Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa cá nhân là "chỉ lo mình béo, mặc thiên hạ gầy"

15:09, 26/05/2021

BHG - “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đã đi xa nhưng lời cảnh tỉnh đó của Người vẫn còn nguyên giá trị đối với dân tộc, Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay. Bởi những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế và toàn cầu hóa, cùng với quá trình hội nhập, các trào lưu tư tưởng xấu du nhập vào Việt Nam đã và đang chi phối đến tư tưởng và hành động của không ít cán bộ, đảng viên khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sa vào tham ô, tham nhũng...

Nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân sẽ làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh - Nguồn: voh.com.vn
Nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân sẽ làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh - Nguồn: voh.com.vn

Làm thế nào để ngăn chặn sự thoái hóa, biến chất và yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong điều kiện hiện nay để xây dựng một chiến lược cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng? có rất nhiều nội dung, trong đó, tìm hiểu, học tập một cách sâu sắc và thực hiện đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về quét sạch chủ nghĩa cá nhân là chìa khóa quan trọng nhất.

Nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân sẽ làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh - Nguồn: voh.com.vn

Khi nói về một số cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm, chậm tiến, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói chung, các đồng chí ấy rất trung thành với Đảng, với nhân dân, nhưng tư tưởng và tác phong chưa thuần, đang mang một “ba lô chủ nghĩa cá nhân” hoặc nặng, hoặc nhẹ”. Người chỉ rõ nguyên nhân của chủ nghĩa cá nhân là: “Sinh trưởng trong một xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình ít hoặc nhiều vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, thói quen...Vết tích xấu xa nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ, đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.

Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là “chỉ lo mình béo, mặc thiên hạ gầy”; là việc gì cũng chỉ nghĩa đến lợi ích riêng của mình trước hết; chỉ biết “mọi người vì mình” mà không lo “mình vì mọi người”.

Chủ nghĩa cá nhân là một thứ gian xảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ người ra đi xuống dốc. Nó là một thứ vi trùng rất độc đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm như: tham ô, lãng phí, quan liêu, tham danh, trục lợi, thích địa vị, thích quyền hành... nó phá từ trong phá ra, là bạn đồng minh của chủ nghĩa đế quốc và thói quen truyền thống lạc hậu, nguy hiểm hơn kẻ thù bên ngoài.

 “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”,  là mối nguy hại cho Đảng và cả dân tộc. Vì cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Nó đẻ ra mọi thói hư tật xấu như: lười biếng, so bì, kiêu căng, kèn cựa, lãng phí, tham ô, bè phái, địa phương chủ nghĩa...

Theo Người, muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân. Muốn giữ gìn sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin thì trước hết tự mình phải trong sáng. Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi cơ quan, đơn vị, cũng như của cả sự nghiệp của cách mạng. Bởi trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, chủ nghĩa cá nhân chống phá chúng ta từ trong nội bộ, làm suy yếu ta, tiếp tay cho địch. Còn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cá nhân đã đẻ ra muôn vàn thứ bệnh làm tha hóa, biến chất đội ngũ cán bộ của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng. Vì vậy, muốn thành người cộng sản chân chính phải chống chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh kiên quyết phê phán chủ nghĩa cá nhân và không ngừng kêu gọi mọi người kiên quyết đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đời sống xã hội.

Ngày 5.9.1950 tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi. Có thể nói đây là vụ án tham nhũng điển hình xảy ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, quân và dân ta còn gặp muôn trùng khó khăn, ăn đói, mặc rét nhằm đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì việc đưa vụ án này ra xét xử công khai trước công đường không chỉ vạch trần các hành vi tham nhũng, sa đọa của kẻ phạm tội mà còn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ coi thường pháp luật, tham ô trộm cắp tài sản Nhà nước, sống sa đọa đang nhởn nhơ ở ngoài xã hội.

Trong kháng chiến chốn Pháp, Đại tá Trần Dụ Châu, vốn cũng là một người cách mạng, nhưng khi làm Cục tưởng Cục Quân nhu, đã lợi dụng chức vụ, bớt xén phần cơm áo vốn đã rất kham khổ, thiếu thốn của bộ đội ta để cùng đồng bọn sống phè phỡn, trụy lạc...Vụ án được đưa ra khởi tố, đưa ra tòa án quân sự, y bị lĩnh ấn tử hình. Trần Dụ Châu và gia đình chống án lên Bác Hồ, xin được khoan hồng. Vụ án đã gây ra nỗi đau buồn sâu sắc. Nhưng đối với loại sâu mọt đục khoét nhân dân, trị một người để cứu muôn người, dù rất đau lòng. Người đã ký lệnh bác đơn chống án của Trần Dụ Châu. Vụ án đã được thi hành.

Qua đó, có thể thấy: Bác Hồ rất đề cao phép nước, “nhân trị” đi đôi với “pháp trị”. Người hết lòng thương yêu, dạy bảo cán bộ. Nhưng ai sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm hại đến tính mệnh và tài sản của nhân dân, làm mất thanh danh, mất uy tín của Đảng và Nhà nước,  thì dù họ có là cách mạng kỳ cựu, là bộ trưởng, thứ trưởng gì đi nữa, thì vẫn phải được đem ra xét xử theo đúng pháp luật và đó là một giải pháp cực kỳ hữu hiệu để kiên quyết đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đời sống xã hội.

Hiện nay, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, nước ta còn chịu sự tác động không nhỏ từ mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực nảy sinh trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang thực hiện quá độ lên CNXH, khi cái mới và cũ còn tồn tại đan xen, cái tiến bộ đang dần hình thành và tàn dư của xã hội cũ chưa bị loại bỏ hoàn toàn thì chủ nghĩa cá nhân vẫn có môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển với những biểu hiện ngày càng phức tạp và vô cùng tinh vi. Thực tế này đã được Đại Hội XIII tiếp tục chỉ rõ: “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân”. Đó là một trong những thách thức lớn đối với sự sống còn của chế độ, làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”… Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng này là do “bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Điều đó dẫn đến một hệ lụy vô cùng nguy hại: “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Một khi chủ nghĩa cá nhân có điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển sẽ là mối nguy hại vô cùng to lớn cho Đảng và dân tộc, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do vậy, trên cơ sở nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chủ động đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên hiện nay là việc làm cần thiết, thường xuyên và là lương tâm, trách nhiệm của những người cộng sản chân chính.

Đặng Ngọc Mai (Trường Chính trị tỉnh Hà Giang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảng vì dân

BHG - Thực hiện Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên của Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Tư tưởng vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và luyện rèn nên một Đảng Cộng sản Việt Nam với lý tưởng cao cả sống vì dân. Từ khi thành lập đến nay đã hơn 90 năm, Đảng ta lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam của Đảng.

 

31/01/2021
Đại hội XIII của Đảng và quyết tâm đưa đất nước ta vươn lên tầm cao mới!

BHG - Năm 1985, từ thực tế tình hình kinh tế đất nước đang lạm phát, khủng hoảng, Đảng và Nhà nước ta đã thống nhất xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, quyết tâm đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi khó khăn. Những quyết sách quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong năm 1985 là bước chuẩn bị quan trọng để từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12.1986, chúng ta bước vào một giai đoạn mới, thực hiện công cuộc đổi mới, thực hiện nền kinh tế thị trường, hội nhập và phát triển. 

31/01/2021
Kiên định bảo vệ chế độ chính trị

BHG - Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, Chương I với 13 điều quy định về vị trí vai trò của nhân dân; vị trí vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội… 

30/10/2020
Duy ý chí "căn bệnh" nguy hiểm cần tránh

BHG - Ý chí là một trong những yếu tố làm nên phẩm chất, bản lĩnh của con người. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào ý chí cá nhân mà không tuân theo quy luật khách quan, hay coi ý chí là "chìa khóa vạn năng" để giải quyết mọi công việc mà không xuất phát từ thực tiễn cuộc sống thì lại là duy ý chí - một trong những biểu hiện của căn bệnh "kiêu ngạo cộng sản" dễ làm người cách mạng tự sa ngã, biến chất,  "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" – điều này hết sức nguy hiểm.

 

26/12/2020