Hà Giang

Văn hóa dân gian Hà Giang kho tàng di sản độc đáo

07:19, 02/02/2019

Xuân 2019 - Cũng như các tộc người sinh sống trên vùng núi cao phía Bắc, các tộc người Hà Giang có một truyền thống lịch sử văn hoá đặc sắc. Họ rất giỏi canh tác nương rẫy, ruộng bậc thang. Họ gieo trồng các loại cây lương thực và rau màu trên những vùng thung lũng, sườn đất dốc và cả những nương đá. Họ thuần dưỡng và chăn nuôi được nhiều loại gia súc, gia cầm phù hợp với đặc điểm khí hậu, môi trường tự nhiên của quê hương. Họ còn lưu giữ được những kỹ nghệ thủ công truyền thống tinh xảo và điêu luyện, đó là kỹ thuật trồng bông, trồng lanh, se sợi, dệt vải, đan lát đồ mây tre, làm đồ gỗ, đồ gốm, rèn, đúc kim khí…

Đánh Pam, trò chơi dân gian ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên.                                                                                                          Ảnh: MINH TY (Vị Xuyên)
Đánh Pam, trò chơi dân gian ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên. Ảnh: MINH TY (Vị Xuyên)

Đối với các tộc người ở Hà Giang, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng. Gia đình chính là nơi sản sinh và truyền giữ văn hóa tộc người. Những tri thức, kinh nghiệm lao động, nghề nghiệp, nhận thức tự nhiên, xã hội, sinh hoạt văn nghệ, y học cổ truyền… đều thể hiện rất rõ trong mỗi gia đình. Từng gia đình luôn định hướng giá trị, dạy bảo các thành viên cách gìn giữ và phát triển các yếu tố văn hoá vật chất, vừa là môi trường hấp thụ và trao truyền các giá trị tinh thần.

Văn hoá tộc người ở Hà Giang còn tồn tại và vận động trong môi trường làng bản. Đó là không gian sinh tồn của một cộng đồng có quan hệ huyết thống hay láng giềng, vận hành theo cơ chế luật tục hay tập quán, trong đó tính cộng đồng là nguyên tắc ứng xử và quan hệ xã hội nền tảng. Tính cộng đồng của con người làng bản biểu hiện rõ nét trong các sinh hoạt lễ nghi, tín ngưỡng, trong các sinh hoạt lễ hội, diễn xướng văn nghệ dân gian, giao lưu tình cảm.

Bản sắc, bản lĩnh riêng của từng tộc người được biểu hiện chủ yếu trong văn hoá tinh thần. Bản sắc văn hóa tộc người là kết quả của một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, là tổng thể những sắc thái riêng được hình thành và vận động trong suốt tiến trình lịch sử. Đó là những yếu tố ăn sâu trong tiềm thức cộng đồng, là những yếu tố bền chặt ổn định, là kết tinh sâu xa của truyền thống và tiềm ẩn khả năng sáng tạo lớn, vừa có ý nghĩa truyền giữ tính độc đáo, sắc thái riêng của tộc người vừa có khả năng thúc đẩy tộc người phát triển. Tính bền vững và thống nhất của bản sắc văn hoá tộc người được thể hiện chủ yếu thông qua ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục và kho tàng văn hóa dân gian…

Một trong những đặc điểm tạo nên sắc thái riêng khá đậm của văn hoá tộc người Hà Giang là tính địa phương, thể hiện bằng sự phân vùng văn hoá nội bộ khá rõ nét. Hơn nữa, Hà Giang còn là nơi tập trung nhiều tộc người có dân số rất ít so với các tộc người khác, có một số tộc người được coi là duy chỉ có ở Hà Giang như La Chí, Pu Péo, Cờ Lao. Mặc dù dân số rất ít (vài trăm đến vài ngàn người) nhưng họ có ý thức bảo vệ, lưu giữ truyền thống văn hóa với những sắc thái độc đáo, riêng biệt của cộng đồng mình, góp phần tạo nên diện mạo văn hoá Hà Giang.

Văn hóa dân gian Hà Giang là một di sản đồ sộ chứa đựng tri thức, tâm lý, tình cảm của cả cộng đồng và mỗi cộng đồng tộc người có một kho tàng văn hóa độc đáo của riêng mình. Trong đó, hình thức văn hoá dân gian truyền miệng hết sức phong phú và đa dạng. Số lượng đông đảo các dân tộc đã làm giàu bản sắc văn hóa cho mảnh đất Hà Giang với kho tàng tục ngữ, thành ngữ, thơ ca, truyện cổ, các làn điệu dân ca, dân vũ cùng nhiều loại nhạc cụ phong phú và nhiều lễ hội độc đáo, nổi tiếng. Sự đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ thể hiện ở Lễ Cấp sắc, Nhảy lửa, Cầu mùa của dân tộc Dao; Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày; Lễ Cúng rừng của dân tộc Nùng; Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông… mà còn thể hiện qua các làn điệu dân ca, hát giao duyên, hát then, hát sli, lượn, múa khèn; các trò chơi đẩy gậy, đi cà kheo, đánh yến, đánh sảng, tung còn...; các làng nghề đúc, rèn, thêu thùa…; nghệ thuật ẩm thực như thắng cố, cháo ấu tẩu, chè Shan tuyết, đậu phụ nhự, mèn mén…

Hiện nay, lớp người già còn lưu giữ và có khả năng truyền đạt lại vốn văn nghệ dân gian cho thế hệ sau ở Hà Giang không còn nhiều, trong khi lớp trẻ, con em các dân tộc, phần lớn không đủ điều kiện và khả năng hấp thụ do cơ chế đời sống đã có nhiều thay đổi, mô hình văn hóa gia đình truyền thống bị xáo trộn hay tâm lý coi thường, đánh giá thấp di sản văn hóa của tổ tiên. Ngoài ra, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, việc duy trì, bảo tồn vốn di sản văn hóa quý này gặp nhiều khó khăn, thậm chí đối mặt với nguy cơ mai một. Trước thực trạng đó, việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa cổ truyền trở thành một nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho những người có trách nhiệm đối với di sản văn hóa truyền thống của các tộc người Hà Giang.

Văn hóa dân gian tộc người Hà Giang là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam. Để nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm dân tộc, xây dựng và củng cố các biểu tượng của dân tộc, chúng ta cần phải bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để hội nhập và giao lưu Quốc tế. Bởi vậy, kho tàng văn hóa dân gian các tộc người Hà Giang cần  được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại!

Đỗ Hằng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao tầm vóc đàn gia súc

Xuân 2019 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh xác định trâu, bò là những con thế mạnh, chủ lực; là một trong những giải pháp giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Chính vì vậy, tỉnh ta có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đàn trâu, bò, đặc biệt chăn nuôi theo hướng hàng hóa và hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT), cải tạo tầm vóc đàn đại gia súc.

 

31/01/2019
Xuân về Đơn vị 27

Xuân 2019 - Những ngày này đến với Đơn vị 27 Tăng – thiết giáp (Bộ CHQS tỉnh), chúng tôi thật sự ấn tượng trước cảnh quan môi trường khá khang trang, xanh, sạch, đẹp của đơn vị. Là đơn vị kỹ thuật, được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác sử dụng hệ thống xe thiết giáp phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác, lãnh đạo chỉ huy đơn vị đề ra nhiều biện pháp đồng bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

30/01/2019
Hoàng Su Phì hướng tới tăng trưởng bền vững

Xuân 2019 - Với đặc thù huyện còn  nhiều khó khăn, để đẩy mạnh kinh tế phát triển hơn nữa, thời gian qua, Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì xác định xây dựng Đảng là vấn đề then chốt, nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm tổ chức thực hiện các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án của tỉnh; bám sát và cụ thể hoá bằng các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu hàng năm với những giải pháp, biện pháp cụ thể, sát thực tế…

30/01/2019
Thêm niềm vui mừng Xuân

Xuân 2019 - Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, Nguyễn Xuân Huy, khẳng định: Năm qua, đơn vị đã bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, thu đúng...

30/01/2019