Hà Giang

Đẩy mạnh Chương trình Quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" tại xã Bát Đại Sơn

08:55, 10/08/2018

BHG - Xác định xây dựng Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM) và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn; trong thời gian qua, Quản Bạ tích cực triển khai, thực hiện chương trình và bước đầu cho thấy những khả quan, từ đó tạo ra nhiều hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Hồng không hạt tại thôn Na Quang, xã Bát Đại Sơn phát triển tốt.
Hồng không hạt tại thôn Na Quang, xã Bát Đại Sơn phát triển tốt.

Ngay từ đầu năm 2017, huyện Quản Bạ chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức rà soát, báo cáo hiện trạng, đề xuất các sản phẩm địa phương, phục vụ xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, qua khảo sát về địa hình cũng như khí hậu, xã Bát Đại Sơn tiến hành đăng ký triển khai thực hiện thí điểm trồng cây Hồng không hạt và mô hình nuôi trâu, bò cho 25 hộ tại thôn Na Quang. Ban đầu xã triển khai trồng 300 gốc hồng trên diện tích 2 ha; để mô hình đạt hiệu quả, UBND xã cử các cán bộ khuyến nông thường xuyên bám thôn, hướng dẫn người dân cách trồng và chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật; hiện mỗi gốc hồng được huyện hỗ trợ 42.000 đồng tiền phân bón. Để người dân nắm vững kiến thức chăm sóc cây, xã mở các khóa tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân tại thôn Na Quang. Sau 2 năm đưa giống Hồng không hạt vào trồng thí điểm, đến nay tổng diện tích tại thôn Na Quang đã có 6 ha, tương đương 1.500 gốc; hiện nay cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Mô hình nuôi bò tại xã Bát Đại Sơn đang phát triển mạnh.
Mô hình nuôi bò tại xã Bát Đại Sơn đang phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, nhằm phát huy hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã Bát Đại Sơn đã tuyên truyền tới người dân về hiệu quả của mô hình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm. Thực hiện chuyển đổi một phần diện tích đất trồng hoa màu sang trồng cỏ chăn nuôi. Hiện tại, toàn xã có 53 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò từ 5 con trở lên, các mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Nhận thấy tiềm năng về phát triển kinh tế cho người dân từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, trong thời gian tới, huyện Quản Bạ tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra huyện còn quy hoạch, bảo tồn và phát triển một số sản phẩm thế mạnh. Tin rằng, Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” tại xã Bát Đại Sơn nói riêng và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quản Bạ nói chung sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng NTM. Đồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất  hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo bước đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tại địa phương. 

Bài, ảnh: Hoàng Chính - Đỗ Hà

(TTHTT&DL Quản Bạ)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vĩnh Tuy phát triển nghề nuôi cá lồng

BHG- Là thị trấn cửa ngõ của tỉnh và là nơi hợp lưu của 2 dòng sông, sông Lô và sông Bạc. Có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, nên những năm qua người dân thị trấn Vĩnh Tuy đã chú trọng phát triển nghề nuôi cá lồng. Nghề này, theo đánh giá của cá đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thị trấn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình cải thiện thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

09/08/2018