Khi cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo ở Mèo Vạc

11:34, 04/11/2020

BHG - Gần 7.000 hộ nghèo được giúp đỡ về vật chất, tinh thần và hơn 4.800 hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững từ sự giúp đỡ này; đây là bằng chứng sinh động phản ánh khách quan hiệu quả của Chương trình cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo của BTV Huyện ủy Mèo Vạc trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Qua đó, không chỉ góp phần thắt chặt mối quan hệ sắt son giữa Đảng với nhân dân mà còn tạo cho diện mạo huyện vùng cao Mèo Vạc ngày càng khởi sắc.

Để công tác giảm nghèo phát huy hiệu quả và đi vào chiều sâu; từ đầu nhiệm kỳ, BTV Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành kế hoạch về giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo hàng năm; phân công cụ thể các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp huyện giúp đỡ hộ nghèo. Trên cơ sở đó, những đồng chí được phân công có trách nhiệm đến cơ sở phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, đánh giá nguyên nhân, nguyện vọng của các hộ nghèo; xây dựng phương án giúp đỡ với các nội dung, như: Hỗ trợ công cụ, phương tiện, vật tư sản xuất, cây, con giống; hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao KHKT, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm; kêu gọi cộng đồng, xã hội đóng góp vật chất, ngày công lao động để hỗ trợ hộ nghèo giúp họ vươn lên thoát nghèo… Để Chương trình phát huy hiệu quả, những đồng chí được giao phụ trách đã tiến hành lập biên bản cam kết hỗ trợ hộ cũng như cam kết trách nhiệm của chủ hộ khi được hỗ trợ, giúp đỡ.

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện thăm hỏi, động viên hộ nghèo Vừ Thị Mỷ, thôn Kho Tấu, xã Pả Vi.
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện thăm hỏi, động viên hộ nghèo Vừ Thị Mỷ, thôn Kho Tấu, xã Pả Vi.

Đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc, chia sẻ: Cứ 2 lần/tháng, tôi lại vượt đoạn đường hơn 16 km đến nắm tình hình, thăm hỏi, động viên gia đình anh Sò Mí Thò (thôn Kho Tấu, xã Pả Vi). Hoàn cảnh gia đình anh Thò rất khó khăn, có thời điểm không đủ ăn; trong khi còn có 3 con nhỏ… Để giúp gia đình anh Thò có thêm nguồn thu nhập, tôi đã vận động anh Thò đi lao động tại Công ty TNHH Khoa học, kỹ thuật Texhong Ngân Hà (tỉnh Quảng Ninh). Ban đầu với tâm lý e ngại không muốn xa nhà, song nhiều lần thuyết phục, anh Thò đã quyết định nộp hồ sơ đi làm. Đến nay, thu nhập của anh đạt từ 8 – 10 triệu đồng/tháng. Với nguồn thu nhập ổn định này đã từng bước giúp gia đình anh cải thiện chất lượng cuộc sống…

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn như anh Thò, anh Hứa Văn Xuân, thôn Nà Giáo, xã Niêm Sơn; cuộc sống của gia đình anh với tài sản chỉ là nương rẫy toàn đá tai mèo. Song, được sự quan tâm của lãnh đạo Huyện đoàn Mèo Vạc; năm 2016, anh đã tiếp cận được nguồn vốn vay 150 triệu đồng từ Chương trình thanh niên khởi nghiệp. Với nguồn vốn này, anh mua 7 con bò cái sinh sản về nuôi; đồng thời nâng cấp chuồng trại, trồng thêm cỏ đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi. Sau 2 năm thực hiện, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo và trả được vốn vay. Từ số tiền lãi, anh tiếp tục đầu tư mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ trong thôn, với nguồn thu nhập ổn định từ 20 – 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn duy trì nuôi từ gần chục con lợn và cho một hộ nghèo trong thôn nuôi rẽ 4 con bò. Không chỉ cố gắng trong phát triển kinh tế, anh còn tích cực tham gia các phong trào của thôn, xã; đặc biệt là phong trào xây dựng NTM ở địa phương…

Tương tự, tại thôn Nà Tằm, xã Nậm Ban; gia đình anh Vàng A Tờ, một trong 3 hộ nghèo trên địa bàn huyện Mèo Vạc được lựa chọn để thực hiện trồng thử nghiệm giống cây dâu tằm vào năm 2019. Anh Tờ chia sẻ: Mô hình trồng dâu nuôi tằm còn khá xa lạ với người dân nghèo chúng tôi. Nhưng sau khi được huyện tạo điều kiện cho đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Cao Bằng, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 1 ha đất vườn sang trồng cây dâu tằm. Đến nay, mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình đã cho thu nhập trung bình hơn 15 triệu đồng/tháng. Để có kết quả này, trong quá trình thực hiện, tôi thường xuyên được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây dâu cũng như kinh nghiệm nuôi tằm. Nhờ vậy, cây dâu sinh trưởng, phát triển tốt; đàn tằm khỏe mạnh, không có dịch bệnh…

Đường bê tông nông thôn được xây dựng khang trang, giúp người dân xã Sủng Máng thuận lợi trong trao đổi hàng hóa.
Đường bê tông nông thôn được xây dựng khang trang, giúp người dân xã Sủng Máng thuận lợi trong trao đổi hàng hóa.

Có thể thấy, 3 trường hợp điển hình trên chỉ là số ít trong gần 7.000 hộ nghèo của huyện được giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo theo chủ trương của BTV Huyện ủy Mèo Vạc giai đoạn từ năm 2015 đến nay; nhờ đó, đã có hơn 4.800 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững từ sự giúp đỡ này. Đặc biệt, ngoài ngân sách nhà nước cấp, nhiều cán bộ, đảng viên được phân công giúp đỡ hộ nghèo còn chủ động vận động, kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa với số tiền lên đến gần 100 tỷ đồng để thực hiện công cuộc giảm nghèo trên địa bàn huyện. Cũng trong giai đoạn này, nhiều mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả; hiện đang được huyện nhân rộng, như: Mô hình nuôi lợn đen Lũng Pù, nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện hay trồng lúa Khẩu mang, trồng dâu nuôi tằm, sản xuất rau an toàn…

Đồng chí Trần Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc, cho biết: Ước thực hiện hết năm 2020, cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo của huyện đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Có được thành quả này, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy huyện đã chủ động triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và hướng đến giảm nghèo bền vững; trong đó, có giải pháp phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Từ thành quả của nhiệm kỳ qua, nhiệm kỳ 2020 – 2025, BTV Huyện ủy tiếp tục duy trì, nhân rộng và củng cố chương trình này trên phạm vi toàn huyện.

Với việc thực hiện Chương trình cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo của BTV Huyện ủy Mèo Vạc trong nhiệm kỳ qua và bằng những việc làm cụ thể, trách nhiệm; nhiều cán bộ, đảng viên được nhân dân, nhất là các hộ nghèo tin yêu. Đồng thời, trở thành động lực, điểm tựa tinh thần để người dân nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững; góp phần xây dựng huyện Mèo Vạc vững mạnh nơi biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh: Trần Kế


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tùng Bá phát huy vai trò cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế

BHG - Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, xây dựng Đảng là then chốt; những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tùng Bá (Vị Xuyên) luôn quan tâm tạo điều kiện phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu và vận động, tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

28/10/2020
Hiệu quả công tác đào tạo cán bộ ở Quản Bạ

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên là rất quan trọng, là "công việc gốc của Đảng". Thực hiện tư tưởng đó, huyện Quản Bạ đã thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giúp cho cán bộ phát huy được năng lực của bản thân trong quá trình công tác, chỉ đạo, điều hành hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương.

 

26/10/2020
Đảng viên Lục Đức Giang làm giàu từ kinh tế tổng hợp

BHG - Với đức tính cần cù, chịu khó, anh Lục Đức Giang, dân tộc Giấy, thôn Lang Lầu, xã Phú Linh (Vị Xuyên) đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương với mô hình phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC). Tham quan mô hình kinh tế của anh Giang, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cơ ngơi khang trang của vợ chồng anh, chị. Trước đây, nơi này là vùng đất cằn cỗi...

24/10/2020
Đổi mới, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 ở Phương Tiến

BHG - Đảng bộ xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên hiện có 13 chi bộ trực thuộc với 342 đảng viên. Để việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII thiết thực và hiệu quả, Đảng bộ xã đã quán triệt, cụ thể hóa từng nội dung của nghị quyết gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới các cán bộ, đảng viên. 

22/10/2020