Hà Giang

Nhiều nguồn lực hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp

08:35, 22/03/2021

BHG - Thực hiện mục tiêu cải tạo trên 6.500 mảnh vườn trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Nghị quyết HĐND tỉnh, tỉnh ta còn sử dụng lồng ghép các nguồn vốn từ chính sách của T.Ư và huy động sự vào cuộc giúp sức của cả hệ thống chính trị.

Cán bộ, người dân giúp gia đình anh Đặng Văn Dèm, thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình) cải tạo vườn tạp. 			Ảnh: MỘC LAN
Cán bộ, người dân giúp gia đình anh Đặng Văn Dèm, thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình) cải tạo vườn tạp. Ảnh: MỘC LAN

Chủ trương cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đang được triển khai vào cuộc sống mạnh mẽ với những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp phong tục, tập quán canh tác và điều kiện thực tế của từng địa phương. Hưởng ứng chủ trương lớn của tỉnh nhằm tạo sinh kế cho người dân, ngoài những hộ nghèo, cận nghèo đang tích cực dành nhiều công sức quy hoạch, cải tạo đất, xếp đá tạo vườn thì có sự hỗ trợ rất lớn về ngày công, kỹ thuật... của cấp ủy, chính quyền, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến huyện, xã. Mỗi người một việc, cùng chung tay giúp người dân quy hoạch, chuyển giao khoa học, công nghệ cải tạo vườn tạp; hỗ trợ ngày công cải tạo, chỉnh trang lại mảnh vườn. Qua theo dõi cho thấy, tuy mới triển khai được một thời gian ngắn, nhưng đã có hàng nghìn ngày công, hàng nghìn lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, chiến sỹ lực lượng vũ trang tham gia giúp người dân cải tạo vườn tạp.

Cùng với sự góp công, góp sức của cả hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của tỉnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tiến hành thẩm tra, giải ngân vốn cho các hộ dân cải tạo vườn tạp. Các hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đáp ứng các điều kiện về tiêu chí, quy mô, diện tích vườn hộ như: Có sơ đồ cải tạo vườn tạp được thôn, xã xác nhận; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào ít nhất một trong các khâu: Sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến hoặc hệ thống tưới; sản phẩm hàng hóa từ vườn hộ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nội dung cải tạo vườn, huyện vùng cao phía Bắc đổ đất tạo mặt bằng có độ dày tối thiếu đạt 60 cm trở lên) để trồng các loại cây, con ngắn ngày như rau, củ, quả, nấm, dược liệu; phát triển chăn nuôi lợn, dê, gia cầm, thủy sản; hỗ trợ  cây, con giống, khoa học, kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; có liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Về quy mô, đối với các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê và thành phố Hà Giang diện tích vườn hộ tối thiểu từ 300 m2 trở lên; các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần diện tích vườn hộ tối thiểu từ 200 m2 trở lên; các huyện vùng núi phía Bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc diện tích vườn hộ tối thiểu từ 100 m2 trở lên. Đáp ứng các điều kiện trên, người dân được vay mức vay vốn tối thiểu 10 triệu đồng/hộ và tối đa 30 triệu đồng/hộ với lãi suất 0%; thời gian vay vốn tối đa 30 tháng kể từ ngày được giải ngân.

Ngoài nguồn vốn trên, tỉnh chỉ đạo lồng ghép các chính sách hỗ trợ của T.Ư theo Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; chương trình giảm nghèo, xây dựng NTM; nguồn kinh phí theo Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho hộ nghèo, cận nghèo.

Thực tiễn cho thấy, nhiều địa phương đã, đang vận dụng linh hoạt các nguồn vốn, như tại huyện Vị Xuyên, tỉnh đã hỗ trợ 1,5 tỷ đồng thực hiện thí điểm cải tạo vườn tạp ở xã Phong Quang; huyện hỗ trợ mỗi xã, thị trấn 10 triệu đồng thực hiện điểm 2 hộ cải tạo vườn tạp; các cơ quan, đơn vị đỡ đầu, phụ trách hỗ trợ từ 10-20 triệu đồng/xã. Hay như tại Quản Bạ, hai thôn Thanh Long và Lùng Cáng, xã Thanh Vân đã hỗ trợ 7 hộ dân, mỗi hộ được vay 5 triệu đồng từ Quỹ phát triển thôn để cải tạo vườn tạp với tổng diện tích hơn 2.000 m2. Sự cộng hưởng từ các nguồn lực sẽ thúc đẩy chủ trương cải tạo vườn tạp vào cuộc sống một cách mạnh mẽ.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp dân cải tạo vườn tạp

BHG - Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho trên 6.500 hộ, tương ứng trên 6.500 vườn.

28/02/2021
Vươn lên từ những mảnh vườn

LTS: "Vươn lên từ những mảnh vườn", là chuyên mục được Báo Hà Giang mở để tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025.

 

23/02/2021
Tạo sinh kế bền vững từ du lịch ở Hoàng Su Phì

BHG - Mảnh đất phía Tây của tỉnh – Hoàng Su Phì từ lâu đã nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình cùng những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp đã được công nhận di sản cấp quốc gia. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền trong việc tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã góp phần đem đến diện mạo mới cho cuộc sống của đồng bào nơi đây. Những bản làng bình yên nằm dưới thung sâu đang dần được đánh thức bởi bước chân của du khách…

 

21/10/2020
Những tấm gương đi đầu cải tạo vườn tạp ở Đồng Văn

BHG - Những vườn hoang mọc đầy cỏ dại nay đã không còn nhiều, các gia đình ở huyện Đồng Văn đã thay đổi tư duy; từ khi Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh triển khai đến từng người dân, Bà con mừng vui, phấn khởi, cùng đồng lòng quyết tâm cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, rau màu có giá trị kinh tế để nâng cao đời sống.

 

19/03/2021