Đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử

16:55, 05/10/2021

BHG - Trước tác động mạnh của đại dịch Covid-19 đến thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ nông sản trên địa bàn tỉnh, thời gian qua ngành chức năng và doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm thị trường thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhằm hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất được kết nối tiêu thụ, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường.

Cán bộ Viettel hướng dẫn cách tải, lập tài khoản và sử dụng ứng dụng cho HTX Hải Khang (Bắc Quang) để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT
Cán bộ Viettel hướng dẫn cách tải, lập tài khoản và sử dụng ứng dụng cho HTX Hải Khang (Bắc Quang) để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT

Để đẩy mạnh bán hàng trên kênh TMĐT trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã ban hành và triển khai kế hoạch hỗ trợ, đưa sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp - nông thôn. Kế hoạch hướng tới mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia sàn TMĐT để kết nối tiêu thụ nông sản tới các địa phương trong cả nước. Từ đó, giúp hộ sản xuất tăng kênh phân phối, mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào khâu trung gian, giúp người dân các địa phương trong cả nước và ở nước ngoài có thể thưởng thức đặc sản Việt Nam thuận tiện, nhanh chóng, ngay cả trong bối cảnh hạn chế đi lại, vận chuyển do dịch bệnh. Đây là một trong những kế hoạch chiến lược lâu dài hỗ trợ người dân tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm trên kênh bán hàng online, và cũng là một trong những bước chuyển đổi số phù hợp với xu thế chung của cả nước.

Livestream là một trong những hình thức bán hàng online thông dụng để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm.
Livestream là một trong những hình thức bán hàng online thông dụng để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm.

Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các kênh bán hàng truyền thống cũng như việc vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến sản lượng tiêu thụ bị hạn chế. Trong bối cảnh chung đó, để tiêu thụ được sản phẩm, bà Nguyễn Thị Khang với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã Hải Khang (Bắc Quang) đã trực tiếp thường xuyên cùng các nhân viên bán hàng online qua các trang mạng. Cùng với đó, nhiều cơ sở sản xuất trong tỉnh cũng đã đưa các sản phẩm của mình lên mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ. Điều này cho thấy việc ứng dụng công nghệ số vào quảng bá và tiêu thụ sản phẩm là cách làm mới, thay đổi tư duy tiêu thụ sản phẩm đối với các HTX, đặc biệt là các HTX sản xuất các đặc sản như Hải Khang. Bà Nguyễn Thị Khang chia sẻ: “Trước đây việc mua bán sản phẩm của HTX khá thuận lợi, nhưng từ khi xuất hiện dịch Covid-19 và có diễn biến phức tạp tại Việt Nam, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khá nhiều khó khăn. Việc áp dụng công nghệ số, đưa sản phẩm của HTX lên các sàn giao dịch TMĐT là thuận lợi với chúng tôi. Trước đó, tôi cũng đã được tập huấn về cách triển khai và sử dụng các ứng dụng mạng xã hội”.

Để đồng hành cùng với tỉnh trong nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP của địa phương lên sàn TMĐT, thời gian vừa qua, Bưu chính chi nhánh Viettel đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn chủ doanh nghiệp, HTX chủ động lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đưa lên sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu. Giám đốc Bưu chính chi nhánh Viettel Hà Giang, ông Lưu Thế Hoàng cho biết: “Là một trong những đơn vị viễn thông tiên phong phát triển nhiều kênh thông tin để quảng bá, hỗ trợ nhân dân mua, bán sản phẩm trên các nền tảng công nghệ thông tin, trong xu hướng đó, sàn TMĐT Voso.vn của Viettel Post cũng đã ra đời. Tại đây, người bán có thể đăng tải thông tin về sản phẩm lên sàn, còn người mua vào xem, lựa chọn và đặt hàng. Đồng thời, khách hàng có quyền đánh giá về sản phẩm sau khi sử dụng. Để làm được điều đó, đơn vị đã chủ động phân công chuyên viên theo dõi, hỗ trợ đưa hàng chục sản phẩm OCOP của tỉnh lên toàn hệ thống. Chủ động liên hệ, hỗ trợ vận chuyển cho các đơn hàng phát sinh trên sàn TMĐT”. 

Ngoài chi nhánh Bưu chính Viettel thì Bưu điện tỉnh cũng đã và đang vào cuộc quyết liệt nhằm hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua kênh bán hàng Postmart của Bưu điện Việt Nam. Theo lãnh đạo Bưu điện tỉnh thông tin, từ giữa tháng 8.2021, đơn vị đã xây dựng kế hoạch quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Giang trên nền tảng số. Tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh về sàn TMĐT và các kỹ năng bán hàng. Triển khai đăng tải, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên sàn TMĐT Postmart. Đồng thời, chủ động làm việc với các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân có sản lượng hàng hóa lớn thống nhất nội dung hợp tác. Theo đó, đến nay đã có trên 30 sản phẩm đặc trưng của tỉnh được đăng tải, quảng bá trên nền tảng công nghệ của Bưu điện Việt Nam. Điển hình như ngày 3.10 vừa qua, Siêu thị trực tuyến Postmart thuộc Bưu điện Việt Nam đã ký kết và mua 10 tấn cam vàng Hà Giang của HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang. Đây là chuyến hàng nông sản đầu tiên của tỉnh được tiêu thụ thông qua sàn giao dịch TMĐT.

Bên cạnh đó, qua trao đổi với ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương, Sở Công thương cho biết, trong nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, Trung tâm vừa ký kết hợp đồng với Công ty CP dịch vụ trực tuyến FPT để thiết kế gian hàng triển lãm ảo 3D tại “Triển lãm chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam” và truyền thông, quảng cáo sản phẩm tỉnh Hà Giang trên Báo điện tử VnExpress; fanpage Vnexpress.net. Các sản phẩm được trưng bày, bày bán tại gian hàng số, tất cả những khách hàng từ mọi miền tổ quốc cũng như trên thế giới đều có thể tham gia, tiếp cận với hình thức “tham quan gian hàng ảo - trải nghiệm thực”, dù không phải đến trực tiếp địa điểm trưng bày truyền thống. Điều này rất thuận lợi cho người mua và người bán, đặc biệt là các doanh nghiệp, HTX…

Tỉnh ta đang tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của địa phương. Để làm được điều đó, các hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX cũng cần nỗ lực đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhất là các tiêu chuẩn xuất khẩu để nhiều sản phẩm của tỉnh tiếp cận được với các thị trường lớn trong nước cũng như quốc tế.

Bài, ảnh: Hồng Cừ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gian hàng thực tế ảo 3D, một cách làm chuyển đổi số rất phù hợp với Hà Giang

BHG - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, HTX phải loay hoay tìm kiếm hướng đi mới, trong đó có việc quảng bá sản phẩm tới đông đảo người dân mà không phải tiếp xúc trực tiếp, lại tiết kiệm chi phí. Mới đây, Trung tâm Khuyến công xúc tiến Công thương Hà Giang đã ký kết hợp đồng với Công ty CP dịch vụ trực tuyến FPT để thiết kế gian hàng triển lãm ảo 3D tại "Triển lãm chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam" và truyền thông, quảng cáo sản phẩm tỉnh Hà Giang trên Báo điện tử Vnexpress; fanpage Vnexpress.net. 

29/09/2021
Các nguyên tắc tiết kiệm đầu tư cho chuyển đổi số

Bạn đọc hỏi: Xin cho biết các nguyên tắc chung để tiết kiệm trong đầu tư chuyển đổi số? Trả lời: Nguyên tắc quan trọng là đầu tư đến đâu, khai thác đến đấy. Cần tránh tâm lý đầu tư các thiết bị công nghệ quá đắt tiền cốt để cho xịn hay để sử dụng lâu dài.

29/09/2021
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải chuyển đổi số

Bạn đọc hỏi: Xin cho biết vì sao doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa cần phải chuyển đổi số (CĐS)?

28/09/2021
Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế số

Bạn đọc hỏi: Xin cho biết trong nền kinh tế số doanh nghiệp (DN) như thế nào thuộc loại nhỏ và vừa? Trả lời: DN nhỏ và vừa bao gồm DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, có số lao động tham gia Bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

24/09/2021