHG - Mèo Vạc có đặc thù địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; tập quán canh tác truyền thống ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào. Giải quyết tình trạng đó, địa phương tập trung triển khai Chương trình Cải tạo vườn tạp theo hướng thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, tạo sinh kế giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

27/03/2021
Đầu ra cho sản phẩm cải tạo vườn tạp ở Khuôn Lùng

BHG - Xác định cải tạo vườn tạp nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, xã Khuôn Lùng (Xín Mần) đã xây dựng lộ trình cụ thể và có phương án hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, xã phấn đấu cải tạo 20 vườn mẫu tiêu biểu, trong đó chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

26/03/2021
"Hồi sinh" những mảnh vườn trên đá

BHG - Những mảnh vườn trên miền đá Mèo Vạc đang từng ngày được "hồi sinh" khi cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp người nông dân cải tạo vườn tạp. Thực tế gieo trồng trên mảnh vườn của các hộ huyện Mèo Vạc hiện đa số quảng canh, tự cung, tự cấp. Sản phẩm tăng gia từ vườn tuy đáp ứng một số nhu cầu thiết yếu, nhưng chưa thực sự đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng hàng ngày.

25/03/2021