Cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng Nông thôn mới

08:14, 30/03/2021

BHG - Với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo từ mảnh vườn của gia đình, huyện Mèo Vạc đang thực hiện cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng NTM; hình thành vùng sản xuất tập trung và xây dựng phương án bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) huy động cả hệ thống chính trị giúp nhân dân cải tạo vườn tạp.                                                                                  Ảnh: KIM TIẾN
Xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) huy động cả hệ thống chính trị giúp nhân dân cải tạo vườn tạp. Ảnh: KIM TIẾN

Trước tình trạng tập quán canh tác truyền thống đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân; để Chương trình Cải tạo vườn tạp đi vào cuộc sống, huyện Mèo Vạc xác định nhiệm vụ trọng tâm cần làm là công tác tuyên truyền. Huyện tập trung quán triệt, phổ biến nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh; chương trình hành động và kế hoạch thực hiện của Ban chỉ đạo huyện, các văn bản hướng dẫn theo từng giai đoạn cho cán bộ chủ chốt các cấp và toàn thể cán bộ, đảng viên trong huyện. Các cấp ủy cơ sở tuyên truyền đến nhân dân hiểu ý nghĩa, cách thức cải tạo vườn tạp; các cơ chế, chính sách của tỉnh để người dân chuyển biến nhận thức, tự thấy việc tham gia cải tạo vườn tạp là phục vụ cho chính gia đình mình và tự nguyện đăng ký tham gia, tạo phong trào sâu rộng.

Đồng chí Tề Văn Lâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Huyện tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ xã, trưởng thôn, bí thư chi bộ trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn cải tạo vườn tạp tại thôn; tập huấn cán bộ khuyến nông trong toàn huyện, rà soát, sắp xếp, phân công, bồi dưỡng để trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tập huấn, chuyển giao khoa học, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến từng gia đình. Bên cạnh việc tiếp thu các tiến bộ KHKT để phổ biến, hướng dẫn các gia đình, cán bộ khuyến nông có trách nhiệm phát hiện khó khăn, vướng mắc, đề xuất hỗ trợ kịp thời.

Để gắn liền việc cải tạo vườn tạp với xây dựng NTM, huyện hướng dẫn người dân chủ động đăng ký tham gia, đề xuất hỗ trợ, lập sơ đồ cải tạo vườn tạp, lựa chọn con giống, cây trồng, áp dụng KHKT trên mảnh vườn của gia đình; xác định số vốn cần thiết để chuẩn bị nguồn lực. Ban chỉ đạo cấp xã chủ động rà soát, lập kế hoạch lựa chọn hộ nghèo, cận nghèo đăng ký tham gia và hướng dẫn vay vốn; lựa chọn hộ làm điểm, rút kinh nghiệm để nhân rộng; vận động các hộ khá đăng ký tham gia không cần vay vốn; lựa chọn đơn vị cung cấp giống cây, con, vật tư nông nghiệp để giới thiệu, tư vấn cho người dân. Ban chỉ đạo các cấp phát động Ngày thứ 7 cán bộ, công chức, viên chức cùng nhân dân tham gia lao động xây dựng NTM gắn với hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp.

Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Do đặc thù địa hình, khí hậu khắc nghiệt nên theo lộ trình, huyện xác định lựa chọn công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương đưa vào triển khai; áp dụng công nghệ để xử lý chất thải gia súc, gia cầm, phế thải chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo chất đốt cho người dân; nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất tiết kiệm nước vào canh tác nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước của huyện; phục tráng các giống cây trồng, con giống bản địa có giá trị kinh tế cao; nuôi trồng, sản xuất các cây trồng trái vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế; từng bước áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông sản để tạo thành sản phẩm hàng hóa giá trị; làm tốt công tác bảo vệ thực vật, nhất là công tác dự báo sâu bệnh, dịch bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Để tránh tình trạng sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ hoặc “được mùa, mất giá”, Mèo Vạc tính toán phương án hướng dẫn người dân hình thành tổ hợp tác, HTX để liên kết sản xuất, cung ứng giống, kỹ thuật; liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo sức cạnh tranh, nâng cao giá trị nông sản, ổn định thị trường tiêu thụ. Các hộ tăng cường trao đổi kinh nghiệm, sản phẩm, dịch vụ; từng bước tạo vùng sản xuất tập trung. Các cơ sở trên địa bàn: Doanh nghiệp, trường học, cơ quan, lực lượng vũ trang… sẽ ưu tiên hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm khi đảm bảo yêu cầu. Vận động các tiểu thương ở các xã, thị trấn liên kết bao tiêu sản phẩm, tìm đầu mối đưa nông sản ra ngoài huyện tiêu thụ; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện và hỗ trợ nông dân trao đổi hàng hóa để tiêu thụ các sản phẩm thu được từ kinh tế vườn hộ.

Ngoài nguồn vốn từ ngân sách hỗ trợ của tỉnh, Mèo Vạc lồng ghép các nguồn vốn để triển khai; chú trọng xã hội hóa, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến huyện, xã giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo; kêu gọi hỗ trợ kinh phí, vật chất, ứng dụng KHKT; công khai, minh bạch trong triển khai chính sách; đơn giản hóa các thủ tục hành chính để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nhanh với các nguồn vốn cho vay.

Việc huyện Mèo Vạc cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng NTM được xem là hướng đi đúng đắn; vừa huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị làm thay đổi nếp nghĩ của người dân trong sản xuất nông nghiệp, vừa tạo sinh kế giúp người dân có cuộc sống ấm no. Đó cũng chính là mục tiêu mà Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình Cải tạo vườn tạp đang hướng đến.

 Kim Tiến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thay đổi tư duy sản xuất của người dân miền đá

BHG - Mèo Vạc có đặc thù địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; tập quán canh tác truyền thống ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào. Giải quyết tình trạng đó, địa phương tập trung triển khai Chương trình Cải tạo vườn tạp theo hướng thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, tạo sinh kế giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

27/03/2021
Đầu ra cho sản phẩm cải tạo vườn tạp ở Khuôn Lùng

BHG - Xác định cải tạo vườn tạp nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, xã Khuôn Lùng (Xín Mần) đã xây dựng lộ trình cụ thể và có phương án hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, xã phấn đấu cải tạo 20 vườn mẫu tiêu biểu, trong đó chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

26/03/2021
"Hồi sinh" những mảnh vườn trên đá

BHG - Những mảnh vườn trên miền đá Mèo Vạc đang từng ngày được "hồi sinh" khi cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp người nông dân cải tạo vườn tạp. Thực tế gieo trồng trên mảnh vườn của các hộ huyện Mèo Vạc hiện đa số quảng canh, tự cung, tự cấp. Sản phẩm tăng gia từ vườn tuy đáp ứng một số nhu cầu thiết yếu, nhưng chưa thực sự đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng hàng ngày.

25/03/2021
Ba cốt lõi trong cải tạo vườn tạp ở Vị Xuyên

BHG - Tập trung tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; quy hoạch vùng và xác định nguồn cây giống phù hợp; chú trọng tập huấn, chuyển giao KHKT cho người dân là ba cốt lõi quan trọng trong thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Vị Xuyên.

 

24/03/2021